Từ cuốn nhật ký của một người con gái Hà Nội

26/07/2007
Theo dòng Nhật ký của người con gái Hà Nội - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, chúng tôi tìm về mảnh đất Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi - nơi chị đã từng sống và chiến đấu trong những năm đầy ác liệt của Tổ Quốc.

Những gì chứng kiến, những gì nghe được và cả những gì chúng tôi sưu tầm được đã làm dấy lên những cảm xúc vốn đã mãnh liệt trong tôi về chị.

 

Chị ngã xuống ở lứa tuổi 27 và mãi mãi ở bên cạnh chúng ta trong độ tuổi thanh xuân tươi đẹp ấy!

 

Mỗi ngôi nhà, mỗi người dân, mỗi con đường ở Đức Phổ hình như đều in dấu chân của người con gái Hà Nội kiên cường ấy. Chuyện về chị chúng tôi được nghe ở khắp mọi người dân ở đây. Từ người cán bộ huyện, đến người cựu du kích xã hay một bà cụ người dân tộc sống dưới chân núi - nơi bệnh viện dã chiến của chị đóng trước kia. Tất cả là những lời yêu thương, cảm phục.

 

Theo chân nhưng con người đã từng gắn bó với Đặng Thuỳ Trâm, chúng tôi leo lên núi, tìm đến nơi xưa kia đã từng là một bệnh viện dã chiến. Con đường mòn dù đã được làm lại để giúp những ai muốn hiểu thêm về chị có thể lên được nơi mình muốn, nhưng vẫn khó đi vô cùng. Một tay bám vào sợi dây cáp bên đường, một tay chống gậy, vất vả lắm thì gần 2 tiếng sau chúng tôi mới đến được chỗ nghỉ đầu tiên. “ Đây chỉ là căn hầm tạm dành cho thương binh trên đường bệnh viện mà gặp máy bay, còn bệnh viện trên cao hơn một chút”.- Anh Nguyễn Văn Thông, một người cùng công tác với chị Trâm trước kia, dẫn đường cho chúng tôi nói.

 

Vậy làm sao chị Trâm có thể cõng được thương binh lên đến đây chứ? - Tôi hỏi

 

Chị ấy không chỉ cõng lên đến đây mà cõng lên đến tận khu hầm của bệnh viện trên kia. - Anh trả lời bằng một giọng bình thản trước sự ngạc nhiên của chúng tôi.

 

Anh không giải thích vì đó chỉ là một việc làm quá bình thường của chị. Bởi lên đến khu vực của bệnh viện dã chiến, chúng tôi mới hiểu giữa cái sống và cái chết, con người ta có một sức mạnh thật thần kỳ. Máy bay thường xuyên đánh phá, bom đạn, dốc núi… nhưng họ vẫn làm việc, vẫn ca hát. Từ nơi làm việc xuống tới suối nước là cả một quãng đường dốc dài, nhưng ngày nào chị và đồng đội cũng phải xuống để lấy nước, giặt bông băng, quần áo cho mình, cho anh em thương binh. Để có gạo ăn, để thương binh không bị lỡ bữa. họ phải đi bộ, leo núi mấy ngày đường dưới làn bom đạn địch. Khi địch càn quét, ném bom, họ lại phải di chuyển địa điểm, đưa thương binh đến nơi an toàn. Mà toàn bộ những công việc ấy, toàn bộ tính mạng của bao thương binh và của cả những cán bộ nhân viên bệnh viện đều do chị phụ trách. Có lẽ vì thế, chuyện chị cõng một thương binh lên tới bệnh viện là quá bình thường.

 

Thắp nén nhang nơi chị ngã xuống, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước vong linh chị trong sự biết ơn và cảm phục.

 

Trở về Hà Nội chúng tôi mang theo một gia tài: những kỷ vật thiêng liêng về chị, những câu chuyện đầy ắp kỷ niệm và cả hình ảnh về những người dân Đức Phổ nhân hậu trọn tình vẹn nghĩa. Cũng tại mảnh đất này đã mọc lên hai công trình mang tên chị: Bệnh viện và Thư viện Đặng Thuỳ Trâm. Đây là lời tri ân sâu sắc của Tổ quốc và nhân dân đối với chị. Tất cả sẽ cùng hành trình với cuốn nhật ký của người nữ anh hùng Đặng Thuỳ Trâm tới các thế hệ tương lai.
Phạm Kim Ngân - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video