Từ Chủ nhiệm phim đầu tiên đến “giai nhân tình báo”

20/10/2018
Bà Hoàng Thúy Lan được biết đến là đạo diễn, Chủ nhiệm phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam...

Bà Hoàng Thúy Lan được biết đến là đạo diễn, chủ nhiệm phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Sau khi nhận nhiệm vụ thâm nhập vào nội đô Sài Gòn năm 1966, núp dưới vỏ bọc của một nhà sản xuất phim, bà hoạt động tình báo dưới tên mới Hoàng Thúy Minh. Nữ chủ nhiệm đầu tiên của phim truyện nước nhà

Tên thật của bà là Nguyễn Thị Quới, là con trong gia đình Việt Kiều Campuchia yêu nước tại Sài Gòn. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, trong đoàn quân tập kết tới cảng Hải Phòng, có gia đình bà Hoàng Thúy Lan. Đến năm 1957, bà nằm trong danh sách được tuyển sang Trung Quốc học lớp đào tạo đạo diễn điện ảnh. Với tất cả tâm huyết cùng niềm say mê của tuổi trẻ, sau khi được đào tạo trở về, bà Hoàng Thúy Lan đã áp dụng những điều đã học phục vụ cho điện ảnh nước nhà. Người dân Hà Nội thời bấy giờ không thể nào quên được hình ảnh nữ chủ nhiệm phim truyện đầu tiên mang tên Hoàng Thúy Lan, qua bộ phim ‘Chị Tư Hậu” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. 

Nhưng, đến năm 1966, bà biến mất khỏi Hà Nội. Người ta thắc mắc bà đã đi đâu? làm gì? hàng loạt lời đồn đoán về bà xuất hiện. Nhưng, sẽ chẳng ai ngờ, bà được nhận nhiệm vụ quay trở lại Sài Gòn để hoạt động tình báo. Trước lúc đi B, bà Thúy Lan chỉ để lại bức thư viết tay với nội dung: bà đồng ý để chồng đi lấy vợ khác, vì đã ra đi là không hẹn ngày trở về. Người phụ nữ ấy đã sẵn sàng vì việc nước, mà dứt lòng gạt bỏ đi hạnh phúc cá nhân.

“Giai nhân tình báo” dũng cảm, kiên trung

Dưới tên mới Hoàng Thúy Minh - Giám đốc Hãng phim Thúy Minh, bà Hoàng Thúy Lan hoạt động bí mật trong một mạng lưới tình báo. Nhiệm vụ chính mà bà được giao là thu thập tin tức, lôi kéo đội ngũ trí thức về làm việc cho cách mạng. Ngày bà trở về Sài Gòn, mẹ ruột bà không nhận. Mẹ của bà nghĩ bà đã ra Bắc, mà nay quay trở lại nghĩa là kẻ phản bội, nên không chấp nhận con. Nhưng mọi hiểu lầm rồi cũng được hóa giải, những giọt nước mắt đã rơi khi gia đình sum họp.

Tuy nhiên, cậu em trai út của bà lại dự định thi phi công phục vụ chính quyền Sài Gòn. Trước nguy cơ hai chị em ở hai chiến tuyến đối địch nhau, mâu thuẫn nảy sinh ngay trong những người thân ruột thịt, bà Thúy Lan đã có thái độ kiên quyết nhằm tác động và thay đổi hoàn toàn tư tưởng cho em trai. Thuyết phục được em rồi, bà liên hệ được cho em trai vào chiến khu hoạt động. Sau này, trong một trận chống càn ác liệt, người em trai của bà đã anh dũng hy sinh…

Tháng 4-1966, việc hoạt động tình báo của bà Hoàng Thúy Lan đã bị phát hiện do có kẻ phản bội chỉ điểm. Bà phải chịu cảnh bị giam trong nhiều nhà tù, cuối cùng bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Nơi đây được ví là địa ngục trần gian: giam cầm, tra tấn, giết chết bao nhiêu thế hệ những người con yêu nước. Bà Hoàng Thúy Lan bị giam trong chuồng cọp Côn Đảo, qua đủ mọi cực hình tra tấn và cả những lời dụ dỗ ngon ngọt hòng mua chuộc. Tuy nhiên, bản lĩnh kiên cường cùng tấm lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ luôn thắp lên trong bà ngọn lửa niềm tin theo Cách mạng, quyết không khai nửa lời với địch. Sau này, đồng đội của bà - những cựu tù chính trị Côn Đảo năm xưa - chia sẻ: Trong tù, bà được mệnh danh là “nữ tù chuồng cọp”, tiêu biểu cho tinh thần “chống chào cờ” quyết liệt, khi bà nhất quyết không chịu cúi mình trước lá cờ của chính quyền Sài Gòn. Trong ngục tù Côn Đảo, bà là Bí thư chi bộ Đảng, trong chi bộ ấy có các nữ biệt động thành Sài Gòn Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng là những đảng viên kiên trung.

Những giọt nước mắt của ngày trở về…

 

 Từ trái qua phải: bà Nguyễn Thị Lan, bà Hoàng Thúy Lan và bà Võ Thị Thắng - những thành viên của tổ điệp báo Sài Gòn chống Mỹ xâm lược năm xưa


Sau khi Hiệp định Paris được kí kết, việc trao đổi tù binh diễn ra, bà Hoàng Thúy Lan được trở về. Đôi chân của bà đã bị tê liệt do bị xiềng xích nhiều năm, nên bà được bạn tù khiêng võng qua sông. Trớ trêu thay, bên ta lại có người nghi ngờ bà là người phản bội nên mới sống mà trở về. Bà tâm sự: khi bị đánh đập, bị tra tấn, chưa bao giờ bà khóc, nhưng khi bị chính bên ta nghi ngờ, nước mắt bà đã chảy. Tuy vậy, cuối cùng ánh sáng của sự thật vẫn được thắp lên, bà trở thành tấm gương về một Đảng viên mẫu mực, làm Phó giám đốc Hãng phim Giải Phóng. Với những hy sinh, đóng góp vô cùng cao cả đối với dân tộc, năm 2009, bà Hoàng Thúy Lan vinh dự nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Đây thật sự là một tấm gương điển hình về người phụ nữ trung kiên với Đảng cho đến suốt cuộc đời.

Cảm động và khâm phục trước câu chuyện cuộc đời bà Hoàng Thúy Lan, năm 2009, đạo diễn - NSUT Phạm Việt Tùng đã làm bộ phim tài liệu mang tên: “Người phụ nữ Việt Nam ấy, bà là ai?” nhằm ca ngợi, tôn vinh tấm gương người phụ nữ điển hình của điển hình này. Tâm sự về nhân vật chính trong phim, đạo diễn Phạm Việt Tùng xúc động: bà Hoàng Thúy Lan là nhân vật đã tạo dấu ấn sâu sắc nhất trong suốt 60 năm làm nghề của ông. 

Bà Hoàng Thúy Lan là nhân vật điển hình về lòng kiên trung trong cuộc đấu tranh ở mặt trận tình báo. Bà mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp ngàn đời nay của người phụ nữ Việt Nam, góp phần tạo nên linh hồn dân tộc. Những năm tháng của cuộc chiến tranh đã qua đi, nhưng hình ảnh những người phụ nữ hy sinh hết mình cho tổ quốc là một phần kí ức không thể xóa nhòa. 

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video