TW Hội LHPN Việt Nam: TS. Bùi Thị Mai Đông đạt Giải nhất cuộc thi “Viết tiếp truyền thống tuổi hai mươi - Sống đẹp, Sống có ích”

06/06/2006
Tuổi hai mươi hồn nhiên, trong sáng và đầy nhiệt huyết, nữ sinh viên Trường Trung cấp sư phạm Bùi Thị Mai Đông vừa tốt nghiệp đã hăm hở tình nguyện đi vùng núi xa (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để dạy học. Với những dòng hồi ký kể lại những tháng ngày gian khổ nhưng đầy ý nghĩa, bài viết của cô giáo Đông đã được Ban Tổ chức Cuộc thi “Viết tiếp truyền thống tuổi hai mươi - Sống đẹp, Sống có ích” trao giải Nhất. Trang Web Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài dự thi của chị

Khi tôi 20...

Tốt nghiệp Trung học sư phạm năm tròn 20 tuổi, tôi hăm hở lên đường nhận nhiệm vụ theo quyết định của Sở giáo dục Thanh Hóa, mặc cho những lời bình luận về nơi tôi sẽ đến; nào là "rừng thiêng nước độc", nào là "khỉ ho cò gáy".

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo lại đông con nhưng tôi được sống trong tình thương yêu đầm ấm của cha mẹ và các anh chị em. Chưa bao giờ phải sống xa vòng tay của cha mẹ, song tôi vẫn háo hức trước giờ phút lên đường, chờ đón những điều mới lạ với tâm thế sẵn sàng chấp nhận tất cả những khó khăn, thử thách.

Như chim sổ lồng, tôi “bay” qua muôn trùng sông núi. Đến ngày thứ ba, khi hai chân tôi đã phồng rộp, không còn bước được nữa thì cũng là lúc tôi có mặt ở nơi tôi phải đến. Đó là một vùng miền núi cao cách biên giới Việt - Lào khoảng 30 km. Cảnh vật và con người ở đây hoàn toàn khác lạ đối với tôi. Rừng núi bao la, trùng điệp; không phố xá, vườn hoa, công viên, rạp hát như nơi tôi đã từng sinh ra và lớn lên; không một người thân quen, thậm chí không tìm đâu bóng dáng một người có cùng ngôn ngữ để có thể nói chuyện…

Người dẫn đường đưa tôi đến gặp ông chủ tịch xã. Gia đình ông chủ tịch tiếp tôi như một vị khách quý. Họ mời tôi uống rượu và thưởng thức món nai rừng mà họ săn được... từ vài tháng trước. Tôi không nuốt nổi bởi cái mùi là lạ của nó. Tuy nhiên trước sự nhiệt tình của hai vợ chồng chủ nhà, tôi cố ăn vài cọng măng chua và húp một bát canh rau rừng mà tôi không biết đó là rau gì.

Sáng hôm sau, khi thấy tôi chuẩn bị khăn túi để đi, ông chủ tịch ngạc nhiên hỏi xem tôi định đi đâu. Khi nghe tôi nói là tôi phải đến trường, ông phá lên cười. Lúc này tôi mới biết đã 6 năm nay, xã này không còn trường lớp. Không một giáo viên nào chịu lên đây để dạy học; học sinh thất học đã nhiều năm, trường lớp bị trâu bò tàn phá, chỉ còn trơ lại nền nhà, cỏ mọc đã cao ngang thân người.

Một số thông tin thêm về cô giáo Đông:

 

·1992: Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội về Thanh Hoá dạy học THPT.

·Năm 1995 – 1997: Vừa dạy học vừa học Caohọc.

·Năm 1998 – 1999: làm Nghiên cứu sinh tại Hà Nội (thuộc Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục - Bộ Giáo dục Đào tạo).

·Năm 2000 đến nay: Giảng viên Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam, học Đại học tại chức Khoa tiếng Anh - Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (văn bằng 2).

Tối hôm ấy, ông chủ tịch triệu tập dân làng đến để thông báo về việc có cô giáo về bản và để bàn về việc làm trường học. Tôi được bố trí ngồi ở hàng ghế danh dự - cạnh ông chủ tịch. Mọi người nhìn tôi đầy thiện chí. Tôi không hiểu họ nói gì và bàn những công việc gì, chỉ biết là sáng hôm sau, mọi người cầm dao lên rừng. Họ chặt những cây luồng còn tươi xanh mang về nền ngôi trường cũ. Chỉ một buổi sáng, hai gian nhà lá đã làm xong; một dành để làm lớp học, một dành làm chỗ ở cho tôi. Mười bộ "bàn ghế" bằng luồng cũng nhanh chóng được làm xong; ngày mai tôi có thể lên lớp giảng bài được.

