Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX

19/05/2006
Trong những năm đầu thế kỷ XX, dưới tác động của Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, xã hội Việt nam có nhiều biến đổi, đặc biệt là đời sống xã hội của phụ nữ.

Đánh giá vai trò của phụ nữ Việt nam trong xã hội cũng như vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ đã trở thành vấn đề được xã hội quan tâm, đưa công khai trên báo chí. Với các bài viết sắc sảo đăng trên một số tờ báo nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã cho ta thấy rõ quan điểm của Người đối với vấn đề này, đó là: Vạch trần tội ác của Chủ nghĩa thực dân đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ lao động; khẳng định vai trò của phụ nữ trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong đấu trang giải phóng giai cấp và đấu tranh giải phóng chính mình.

 

Chế độ thuộc địa – nguyên nhân nỗi thống khổ của phụ nữ

 

Trên một số tờ báo xuất bản ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều bài báo tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, đồng thời vạch rõ tình cảnh bị áp bức, bóc lột và đàn áp thậm tệ của nhân dân các nước thuộc địa, đặc biệt Người đã nhấn mạnh rằng ở các nước thuộc địa, phụ nữ chính là những người bị bóc lột tàn bạo và bị áp bức dã man nhất và chiếm số đông nhất.

 

Trong bài Những kẻ đi khai hoá (Le Paria, ngày 1/7/1922) và bài Phụ nữ Việt Nam và chế độ thực dân Pháp (Le Paria, ngày 1/8/1922), Nguyễn Ái Quốc đã dựng lên một bức tranh cho người đọc thấy tình cảnh của phụ nữ Việt nam dưới chế độ thuộc địa của Chủ nghĩa thực dân Pháp. Đó là hình ảnh về những người phụ nữ lao động nghèo khổ làm nghề gánh muối có thể bị giết chết, bị đánh đập dã man, hoặc chỉ vì một lý do rất nhỏ làm mất giấc ngủ của một viên nhà Đoan hay dám bày tỏ bất công của mình với chủ. Đó là việc những người phụ nữ bất kể bà già, trẻ em, phụ nữ có thai hay đang cho con bú đều có thể bị hãm hiếp hoặc tra tấn một cách man rợ mà không một người có lương tri nào có thể hình dung nổi.

 

Nguyễn Ái Quốc cũng vạch trần tội ác của Thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam và đặc biệt đối với phụ nữ trong nhiều bài viết khác. Người đã không chỉ nêu lên cho người đọc thấy phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp bị áp bức rất dã man mà còn vạch rõ sự bất công, không có công lý dưới chế độ thuộc địa. Người cũng chỉ ra rằng nếu nướpc nhà được độc lập thì nhân dân mới được tự do, trong đó có cả phụ nữ: “…đàn bà, con gái cũng nằm trong nhân dân, nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do…”

 

Trong khi các báo trong nước đăng những bài báo như: Có mua hột xoàn (kim cương) lúc này và đưa ra những lời khuyên như không nên “Ăn bám chồng con”, “Phụ nữ đánh bài giờ”….thì những bài báo của Nguyễn Ái Quốc cho người đọc thấy bức tranh khác hẳn về tình trạng chung của phụ nữ Việt Nam.

 

Con đường đến giải phóng dân tộc

 

Trong giai đoạn này, ngoài Phan Bội Châu là người duy nhất đặt vấn đề vận động phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hầu như các tác giả khác không ai đề cập đến vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh này và cũng không ai vạch ra được như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vấn đề phụ nữ trước khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam: Muốn giải phóng phụ nữ thực sự, muốn đem lại quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ, truớc hết phải tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Từ đó Người cổ vũ phụ nữ tham gia làm cách mạng, giành độc lập cho dân tộc. Người phân tích rằng đất nước có được độc lập, nhân dân có được tự do thì phụ nữ mới có cơ hội được giải phóng, được bình đẳng: “Vậy cho nên chị em ta trước hết một lòng giúp với các đồng chí đàn ông làm cách mạng. Bao giờ cách mạng thành công rồi sẽ muốn gì thì muốn”.

 

Trong số báo khác, sau khi giới thiệu nữ anh hùng Trưng Trắc, Người kêu gọi phụ nữ đoàn kết lại: “Can đảm thay, phận thuyền quyên vì nước quên mình. Tuy chỉ trong 3 năm nhưng cũng đủ làm cho bọn tu mi quân giặc hú vía. Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà con gái còn biết cách mạng. Huống chi bây giờ hai chữ quyền đã rầm rầm khắp thế giới chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được. Chị em ơi, mau mau đoàn kết lại.

 

Trong mục Phụ nữ đàn (Báo Thanh niên), Nguyễn Ái Quốc đã lần lượt giới thiệu phong trào phụ nữ các nước Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc…từ đó nêu dần những quan điểm cơ bản về đường lối vận động phụ nữ trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

 

Trong Báo Thân ái, Người vẫn luôn dành riêng một mục là Phụ nữ đàn để tuyên truyền và vận động phụ nữ. Về quan niệm ‘tứ đức”, Người viết: “Thế mà nguyên tắc tứ đức thì chỉ dạy cho đàn bà biết bổn phận làm vợ, làm mẹ. Suốt đời chỉ quanh quẩn trong buồng, trong bếp, “Đã là một người trong xã hội thì không phân biệt trai gái đều có cái chức trách phải lo gánh vác công việc trong xã hội”, “xã hội phồn thịnh hay suy chị em ta cũng phải gánh một phần trách nhiệm”…Người cũng chỉ ra mối quan hệ giữa pbong trào phụ nữ và phong trào cách mạng của dân tộc và nhấn mạnh rằng: “Nếu cho nam nữ được bình quyền thì là phải cho phụ nữ tham chính mới được. Người cũng lưu ý người tham gia cách mạng phải có mục đích rõ ràng, lâu dài, phải có “nhãn quan làm việc”, không nên thấy người ta tham chính thì mình cũng đòi tham chính mà không có mục tiêu cụ thể. Người cũng chỉ ra rằng muốn có hạnh phúc và tự do thì chính phụ nữ phải tham gia đấu tranh. Sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng phụ nữ là nghĩa vụ của chính bản thân phụ nữ “Chữ tự do, bình đẳng có phải dễ đâu” vì “quyền lợi tương đương thì phải giả thêm một cái giá tương đương, nếu không gia sức mà muốn giành lấy mà cứ xin thì ai cho”.

 

Những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc đã trở thành luận điểm cơ bản về đường lối vận động phụ nữ trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của Đảng cộng sản Đông Dương (tức là Đảng cộng sản Việt nam).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm Thông tin (tổng hợp)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video