Tự hào là nữ pháo binh

19/07/2008
Một thời gian là Trung đội trưởng Đội nữ pháo binh, cho đến giờ chị Huỳnh Thị Thu (Mười Thu) vẫn tự hào mình là thành viên của một đơn vị toàn nữ đã làm rạng danh hình ảnh người phụ nữ Cà Mau kiên cường…

Phụ nữ từ cổ chí kim thường được ví như những bông hoa, giỏi thêu thùa kim chỉ, bếp núc. Nhưng khi Tổ quốc cần, phụ nữ cũng sẵn sàng đứng lên, gánh vác trọng trách. Và họ có thể làm vượt khả năng của mình, làm tốt cả những việc dường như chỉ dành cho nam giới. Ở Cà Mau, vào thập niên 60, 70, trong mắt mọi người, đã không còn cái nhìn thiên vị và quan niệm trọng nam khinh nữ, mỗi khi nhắc đến đơn vị nữ pháo binh bất khuất từng lập nên nhiều chiến công hiển hách, vây đồn, diệt giặc... góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt mùa xuân năm 1975. Những chiến sĩ trong đội nữ pháo binh, mỗi khi xông trận đánh đồn, chị em phải ngụy trang, trét bùn đất lên người, lăn lê bò lết vô cùng gian khổ. Bù lại, họ đã chứng tỏ được bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng.

Chị Mười Thu sinh ra và lớn lên trong một gia đình hoàn cảnh cũng như bao gia đình cách mạng khác, cũng gặp muôn vàn những khó khăn gian khổ. Bọn giặc mang Luật 10/59 đi khắp nơi bắt bớ. Người anh trai thứ năm của chị đi bộ đội hy sinh, gia đình cũng bị “dòm ngó”, bị dồn vào ấp chiến lược, phải trốn vào Làng Rừng. Khi mới 12, 13 tuổi, chị đã tham gia vào đoàn ca múa, đi phục vụ nhiều nơi trong huyện, là Đội trưởng đội Thiếu nhi của Làng Rừng. Năm 1968, chị tham gia công tác thanh niên, là Thường vụ xã đoàn xã Trần Hợi. Năm 1969-1970, chị là Tổ trưởng Tổ quân báo của đơn vị du kích xã. Hằng ngày, trên chiếc xuồng ngụy trang bằng cách hái bông súng, chở theo nọc cấy lúa, làm ruộng… chị đi khắp nơi dò la tin tức quân giặc, làm giao liên cung cấp thông tin hằng ngày cho các du kích xã, gài trái… Đến ngày 20/10/1970, chị bị bắt khi đang trên đường công tác ... Địch càng nghi chị là cán bộ nằm vùng, thì chúng càng đánh nhiều hơn, nhưng trước sau chị chỉ khai mình tham gia múa hát chứ không biết gì cả.

Lúc bị bắt, chị Mười Thu mới ngoài hai mươi tuổi. Với sức trẻ, khỏe mà dưới đòn thù tra tấn dã man của giặc chị còn chết đi sống lại. Bà con trong xã ai cũng tưởng chị chết. Chúng giam chị ở Chi khu Rạch Ráng 20 ngày, nếu chỉ đánh đập thì còn thở được, đằng này chúng còn trấn nước. Không lấy được tài liệu, tra tấn cũng không khai thác được gì, chúng chuyển chị ra Khám Lớn Cà Mau. Lại nối tiếp những màn tra tấn dã man… Lúc này những cơ sở cách mạng rất hoang mang, sợ chị dao động. Người chiến sĩ cách mạng dù vững vàng, khi bị bắt thì cũng như cá trên thớt, bọn chúng dùng đủ mọi thủ đoạn để khai thác. Chúng khép chị vào tội làm giao liên cho dù chị không nhận. Thành án là giam. Trong tù, nhờ biết cắt lể, chị cùng những chị em khác đoàn kết, thương yêu giúp đỡ, dìu dắt nhau qua lúc nguy khó. Nhưng đã gọi là tù ngục thì không gì gian khổ cho bằng. Cơm thì gạo thóc lẫn lộn, nước không đủ uống chứ nói gì đến nước dùng sinh hoạt, cá thì toàn cá ươn không phải kho mà là “nấu” với muối… Không mấy khi được gia đình thăm nuôi, chị em chia sẻ với nhau từng lọn rau muống vàng úa, phải lột vỏ, cho vào lon sữa bò treo lên, đốt giấy mà luộc. Nhưng đó là những bữa rau ngon lành không thể nào quên được đối với chị. Mãi đến sau này, khi cuộc sống đã bắt đầu ổn định, mỗi lần ăn món gì ngon chị cũng chạnh lòng, nhớ lại tình cảnh khổ cực tột cùng trong tù ngục. Sống chết không biết ra sao, con lại còn nhỏ phải gởi về ngoại. Hay những khi trời đổ mưa, sấm chớp chị cũng giật mình, chới với bởi di chứng của không biết bao lần bị tra điện ngày xưa…

