Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, vị thế phụ nữ

19/05/2006
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới là người sớm quan tâm đến vai trò, vị thế của phụ nữ.

Người cho rằng, sự nghiệp giải phóng phụ nữ phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng loài người, giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc: "nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người", "nếuphụ nữchưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng". Cũng từ mối gắn kết đó mà sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người nói: "nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng chủ nghĩa xã hội mới chỉ một nửa", "muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất định phải sản xuất ra cho thật nhiều của cải, mà muốn sản xuất ra nhiều của cải phải có nhiều sức lao động, muốn có nhiều sức lao động phải giải phóng lao động của phụ nữ ", "đểxây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thực sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ".

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng phụ nữ có được như vậy là do xuất phát từ nhận thức, hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, về vai trò của phụ nữ trong lịch sử thế giới, đặc biệt là vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Người đã từng đọc và rút ra kết luận: "Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia" "An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công". Tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

”Truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam đã có gần 2000 năm và ngày càng phát triển.

Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc...

Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dưỡng những thế hệ anh hùng của nước ta. Trong thời kỳ cách mạng hoạt động bí mật và trong những năm kháng chiến chống bọn thực dân Pháp và lũ can thiệp Mỹ, phụ nữ ta đều có công lao lớn...

Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng” .

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ đặc biệt coi trọng vai trò của phụ nữ Việt Nam: “Phong trào 5 tốt của phụ nữ miền Nam, phong trào 3 đảm đang của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ”. Bác khẳng định rằng: "Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ".

Không chỉ đánh giá cao vai trò phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người hiểu rất rõ năng lực, tiềm năng của phụ nữ Việt Nam, nếu được phát huy sẽ không thua kém nam giới. Người nói: "Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực", "từ ngày nước ta được giải phóng đến nay, phụ nữ đều tiến bộ rõ về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Nhưng một tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ ta hiện nay tham gia chính quyền ngày càng nhiều", "Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy, thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta".

Hiểu biết một cách sâu sắc vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp giải phóng, bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ nói riêng, Bác Hồ khẳng định Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội "phải kính trọng phụ nữ ", "phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ ", "phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ ". Trước lúc đi xa mãi mãi, Người còn dặn lại: "Đảng và Chính phủ cần phải có kếhoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”.

Rất tôn trọng phụ nữ, đánh giá đúng vai trò của phụ nữ, song Bác Hồ cũng rất nghiêm khắc đối với phụ nữ, nhắc nhở phụ nữ phải ý thức được vai trò, vị thế của mình mà phấn đấu cho sự bình dẳng, tiến bộ của mình và của dân tộc. Người mong mỏi: "Phụ nữ phải tham gia chính quyền nhiều hơn và thiết thực hơn", phụ nữ "phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ty; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập". Người đã chỉ cho phụ nữ Việt Nam thấy rằng, muốn có sự bình đẳng thật sự, không chỉ trông chờ vào người khác mà “bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".

Có thể nói rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của phụ nữ Việt Nam; đã chỉ ra rằng, Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội phải thật sự quan tâm đến phụ nữ, đồng thời cũng đòi hỏi người phụ nữ muốn tiến bộ, bình đẳng thật sự phải có ý chí, có quyết tâm, có năng lực, có tài, có đức bằng chính nội lực phi thường của mình, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển vững bền của gia đình và xã hội.

 

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video