TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức khảo sát về công tác thông tin, tư liệu tại Hưng Yên

08/09/2008
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu Chiến lược Công tác thông tin tư liệu Hội LHPN Việt Nam đến năm 2020, trong các ngày từ 27/8 đến ngày 29/8 vừa qua, TW Hội LHPN Việt Nam đã tiến hành khảo sát về thực trạng tình hình công tác thông tin tư liệụ của Hội PN các cấp tại tỉnh Hưng Yên - đại diện cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Đoàn đã tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học và tổ chức hội thảo với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và các cấp Hội phụ nữ tại 2 xã (xã Đức Thắng, Thị trấn Lương Bằng), 2 huyện (Kim Động, Tiên Lữ) và tỉnh Hội PN Hưng Yên, đồng thời làm việc về công tác thông tin, tư liệu tại một số đơn vị.


Đây là tỉnh đầu tiên trong số 8 tỉnh/thành đại diện cho các vùng, miền được TW Hội chọn để khảo sát về đề tài này. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh – UV dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN
Việt Nam, chủ nhiệm đề tài đã tới dự và chủ trì cuộc hội thảo tại Hội LHPN tỉnh Hưng Yên.

Hưng Yên là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ, nằm ở cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, trên trục của tam giác kinh tế Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng, có diện tích tự nhiên 932,09 km2, dân số trên 1,1 triệu người; tiếp giáp với 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Thái Bình. Các tuyến đường giao thông quốc gia quan trọng chạy qua như đường 5A, đường 39A, đường 38, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng,đường thủy đã tạo cho Hưng Yên lợi thế để mở rộng giao lưu hợp tác và phát triển với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Những năm qua tỉnh đã tạo môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự chuyển dịch nhanh về cơ cấu kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hưng Yên luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước. Khi tái lập tỉnh vào năm 1997, giá trị sản xuất nông nghiệp còn chiếm 60%, nhưng đến nay công nghiệp - dịch vụ đã đạt hơn 70% trong cơ cấu kinh tế. Một trong những mục tiêu phấn đấu của tỉnh là đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

Cùng với sự phát triển kinh tế văn hoá xã hội, nhu cầu về công tác thông tin, tư liệu của các ngành, các cấp, trong đó có Hội phụ nữ đã tăng lên rất nhiều vì công tác này phục vụ đắc lực cho công tác điều hành, xử lý thông tin, xây dựng kế hoạch chiến lược, lưu giữ sự kiện lịch sử trong quá khứ, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học..v..v.. . Tuy nhiên qua khảo sát cho thấy, thực trạng về công tác thông tin, tư liệu của Hội phụ nữ cũng như của các ngành, các cấp ở Hưng Yên nói chung hiện còn nhiều bất cập. Thông tin vẫn theo cách truyền thống, qua công văn, giấy tờ, điện thoại, qua hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến xã,báo, tạp chí và qua các cuộc họp (giao ban, sinh hoạt hội viên, câu lạc bộ, tập huấn, họp hành…). Nội dung thông tin chủ yếu là tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và của Hội đến cán bộ, hội viên. Còn thông tin theo chiều ngược lại còn hạn chế.


Công tác lưu trữ tư liệu còn nhiều bất cập, Hội LHPN cấp xã, huyện thực hiện công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm, không được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ nên chưa đáp ứng yêu cầu. Biểu mẫu, số liệu chưa thống nhất, thường chỉ lưu trữ thô không khoa học, khi tìm tài liệu, tư liệu số liệu rất khó khăn, nhất là những số liệu yêu cầu phải phân tích giới.


Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ công tác thông tin, tư liệu thiếu thốn, lạc hậu nhất là ở cấp cơ sở. Hội phụ nữ cấp xã chưa được trang bị máy vi tính để phục vụ công tác Hội. Thường cả xã mới được trang bị một máy vi tính để phục vụ công tác chung của HĐND, UBND xã. Không có nơi lưu trữ tài liệu riêng.
Cơ quan Hội LHPN huyện có biên chế từ 4 đến 5 người mới được trang bị một máy tính nhưng chưa được nối mạng mặc dù ở một số nơi huyện ủy, UBND đã được nối mạng LAN và mạng WAN. Cơ quan của Hội LHPN cấp tỉnh có cơ sở vật chất khá hơn, bình quân từ 2 đến 3 người có một máy tính. Một số máy đã được nối mạng Internet. Tuy nhiên việc khai thác thông tin, lưu trữ tư liệu còn hạn chế.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn kinh phíhạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đầy đủ, chưa có chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác thông tin tư liệu...

Qua các cuộc toạ đàm, hội thảo, phỏng vấn, đại diện các ban, ngành đoàn thể đã
thẳng thắn trao đổi về thực trạng công tác thông tin tư liệu của các ngành, đánh giá về việc cung cấp các thông tin của Hội LHPN đối với các ngành, các lĩnh vực và ngược lại. Hiện nay nhu cầu của các cấp Hội về công tác thông tin, tư liệu đối với các ngành rất lớn, rất nhiều. Tuy nhiên, việc đáp ứng còn hạn chế vì không chỉ riêng các cấp Hội mà ngay ở các cơ quan, đơn vị, các ngành công tác này còn gặp nhiều khó khăn, và chưa được quan tâm đúng mức.

Để công tác thông tin tư liệu đáp ứng công tác nghiên cứu, góp phần tham mưu cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo, định hướng hoạt động lâu dài của các cấp Hội đồng thời góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, các ý kiến tập trung kiến nghị cần có có cơ chế phối hợp công tác thông tin tư liệu giữa Hội LHPN Việt Nam với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đặc biệt về nội dung thông tin, phương thức thông tin và đối tượng thông tin. Đề nghị trang bị hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu thông tin cho các cấp Hội, hiện đại hoá, tin học hoá công tác thông tin, tư liệu; thiết lập mạng lưới thông tin tư liệu của Hội thông suốt từ TW đến địa phương. TW Hội cần có Đề án bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác thông tin, tư liệu. Có chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác này. Đặc biệt phải có chiến lược về công tác thông tin, tư liệu trong hệ thống Hội.

Những kết quả khảo sát tại Hưng Yên là kinh nghiệm hết sức cần thiết để TW Hội chỉnh sửa, hoàn thiện lại nội dung tiến hành khảo sát tiếp 7 tỉnh đại diện cho các vùng, miền cả nước, phục vụ công tác xây dựng chiến lược về công tác thông tin tư liệu của Hội LHPN Việt Nam đến năm 2020.

 

 

Trung tâm thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video