Tháng 12-1971, chị được ra tù. Thiếu thốn thuốc men, lại bệnh tật, sức khỏe suy yếu nhiều. Về nhà, chị được chữa bệnh rồi lại tiếp tục công tác. Từng bị bắt nên chị phải chuyển vào vùng giải phóng. Tháng 4-1972, chị Mười Thu được Ban Chỉ huy quân sự tỉnh rút về đơn vị Biệt động của tỉnh. Về đơn vị mới chị công tác hợp pháp, hoạt động nội thành, ra vô nắm tình hình ở những địa bàn quen thuộc: Cái Rắn, Ông Tự… đi bằng xuồng máy, dưới là những đồ dùng cần thiết cho cách mạng, tài liệu, trên là dừa, chuối… Nguy hiểm khó khăn không kém so với trước. Nhớ lại những lần công tác, đến giờ chị còn “thấy” sợ. Có lần xuồng chết máy ngay trước đồn giặc… Cái chết ngay trước mặt, chị vẫn bình tĩnh, nhờ cả lính đồn “giựt” máy giúp! Rồi một mình chống xuồng đi công tác trên sông Ông Đốc, khuya khoắt, suýt chết vì lạc đường. 

Năm 1973, đơn vị biệt động và đơn vị nữ pháo binh được ghép chung. Ở đơn vị mới - C83, chị từng là Trung đội trưởng, cùng với các chị Út Nỹ (Trung đội trưởng), chị Đinh Thị Lăng, Trần Kim Xinh… Năm 1974, C83 tiếp tục ghép thêm với các đơn vị nữ pháo binh mới: huyện Châu Thành, Cái Nước. Đơn vị toàn nữ, nhưng đánh trận không thua kém gì nam giới, đánh trực diện, đánh bao đồn… Đó là thời không thể nào quên của đại đội nữ pháo binh vang danh. Chị Út Nỹ là người bắn pháo rất giỏi, nhỏ người như chị Mười Thu thì bắn AK, lo hậu cần là chính. Mỗi người mỗi việc, ai cũng cũng nêu cao tinh thần quyết tâm đánh giặc. Chiến sự vẫn còn đang vào thời kỳ quyết liệt. Mỗi trận đánh của đội nữ pháo binh là một dấu ấn không thể phai mờ. Nào là trận Vàm Đình - Cái Nước, trận Hòa Thành tôn giáo… Bọn giặc với đầy đủ vũ khí hiện đại cũng phải khiếp vía với đội quân Việt Cộng “toàn là con gái”.

Hòa bình, do yêu cầu của cấp trên, ngày 2-10-1976, C83 giải thể, chị chuyển công tác về công ty Thương nghiệp tỉnh, rồi làm Chủ tịch Công đoàn của Công ty Du lịch Minh Hải. Năm 2000 chị nghỉ hưu. Nhưng với quan niệm còn sống là còn làm việc, còn cống hiến, chị vẫn tham gia đóng góp cho địa phương, nơi mình sinh sống - K8, P5, Tp.Cà Mau. Hiện chị là Tổ trưởng Tổ Tự quản, chi hội phó chi hội Cựu Chiến binh Khóm 8, Ủy viên Ban Chấp hành Tù binh Tù chính trị Phường 5, Ban Liên lạc Cựu nữ pháo binh tỉnh, phân hội trưởng Tù binh tù chính trị Khóm 8.

Với những cống hiến to lớn trên, chị Mười Thu vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ giải phóng Hạng Nhì, Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày…

TÂM HẢO
Cà Mau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video