Ngày đầu tiên tôi "lên bục giảng" thật là ấn tượng. Các em học sinh của tôi ở mọi lứa tuổi (từ 6 đến 15 tuổi), mặt mũi nhem nhuốc, quần áo tả tơi, bẩn thỉu. Các em vây quanh tôi, nhìn tôi bằng những cặp mắt tò mò. Có lẽ đã lâu rồi các em không được nhìn thấy một thầy (cô giáo) người Kinh. Các em đến trường với hai bàn tay trắng, không em nào có nổi một tờ giấy hoặc một chiếc bút, dù chỉ là chiếc bút chì.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa phải là khó khăn đối với tôi. Điều làm tôi lo lắng đó là sự bất đồng về ngôn ngữ. Học sinh của tôi, đa số là người dân tộc Thái, một số em là người dân tộc Mường. Các em không hề biết nói tiếng Kinh, còn tôi thì không hiểu gì về tiếng Thái hay tiếng Mường. Bài học đầu tiên tôi dạy các em là bài âm O. Thấy các em ngơ ngác khi tôi hỏi "con gà gáy thế nào?", tôi liền bắt chước tiếng gà gáy. Học sinh cười ầm và đồng thanh nói "tô cay" (nghĩa là con gà). Tôi đề nghị các em bắt chước tiếng gà, gáy theo tôi - thế là xong một bài học.

Đến bài học thứ hai, bài âm Ô, tôi tỏ ra có kinh nghiệm hơn. Tôi vẽ lên bảng một cái ô và hỏi học sinh: "Đây là cái gì?", các em đồng thanh trả lời "hệt nun" (tức là "cái nấm"). Tôi phấn khởi hỏi tiếp: "Vậy, hệt nun dùng để làm gì?", các em lại đồng thanh trả lời: "kin, chép" (tức là để ăn, ngon). Tôi cứ đinh ninh là các em đang nói về cái ô nên vẽ thêm một hình người đứng dưới ô, trên ô lất phất mấy hạt mưa. Học sinh lại cười ầm, lắc đầu nói "bố mi", "bú hụ". Hai từ này tôi đã được vợ ông chủ tịch dạy cho từ hôm tôi mới đến nên tôi hiểu là các em nói: "Không có" và “không biết".

Tuy nhiên chỉ sau ba tháng tôi đã nói được tương đối tiếng Thái và các em cũng bập bẹ nói được tiếng Kinh. Chúng tôi bắt đầu hiểu nhau hơn. Khó khăn về bất đồng ngôn ngữ vừa tạm thời được khắc phục thì khó khăn khác ập đến. Học sinh của tôi bỏ học ngày một nhiều. Các em phải theo cha mẹ lên rẫy, cách nhà hàng chục cây số đường rừng. Những em lớn thì phát rẫy, làm nương cùng cha mẹ, những em nhỏ thì trông em, lấy củi, làm cơm.  Tôi phải chờ đợi hàng tháng các em mới lần lượt kéo về. Khi lớp học của tôi đang trở lại bình thường thì dịch sốt rét ập đến, 1/3 số học sinh của tôi phải nghỉ học nằm nhà. Trạm xá đông nghịt bệnh nhân và người đến xin thuốc. Trong bản, người sốt nằm  la liệt. Một số người bị chết vì sốt quá cao, không kịp đưa đi bệnh viện (bệnh viện cách xã 60 cây số đường rừng). Tôi tạm dừng việc dạy học, đến từng gia đình thăm hỏi học sinh và làm công việc của một y tá. Tôi chăm sóc các em học sinh bị sốt, đồng thời hướng dẫn cho gia đình các em dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, phòng chống các bệnh dịch. Sống chung với dân bản, tôi cũng phải chịu những thảm họa do ăn ở mất vệ sinh gây ra. Những con bọ chó bám vào quần áo tôi, đốt khắp người làm tôi ngứa không chịu nổi, gãi bật cả máu. Tối nào tôi cũng phải chiến đấu với chúng... Có lúc, tôi tưởng hóa điên, chỉ muốn nhảy vào lửa. Các em học sinh giúp tôi gỡ từng con trong gấu áo, cạp quần rồi ném vào lửa, kêu lách tách. Hết mùa hoa xoan nở,  toàn thân tôi thâm tím  những vết sẹo do bọ chó cắn.

