Tuyên truyền về bạo lực gia đình: Thiếu chiều sâu

01/12/2010
Các hình thức tuyên truyền về bạo lực gia đình tuy phong phú nhưng mới chỉ phần nào đáp ứng chiều rộng mà chưa thực sự đi vào chiều sâu. Cuộc khảo sát đầu vào của dự án năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình, do Trung tâm nghiên cứu của Trường cán bộ phụ nữ Trung Ương tiến hành ở 4 tỉnh, thành phố là Bắc Ninh, Đà Nẵng, Kon Tum, Cần Thơ trong thời gian từ giữa tháng 2/2010 đến nay phần nào minh chứng cho điều này.

Nhận thức chưa đầy đủ


“Gần ½ số phụ nữ được hỏi cho biết có nghe nói về bạo lực gia đình nhưng chưa thực sự hiểu rõ và vẫn có đến gần 10% chị em cho biết chưa từng nghe về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, ngay cả những người tự cho là hiểu rõ về bạo lực gia đình thì khi tiến hành khảo sát sâu, hiểu biết của nhóm này vẫn còn sơ sài và mơ hồ”, chị Thu Hoài, cán bộ nghiên cứu của Dự án, cho biết.


Quan niệm, nhìn nhận của chị em về hành vi bạo lực gia đình vẫn còn nhiều điểm chưa đúng. Vẫn còn không ít người quan niệm chỉ khi nào trong gia đình xảy ra xô xát, đánh nhau, thậm chí dẫn đến hậu quả nặng nề về mặt thể chất thì mới xem đó là bạo lực. Một số hành vi như gây tổn hại tinh thần, cô lập, xua đuổi, cưỡng ép tình dục... nhiều chị em vẫn chưa nhận biết rõ, không nhận diện được với các biểu hiện như vậy thì có được xem là hành vi bạo lực hay không.


Mặc dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình được ban hành hơn 2 năm qua nhưng khi được hỏi, gần 20% số người tham gia khảo sát nói là không biết về luật này và hơn 3% cho là chưa có. Một vấn đề mà đa số phụ nữ tham gia khảo sát chưa nhận thức đầy đủ là vấn đề nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình. Đa số chỉ quan tâm đến quyền của nạn nhân khi xảy ra bạo lực hơn là nghĩa vụ của họ. Trên 1/3 số phụ nữ được hỏi chưa thấy được nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khi có bạo lực gia đình xảy ra.


Tuyên truyền: Vẫn yếu và thiếu


Khoảng 1/4 số người được hỏi chưa hề biết đến một hoạt động phòng chống bạo lực gia đình nào. Trên thực tế, mới chỉ có hơn một nửa số phụ nữ tham gia khảo sát được tiếp cận với thông tin về bạo lực gia đình qua hình thức truyền thông trực tiếp. Hoạt động truyền thông trên diện rộng như nói chuyện trong các cuộc họp dân cư và trên loa đài chưa thực sự hiệu quả.


Kết quả khảo sát của Dự án cũng cho thấy, các hoạt động khác như phân phát tài liệu và các sản phẩm truyền thông, do đòi hỏi phải có nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính nên được thực hiện ít hơn rất nhiều so với các hoạt động truyền thông khác. Với Luật Phòng chống bạo lực gia đình, phương tiện chủ yếu mà những phụ nữ tham gia khảo sát biết về luật là qua truyền hình (gần 85%), sau đó mới đến các hoạt động truyền thông trực tiếp như các cuộc họp thôn xóm, tổ dân phố... Từ những yếu kém đó mà nhóm nạn nhân vẫn chưa hiểu biết về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, về trách nhiệm của các bên và của các cơ quan, tổ chức liên quan. Một điểm nữa cần lưu ý là hoạt động truyền thông còn chưa hướng đến nhóm đối tượng đặc thù là nam giới, nhóm có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình.


Trong các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền về bạo lực gia đình thì Hội LHPN là đơn vị thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp được nhiều người biết đến nhất (88%), còn sự tham gia của Tổ dân phố là rất thấp và đặc biệt thấp ở nông thôn. Công an, Hội cựu chiến binh, Tổ hòa giải... thực hiện ở mức độ không đáng kể. Chỉ có 1,7% đến 5,2% số người được hỏi biết đến hoạt động của các tổ chức này. Sự tham gia của Tổ dân phố ở Đà Nẵng là cao nhất nhưng cũng chỉ có trên ¼ số phụ nữ được hỏi nhìn nhận được vai trò của tổ chức này.


Do nhiều người vẫn quan niệm bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà, nên trong công tác xử lý các vụ việc bạo lực gia đình còn nặng về hòa giải. Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình là hoạt động chiếm tỉ lệ cao nhất (95%). Do đó, việc xử lý đối tượng gây bạo lực theo quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình chưa nhiều (gần 48%) và chưa triệt để.


Lý giải về điều này, chị Thu Hoài, cho biết: Do phụ nữ Việt Nam còn mang nặng tâm lý không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, chính nạn nhân còn bao che cho đối tượng đã gây ra bạo lực nên nhiều vụ việc về bạo lực gia đình vẫn chưa được theo dõi, xử lý kịp thời và có biện pháp phòng chống hiệu quả.

Trong 4 tỉnh Dự án tiến hành khảo sát thì Đà Nẵng là địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình nhiều nhất, sau đó mới đến Kon Tum, Bắc Ninh và ít nhất là Cần Thơ. Đà Nẵng cũng là địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông mang lại hiệu quả cao nhất. Mô hình các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình ở Đà Nẵng cần được hoàn thiện và nhân rộng trên toàn quốc.

Hoàng Hương Nhung

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video