Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ vẫn là vấn đề được quan tâm

14/09/2006
Sau cuộc họp gần đây nhất của Quốc hội (Hội nghị đại biểu chuyên trách của Quốc hội tổ chức vào tháng 7/2006 thảo luận về Dự án Luật Bình đẳng giới), các vấn đề:

Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử, công tác quản lý; quản lý Nhà nước về bình đẳng giới vẫn còn là những vấn đề gây nhiều tranh cãi và đặc biệt thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo cơ quan báo chí.

 

Để giúp báo giới có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, ngày 11/9, tại TX Đồ Sơn, Hải Phòng, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) đã tổ chức Toạ đàm về Dự thảo Luật Bình đẳng giới với sự tham gia của đại diện 30 cơ quan thông tấn báo chí T.W và địa phương khu vực phía Bắc. Đây là một trong nhiều Hội nghị, hội thảo, toạ đàm do T.W Hội LHPN Việt Nam tổ chức kể từ khi triển khai xây dựng Dự thảo Luật và là lần thứ hai đối với các cơ quan báo chí tại khu vực phía Bắc.

 

Cũng như các cuộc toạ đàm trước, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được các cơ quan báo chí tranh luận sôi nổi. Hầu hết các ý kiến cho rằng, điều kiện hưởng lương hưu của cán bộ, công chức và lao động nam nữ như nhau và trong trường hợp lao động nữ có nguyện vọng có quyền nghỉ sớm từ 1-5 năm mà vẫn không bị trừ phần trăm lương là hợp lý. Tuy nhiên, một số nhà báo còn băn khoăn: vấn đề là ai muốn nghỉ ở tuổi 55, còn ai muốn nghỉ ở tuổi 60 và dư luận còn cho rằng lao động nữ muốn tiếp tục làm việc ở tuổi 60 là chỉ có lợi cho những người có vị trí lãnh đạo hoặc làm việc trong những ngành nghề có thu nhập cao. Bên cạnh đó là lý do sức khoẻ, công việc nội trợ, chăm sóc gia đình…

 

Bàn về vấn đề này, phóng viên Báo Văn nghệ trẻ cho rằng, nếu tuổi nghỉ hưu của lao động nữ như hiện nay thì thật lãng phí lớn nguồn nhân lực, nhất là trong lực lượng vũ trang, hầu hết chị em về nghỉ ở độ tuổi 45-50, trong khi ở độ tuổi này chị em mới có đủ điều kiện, cơ hội, độ chín và kinh nghiệm để cống hiến. Còn nếu cho rằng nếu nữ nghỉ ở tuổi 60 là chỉ dành cho phụ nữ làm lãnh đạo hoặc những ngành nghề thu nhập cao thì cũng không đúng bởi lực lượng này không phải chiếm số đông. Theo bà Quỳnh Chi, chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Phát triển Á Châu, việc quy định nam nữ nghỉ hưu ở độ tuổi như nhau là điều kiện thoả mãn cho tất cả mọi phụ nữ: nếu chị em có nhu cầu nghỉ sớm, mức lương vẫn không bị ảnh hưởng, mặt khác lại là cơ hội, điều kiện mở cho chị em có điều kiện, khả năng tiếp tục đóng góp cho xã hội. Thực tế hiện nay, trong cùng một môi trường công tác, một lĩnh vực, một ngành nghề, chị em vẫn phải chịu mức lương thấp hơn nam giới và nếu nghỉ sớm hơn nam giới, cơ hội cho việc đề bạt, cất nhắc, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề sẽ bị hạn chế.

Về vấn đề tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử, công tác quản lý lãnh đạo, đa số đại biểu dự toạ đàm nhất trí, việc trúng cử hay được tính nhiệm đề bạt, cất nhắc phù thuộc vào chất lượng đại biểu, năng lực, trình độ của cán bộ nữ. Tuy nhiên, trong khi định kiến giới vẫn còn nặng nề, nếu không quy định tỷ lệ cụ thể thì mục tiêu bình đẳng giới khó thực hiện được, cán bộ nữ khó có điều kiện phát triển. Luật càng cụ thể hoá càng dễ thực hiện. Còn nếu quy định cụ thể tỷ lệ, khi Luật được thông qua, đi vào cuộc sống, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị bắt buộc phải quan tâm, chú trọng tới vấn đề tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, bởi trên thực tế hiện nay, nhiều cán bộ nữ trình độ, năng lực cũng không kém gì so với nam giới.

 

Còn về vấn đề cơ quan quản lý Nhà nước, có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải có cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước về bình đẳng giới nhưng nếu không có thì việc thực hiện cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở sở dĩ đã có rất nhiều vấn đề để giải quyết, dễ dẫn tới tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Nên chăng, Hội LHPN Việt Nam - một tổ chức chính trị - xã hội, có nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp, vận động, giáo dục, tổ chức, hướng dẫn phụ nữ, đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, được tham gia quản lý Nhà nước.

 

Theo bà Phạm Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội LHPN Hải Phòng, qua quá trình lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Bình đẳng giới, nhất là ở cơ sở cho thấy vẫn còn nhiều người, ngay cả đối với nữ giới vẫn còn chưa đọc kỹ, hiểu rõ những quy định trong Dự thảo Luật. Vì vậy, công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng trong các đối tượng, các tầng lớp nhân dân, phụ nữ cả trong trước mắt và về lâu dài là vô cùng quan trọng và cần thiết.

 

Ý thức được điều đó và nhằm có cơ sở thực tiễn hoàn thiện Dự thảo Luật chuẩn bị trình Quốc hội trong kỳ họp tới, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đang khẩn trương tiến hành việc thu thập ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật. Đến thời điểm này đã có gần 40.000 phiếu của các đối tượng công nhân viên chức, lao động ở các khu, cụm công nghiệp, chế xuất trong cả nước gửi về để Ban soạn thảo. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo BHXH: sau khi xử lý phiếu, nếu kết quả không như mong đợi, Ban soạn thảo sẽ quyết định như thế nào, Chủ tịch Hà Thị Khiết khẳng định: phần quyết định sẽ thuộc về quyền lựa chọn của số đông, phương án nào được nhiều đối tượng đồng tình, Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa, đưa ra trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

 

Sau cuộc toạ đàm này, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển Á châu tiếp tục tổ chức toạ đàm đối với cơ quan báo chí tại các tỉnh phía Nam nhằm chia sẻ, tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của giới báo chí vào Dự thảo Luật.

 

 

 

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video