Khi đã nói thạo tiếng dân tộc, tôi bắt đầu dạy dân bản cách nấu ăn, phòng chữa bệnh, cách may vá, thêu thùa. Các buổi tối, tôi dạy cho các em nam nữ thanh niên đàn hát và nói tiếng Kinh. Những ngày chủ nhật, tôi theo dân làng lên rẫy phát nương hoặc đi cùng học sinh vào rừng hái măng, chặt củi. Tôi học ăn những món ăn của người Thái, trong đó có món nhái om măng mà tôi đã từng nghe kể từ khi chưa ra trường. Hết nửa năm học, tôi đã trở thành một cô gái Thái thật sự. Dân làng yêu quý tôi như con. Tôi không phải lo lắng đến cái ăn, cái mặc. Sáng nào, các em học sinh cũng mang cơm và thịt thú rừng đến cho tôi. Có hôm, bàn tôi chất hàng mấy chục nắm cơm với măng rừng. Các em học sinh gái dệt cho tôi những mảnh vải thổ cẩm và may cho tôi bộ váy áo Thái, dạy tôi hát các bài hát của người Thái, và trầm trồ khen tôi mặc quần áo Thái đẹp, nói tiếng Thái hay. Tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi cùng các em quây quần bên đống lửa, hát những bài hát tôi dạy các em.

Năm học đầu tiên trôi qua, Phòng giáo dục huyện điều thêm một số giáo viên mới, trong đó, một số là giáo viên tăng cường (học xong lớp 7, đào tạo ba tháng để đi dạy). Tôi có thêm đồng nghiệp, việc dạy dỗ đỡ vất vả hơn, song khó khăn mới lại đến. Từ ngày có tôi, bản làng sạch sẽ hơn, người dân biết ăn chín uống sôi, biết phòng, tránh bệnh tật, những người đau ốm đều nghe lời khuyên của tôi, dùng thuốc điều trị hoặc đi bệnh viện. Số người mê tín, suốt ngày chỉ lo cúng bái bớt đi. Nhiều gia đình không phải giết gà, mổ lợn để cúng thầy mo và ma rừng nên có thực phẩm dự trữ, nuôi thêm được nhiều gia súc, gia cầm. Lão thầy cúng trong làng "kém thu nhập" hẳn đi. Lão cho rằng tất cả là tại tôi nên tìm cách trả thù tôi. Lúc đầu, lão không cho hai đứa con lão đi học, sau đó lão xúi giục các gia đình khác bắt con bỏ học để đi săn nhưng vì hai đứa con lão không nghe lời lão, các em rất ham học; chờ cho bố ra khỏi nhà là chúng chạy ngay đến trường. Các gia đình khác rất sợ lão yểm bùa nhưng không muốn con thôi học nên cứ lờ đi. Tuy nhiên, cơ hội trả thù của lão cũng đã đến. Hôm đó, như thường lệ, tôi lên lớp buổi sáng, một giáo viên nam mới được tăng cường đến chỗ tôi để dạy lớp 1 (cũng là người dân tộc Thái ở xã bên) thấy một học sinh của mình đến trường nghịch ngợm, trêu ghẹo các anh chị lớp tôi phụ trách, đã bắt em học sinh đó và dùng dây rừng buộc tay em vào cột nhà (trong phòng giáo viên). Em học sinh cố sức vặn cho đứt dây để vùng chạy. Sáng hôm sau, không thấy anh trai của em (là học sinh lớp tôi) đi học, tôi hỏi học sinh và được biết là bố em (cũng là chủ nhiệm HTX) không cho cả hai đứa con mình đi học nữa vì lão thầy cúng nói là các em đã bị con ma nhà trường làm bị ốm. Ngay sau buổi học, tôi vội cầm lọ thuốc sốt rét chạy đến nhà em học sinh đó. Em sốt rất cao, hai cổ tay lằn đỏ. Bố em tiếp tôi một cách lạnh nhạt. Trong nhà, ba mâm cỗ bày đầy gà và thủ  lợn, lão thầy cúng đang lầm rầm khấn. Tôi biết là tình hình rất xấu nên chỉ nói vài câu và căn dặn gia đình cho em uống thuốc rồi trở về trường.

