Tuyên Quang: Hiệu quả từ Đề án 343

26/11/2015
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" giai đoạn 2010-2015 (Đề án 343), các cấp Hội Phụ nữ Tuyên Quang đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi về rèn luyện các phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH đất nước: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010-2015” được triển khai từ năm 2010, gồm 4 tiểu đề án do các đơn vị Hội LHPN tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì. Trong đó, Hội LHPN tỉnh là cơ quan thường trực, trực tiếp thực hiện Tiểu đề án 1 “ Tuyên truyền, giáp dục phẩm chất, đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong cán bộ, hội viên phụ nữ giai đoạn 2010-2015”. Xác định mục đích, tầm quan trọng của Đề án, Ban Chỉ đạo và các ngành thành viên tập trung triển khai các hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung Đề án. Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các cấp tổ chức gần 200 lớp tập huấn triển khai nội dung trọng tâm 4 phẩm chất phụ nữ cho hơn 3.300 báo cáo viên, tuyên truyền viên cốt cán các cấp; biên soạn, phát hành 44.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Hội phụ nữ cơ sở tổ chức tuyên truyền đề án lồng ghép các buổi sinh hoạt định kỳ của chi hội, tổ phụ nữ; thông qua các buổi tọa đàm, gặp mặt, hội thi…vận động, khuyến khích hội viên, các tầng lớp phụ nữ phấn đấu, rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Các cấp Hội lồng ghép tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sang tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, xây dựng nông thôn mới…Vận động cán bộ, hội viên duy trì và nhân rộng các mô hình làm theo như “Ống tre tiết kiệm”, “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”…Ðặc biệt, trong quá trình thực hiện Đề án, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, bài tuyên truyền biểu dương những phụ nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; lồng ghép việc thực hiện đề án vào các chương trình, dự án khác để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền như Đề án Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt.

Thực hiện Tiểu đề án 2 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trọng hệ thống các trường học…” Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập chuyên mục Vì sự tiến bộ phụ nữ, tổ chức các Hội thi nữ công gia chánh, Hội thi tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cấp tỉnh… Các trường đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục dưới nhiều hình thức như lồng ghép các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Đạo đức, Giáo dục công dân, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, ngoại khóa…

Một kênh tuyên truyền hiệu quả về đề án 343 là các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đây cũng là nhiệm vụ của Tiểu đề án 3 và Tiểu đề án 4 do Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì. Hằng năm, nhân các ngày lễ, tết, Hội LHPN các xã, huyện phối hợp với ngành văn hóa tổ chức các hội diễn văn nghệ, giao lưu thể thao. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức trên 550 buổi tuyên truyền tại cơ sở; truyên truyền hơn 450 buổi trên loa phát thanh các thôn, xóm; tổ chức trên 180 buổi giao lưu văn nghệ cấp huyện, thành phố và hơn 140 cuộc thi đấu thể thao tại các xã, thôn, bản thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.

Thực hiện Đề án 343, Hội LHPN thị trấn Sơn Dương đã tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua chương trình giải quyết việc làm, các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội từng bước tạo điều kiện cho phụ nữ được bình đẳng, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, phụ nữ. Đến nay, Hội đã ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 17 tỷ đồng cho hơn 1.350 hội viên vay vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, thông qua 2 Câu lạc bộ (CLB) phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình; 2 CLB xây dựng gia đình hạnh phúc; 1 CLB không sinh con thứ 3; 25 địa chỉ tin cậy, các chi hội, tổ, nhóm phụ nữ trên địa bàn thị trấn Sơn Dương đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục 4 phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời hiện đại, vừa đảm đang, tháo vát, năng động, sáng tạo.

Sau 5 năm thực hiện Đề án 343 đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

tuyenquang.gov

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video