Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở Lạng Sơn

26/10/2011
Thực hiện Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn số 11/HD-ĐCT ngày 12/4/2011 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, ngày 04/07/2011, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 -2015) trên địa bàn tỉnh.

Đề án nhằm tuyên truyền giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam.

 

Đề án tập trung vào các đối tượng là báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Công đoàn các cấp; đội ngũ quản lý và giáo viên của ngành Giáo dục; đội ngũ quản lý, phóng viên của cơ quan truyền thông chuyên viết và thực hiện chương trình về mảng đề tài phụ nữ của ngành Thông tin và Truyền thông; cán bộ nghiệp vụ văn hoá và cán bộ nếp sống, văn hoá và gia đình của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tầng lớp phụ nữ nói riêng và người dân cộng đồng nói chung.

 

Theo Kế hoạch, Đề án được thực hiện thông qua 4 tiểu Đề án với nội dung chính là tuyên truyền, giáo dục về các giá trị đạo đức truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được xây dựng, giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn phát triển của đất nước. Cùng với đó là tuyên truyền, giáo dục về tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới có lòng yêu nước; có sức khoẻ, có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu; định hướng các giá trị đạo đức, phẩm chất phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội trong thời kỳ mới.

 

Các giải pháp cần thực hiện bao gồm: xây dựng các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; tổ chức điều tra, khảo sát, xây dựng mô hình điểm; xây dựng nội dung, tài liệu tuyên truyền, giáo dục; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn; theo dõi, giám sát, tổng hợp báo cáo đánh giá và sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để duy trì kết quả đạt được của Đề án theo định kỳ hằng năm, giữa kỳ và cả giai đoạn. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 3,5 tỷ đồng.

 

Hội LHPN tỉnh là đơn vị chủ trì, có trách nhiệm phối hợp hoạt động với các sở, ngành liên quan, đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và có báo cáo định kỳ về tình hình triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi toàn tỉnh./.

Theo baolangson

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video