Tuổi nghỉ hưu của nam nữ có như nhau?

19/10/2006
Bên thềm kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI, biên tập viên Trang Web Hội LHPN Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các đại biểu về Dự thảo Luật bình đẳng giới sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp này, đặc biệt là về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ - vấn đề đang được bàn cãi sôi nổi trên nghị trường Quốc hội.

* Bà Nguyễn Thị Hồng Minh (NTHM) - đại biểu tỉnh Kiên Giang:

BTV: Tại kỳ họp này sẽ thảo luận và thông qua Luật Bình đẳng giới. Theo bà, liệu có khó khăn gì nếu đề cập đến vấn đề tuổi nghỉ hưu nam nữ như nhau?

 

NTHM: Tôi nghĩ rằng có thể có những khó khăn. Theo tôi còn có những đại biểu chưa hiểu hết được ý nghĩa của Luật Bình đẳng giới, trong đó có vấn đề tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Đó cũng là điều đương nhiên bởi chúng ta đã có Luật Lao động và các Luật khác đã quy định tuổi nghỉ hưu của nữ giới thấp hơn nam giới 5 năm. Cũng có ý kiến cho rằng ở tuổi 55, nữ giới nên về với gia đình. Tuy nhiên, xét trên bình diện Quốc tế, trên phương diện bình đẳng giới chung giữa người với người, Dự thảo Luật là sự tiến bộ. Tôi còn nhớ, trong một cuộc họp của Uỷ ban Quốc gia VSTBCPN Việt Nam, một vị Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới nói rằng, nhìn vào các bảng tuyển dụng nhân viên của một số Bộ, kể cả các Bộ có trách nhiệm về tổ chức, nhân sự và việc quy định nhân sự đi học tập nước ngoài hưởng học bổng nhà nước đều yêu cầu nam không quá 40, nữ không quá 35. Vấn đề đặt ra là quyền lợi của nữ giới so với nam sẽ thua thiệt 5 năm. Ở độ tuổi dưới 35, nữ mất thời gian lập gia đình, sinh con, xây dựng một thế hệ tương lai. Đến lúc họ có thể làm một cái gì đó có thể ghi dấu ấn, được bình đẳng thực sự trong gia đình và xã hội, đến lúc có việc làm, có thu nhập, có nhiều điều kiện để bình đẳng thì lại mất đi cơ hội. Hơn nữa, thế hệ trẻ bây giờ cũng rất giỏi, nghị lực, tinh thần quyết tâm rất cao, giao việc làm rất tốt. Đây là điều đáng để chúng ta suy ngẫm.

 

Tôi rất buồn một số bài báo nói rằng một số chị tham quyền cố vị, muốn ở lại để cho giới trẻ mất cơ hội, nhưng tại sao lại không đặt vấn đề với tất cả mọi người mà chỉ đặt ra riêng với giới nữ. Còn đối với những người lao động nữ, họ hoàn toàn có thể lựa chọn về sớm hơn mà không mất đi quyền lợi và Chính phủ sẽ quy định một số ngành đặc thù. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Con người ta sinh ra ai cũng có quyền bình đẳng”, trong đó có quyền có việc làm và làm việc như nhau. Vì vậy, tôi rất mong Quốc hội thông qua với phương án tuổi nghỉ hưu nam nữ như nhau.

 

BTV: Bà có thể chia sẻ, khi được thông qua, Luật sẽ tác động như thế nào trong cuộc sống?

 

NTHM: Trước hết Luật sẽ đảm bảo sự bình đẳng đối với cả nam nữ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập. Xã hội sẽ sử dụng được nguồn lực lao động, chất xám rất lớn mà các chị ở độ tuổi 50-60 tích luỹ, kết tinh được trong thực tiễn cuộc sống, công việc và chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cháu. Xã hội sẽ được lợi rất nhiều bởi các chị bao giờ cũng có sức chịu đựng rất cao. Tôi nói điều này có thể nhiều anh không đồng tình, nhưng nếu xảy ra biến cố, người phụ nữ bao giờ cũng có sức chịu đựng dẻo dai, bình tĩnh hơn để giải quyết. Trên thế giới ít nước có lực lượng doanh nhân nữ, lãnh đạo nữ nhiều như Việt Nam, vì vậy nếu để nữ nghỉ hưu sớm rất lãng phí. 
 

Mặt khác, Luật thông qua sẽ làm cho nhiều chị phấn khởi, tạo ra phản ứng dây chuyền, không còn sự bất bình đẳng giới trong cơ hội việc làm, cơ hội đào tạo, bồi dưỡng, tạo nên sự cân bằng trong xã hội.

 

* Bà Dương Thị Kim Anh (DTKA) - đại biểu tỉnh Trà Vinh


 Ảnh minh họa
BTV:
Một số ý kiến cho rằng không nhất thiết phải quy định tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, các cơ quan dân cử, bà cho biết quan điểm riêng của mình?

 

DTKA: Theo ý kiến riêng của tôi cũng không nên quy định tỷ lệ, bởi lẽ theo phân tích của một số đại biểu, về mặt nào đó không phù hợp với pháp luật. Điều quan trọng là làm thế nào khi đưa vào cơ cấu, bầu bán, trình độ, năng lực của nam nữ phải ngang nhau, tránh trường hợp trình độ, năng lực, vị trí quá chênh lệch, dẫn đến ngay cả chị em nữ cũng không muốn bầu. Như vậykhó có thể đạt được mục tiêu bình đẳng giới.

 

BTV: Dư luận cho rằng nữ nghỉ hưu của lao động nữ ngang bằng với nam giới chỉ phù hợp với những người làm công tác nghiên cứu, còn số đông lao động nữ thì sao, thưa bà?

 

DTKA: Đúng, thực tế là như vậy, nhiều cán bộ, CNVC-LĐ, nhất là ở một số ngành lao động nặng nhọc, độc hại như may mặc, cao su…cũng muốn về nghỉ hưu sớm. Vì vậy, Chính phủ cần quy định cụ thể đối với chị em trong một số lĩnh vực đặc thù. Hoặc là đối với một số chị em có điều kiện, hiện nay Đảng, Nhà nước cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, nhiều chị cũng muốn xin về nghỉ trước phát triển kinh tế riêng. Một số chị tham gia kháng chiến cũng muốn về nghỉ sớm hơn và điều các chị quan tâm là làm thế nào khi về nghỉ sớm các chị không bị thiệt thòi, không phải trừ phần trăm lương. Họ cũng đồng tình ở một số ngành, một số đối tượng, các chị có thể nghỉ như nam giới. Nếu chị nào muốn vẫn có quyền nghỉ, tôi muốn nhấn mạnh là được quyền chứ không phải ưu tiên. Tuy nhiên, bên cạnh đó có rất nhiều chị còn sung sức, nhiệt huyết vẫn muốn tiếp tục được làm việc, cống hiến. Đặc biệt ở độ tuổi này, nhiều chị con cái đã trưởng thành muốn tham gia công tác xã hội lại không được. Nếu nói là ham chức, ham quyền, “chiếm chỗ” của lớp trẻ cũng không đúng bởi lẽ số chị em như vậy không nhiều.

 

Tôi nghĩ chúng ta cần phân tích sâu sắc hơn trên cơ sở khoa học, dựa trên cơ sở pháp lý, để mọi người cùng hiểu, cùng tranh luận để đi tới thống nhất vì mục tiêu bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ.

 

BTV: Xin cảm ơn bà!

Đỗ Hoa (thực hiện)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video