Tự cứu mình cũng là góp phần hữu ích cho xã hội

06/07/2007
Gần 100 đại biểu về dự Hội nghị sơ kết hoạt động dịch vụ uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (2004-2007) là những tấm gương điển hình vượt khó, đại diện cho hàng triệu lượt hội viên vay vốn và hàng trăm ngàn hội viên phụ nữ đã thoát khỏi đói nghèo từ những đồng vốn nghĩa tình.

Trong nắng oi nồng của những ngày đầu tháng 7, gương mặt của các chị trở nên rạng rỡ, tươi tắn bởi dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, song cái nghèo cái đói đã bị đẩy lùi. Hơn ai hết các chị hiểu rằng muốn người khác cứu mình trước hết mình phải tự cứu mình. Từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, các chị đã biết làm cho đồng vốn nảy nở, sinh sôi, không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của quê hương, đất nước. Trang Web Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc 3 gương mặt tiêu biểu:

 

Nước mắt niềm vui

 

Vượt qua hàng trăm cây số để về đây, dự Hội nghị sơ kết hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo, chị Nguyễn Thị Kim Quyên, xã Hiệp Thuận, huyện Hịêp Đức, tỉnh Quảng Nam không khỏi bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp. Lập gia đình năm 2001, 3 năm liền sinh 2 cháu nhỏ, cuộc sống vốn đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Năm 2004 được vay 5 triệu đồng của Ngân hàng CSXH, chị bàn với chồng vay thêm 2 triệu đồng từ tổ vay vốn tiết kiệm đầu tư mua 1 con bò mẹ, 1 con bò con; số còn lại mua lợn nái và cải tạo vườn tạp trồng rau sạch. Nhờ chịu thương chịu khó, tần tảo sớm hôm, tích cực tham gia các lớp chuyển giao KHKT, đàn bò, lợn của gia đình chị phát triển tốt. Trừ chi phí và sinh hoạt hàng ngày, mỗi năm gia đình chị còn để dành được từ 3-4 triệu đồng.

 

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chị chuyển sang làm kinh tế kết hợp trồng rừng với chăn nuôi. Hiện tại chị đã có 3 ha rừng bạch đàn, keo tai tượng 3 năm tuổi, ước tính đến năm 2009, mỗi ha rừng trồng sẽ đem lại nguồn thu 30 triệu đồng. Như vậy, tổng cộng chị sẽ có trong tay gần 100 triệu đồng cộng với trong chuồng lúc nào cũng duy trì đàn bò 4 con và tiếp tục phát triển 3 sào rau sạch. Đến nay chị đã trả hết nợ, sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và chăm lo cho con ăn học.

 

Những giọt nước mắt ròng suốt buổi giao lưu của chị giờ đây đã không còn là những giọt nước mắt buồn tủi mà đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc trào dâng. Điều chị không ngờ đã trở thành sự thật: chị đã vinh dự được chọn tham dự giao lưu điển hình tại thủ đô Hà Nội. Với chị, ngày mới vừa bắt đầu…

 

Làm chủ cơ ngơi trên 100 triệu

 

Không khác gì chị Quyên, khi mới lập gia đình, chị Nguyễn Thị Tiến, xã Tiên Thuỷ, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có hoàn cảnh thật đáng thương. Trong căn nhà lá ọp ẹp, ngập nước quanh năm ven sông, gia sản không có gì ngoài chiếc giường nhỏ hẹp, không đủ chỗ cho 3 người nằm. Sinh con, chị đành phải nằm nghiêng để nhường chỗ cho sinh linh bé nhỏ. Những lúc con ốm, chạy vạy khắp nơi cũng không ai dám cho vay vì sợ không có khả năng trả nợ. Đúng lúc đó, được Hội nhận uỷ thác cho vay 3 triệu đồng. Lần đầu cầm số tiền lớn trong tay, chịkhông khỏi rưng rưng nước mắt. Hai vợ chồng bàn bạc quyết định mua gỗ về làm mộc, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo. Để giúp chồng, chị lao vào học nghề thợ mộc, cũng cầm cưa xẻ gỗ, đo đếm, tính toán làm ăn. Sau 3 năm kinh tế dần tạm ổn và bắt đầu phát triển. Năm 2005 chị mua được 1 chiếc ghe thuyền trọng tải 5 tấn làm phương tiện vận chuyển sản phẩm mộc của gia đình đi tiêu thụ. Chị đã xây được ngôi nhà gạch mái tôn khang trang, thoáng mát, làm chủ cơ ngơi trên 100 triệu đồng; sắm được đầy đủ tiện nghi và còn để dành được 20 triệu đồng đầu tư mở rộng sản xuất. Sắp tới chị sẽ lắp thêm hệ thống máy cưa để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Không những giỏi làm kinh tế, chị còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương. Trong xúc động nghẹn ngào, chị chuyển lời cảm ơn tới chị Cúc, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Thuỷ, các cấp Hội phụ nữ, Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện, giúp chị có đượcnhư ngày hôm nay.

 

Từ 5 triệu đồng vốn vay tới thu nhập 40-50 triệu đồng/năm

 

Thiếu đất sản xuất, dù cố đến đâu cũng không thoát khỏi đói nghèo, mỗi năm gia đình chị Nguyễn Thị Bảy thường thiếu ăn từ 3-5 tháng. Được Hội LHPN thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang xét cho vay 5 triệu đồng, chị mua 1 con bò, 1 con lợn nái và mua cây giống về trồng. Nhờ sự tận tình chỉ bảo, giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn, mỗi năm bò nái của gia đình chị sinh được 1 con bê; lợn nái đẻ được 2 lứa, tổng thu nhập của gia đình chị đạt 6-7 triệu đồng. Có vốn, có kiến thức, chị tìm tòi cách làm ăn cho hiệu quả cao hơn. Các loại giống cây mới: cà chua, hành tây, dưa hấu thu hoạch sớm đã được chị mạnh dạn đem về trồng, cho thu nhập 4-5 triệu đồng/năm. Cùng với đổi mới giống cây trồng, chị còn nhận thầu 3 cửa cống với diện tích 7 ha thả cá quy mô lớn. 2 năm sau, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo và quyết tâm mở rộng sản xuất với quy mô lớn hơn; kết hợp chăn nuôi với nấu rượu, làm đậu phụ. Hiện trong chuồng nhà chị thường xuyên có 50 con lợn, 5 con lợn nái và 7 ha nuôi thả cá. Tổng thu nhập lên tới 45-50 triệu đồng/năm. Các con chị đã có ngôi nhà mới để ở vơí đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Điều đáng quý ở chị là chị luôn cảm thông chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với chị em cùng cảnh ngộ và rất ham học hỏi.

 

“Không có việc gì khó…”, chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, làm nghề, dịch vụ cộng với sử dụng đồng vốn vay hiệu quả nhất định sẽ thoát khỏi đói nghèo – đó là lời nhắn nhủ của chị Bảy cũng như chị Tiến, chị Quyên đối với các chị em còn gặp khó khăn trong cả nước tại buổi giao lưu đầy ấn tượng tại Hội nghị.

 

 

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video