Như tôi dự đoán, sau hôm ấy, học sinh của tôi bỏ học nhiều, lúc đầu còn 10 em, sau đó là 7 em, rồi chỉ còn 3 em. Tôi tạm thời nghỉ dạy để tìm cách thuyết phục gia đình các em song vô ích; gần hết học kỳ I, học sinh của tôi vẫn không đến trường, các em tránh mặt tôi. Qua một số học sinh, tôi được biết, bố mẹ các em không cho các em đến trường vì họ nghe lời chủ nhiệm HTX. Biết không thể làm gì, tôi dự định về Phòng giáo dục để báo cáo và xin ý kiến. Tôi chưa kịp đi thì một sự việc xảy ra đã làm thay đổi tình hình. Hôm đó, như thường lệ, do suối cạn, tôi ra sông tắm giặt. Đang mải mê với chậu quần áo dưới sông, tôi bỗng nghe tiếng trẻ con la ó: "Lay nậm, cô giáo ơi! Lay nậm". Nếu như không có từ "cô giáo" hẳn tôi cũng không có phản xạ gì vì tôi đâu có hiểu "lay nậm" là "chết đuối". Tôi quay lại phía tiếng trẻ gọi và nhìn thấy một cháu bé chừng 4 tuổi đang chới với, sắp bị dòng nước cuốn đi. Trên bờ, chỉ có vài ba đứa trẻ khác nhỉnh hơn đang la hét. Tôi lao vội lại, túm lấy cháu bé không một chút lưỡng lự và quên rằng mình cũng chẳng biết bơi. May mà chỗ đó, nước chỉ ngang ngực tôi. Tôi bế cháu bé lên bờ, làm hô hấp. Nước trong họng cháu ộc ra và cháu từ từ tỉnh lại. Mặt tái xanh, cháu ghì chặt lấy tôi và gọi "cô giáo". Tôi ôm cháu vào lòng, đưa cháu về nhà. Chờ bố mẹ cháu đi rẫy về, tôi giao lại cho bố mẹ cháu rồi mới về trường. Lúc này tôi mới sực nhớ là chậu quần áo của mình đã bị nước cuốn trôi.

Nửa đêm hôm ấy, tôi được gia đình cháu bé mời đến nhà. Trong nhà, đầy ắp người. Gia đình cháu làm rất nhiều gà và lợn để cúng con ma. Họ mời tôi đến ăn cỗ và để cảm ơn tôi. Tưởng thế là xong, không ngờ, sáng hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy học sinh của tôi đến chật sân trường. Các em đòi tôi dạy học. Tôi vui sướng vì tôi lại được cùng các em sống những ngày như trước đây.

Một số thông tin về xã Trung Sơn hiện nay:

 

·Xã có đường ô tô, có trạm xá.

·Dân bản không còn nuôi gia súc dưới sàn nhà nữa.

·Trường học của xã được xây thành 2 tầng khang trang, rộng rãi. Nhiều học sinh phổ cấp trung học cơ sở và theo học tiếp phổ thông trung học ở trường huyện, một số em học đại học ở Hà Nội.

 

Trước ngày 20 -11 năm ấy, tôi dặn các em nghỉ học. Các em thắc mắc tại sao không phải là chủ nhật mà lại nghỉ học. Tôi vui vẻ kể cho các em về ngày 20 -11 ở dưới xuôi. Các em trầm trồ, tỏ vẻ thèm muốn, ánh mắt nhìn tôi như muốn tôi thông cảm với điều kiện hiện nay của các em. Sáng ngày 20 -11, tôi ngủ dậy muộn hơn thường lệ vì nghĩ là không phải lên lớp. Khi thức dậy, tôi thấy xung quanh tôi toàn là hoa. Những bông hoa rừng đủ màu sắc dắt đầy trên vách nứa. Tôi rất cảm động, rút một bông hoa ban trắng cài lên đầu rồi ra suối rửa mặt. Đang lúi húi rửa mặt, tôi chợt thấy những quả quýt trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Tôi vội vớt lấy cho vào chậu, nhưng vớt hết quả này thì quả khác lại trôi đến. Hết quýt lại đến bưởi, tôi ra sức lội theo dòng suối để vớt nên bị ngã dúi dụi xuống nước, ướt từ đầu đến chân. Tiếng cười bỗng rộ lên. Tôi ngước nhìn lên đầu nguồn và thấy các em học sinh của mình đang hái trái cây thả xuống dòng suối. Các em chạy ào về phía tôi, cùng tôi vớt quả, cô trò chúng tôi được một bữa liên hoan thật vui vẻ.

Năm tháng nhanh chóng qua đi, lúc học sinh của tôi bước sang năm học thứ năm cũng là lúc tôi thi đỗ đại học. Sở Giáo dục Thanh Hóa cho tôi về Hà Nội để học đại học. Tôi bùi ngùi chia tay với các em học sinh. Dân làng tiễn chân tôi với tất cả sự biết ơn và luyến tiếc.

20 năm đã trôi qua, những kỷ niệm của tuổi 20 trong tôi không bao giờ phai nhạt. Nhờ ý chí và nghị lực, tôi đã vượt qua  những gian nan, thử thách của cuộc đời. Tôi đã không chịu dừng lại vị trí của một giáo viên trường làng như những người bạn khác cùng lứa tuổi. Sau khi học xong đại học, tôi đã đến một trường khó khăn nhất của quê tôi để nhận công tác và tiếp tục học tập, phấn đấu. Giờ đây tôi đã là giảng viên của một trường đào tạo cán bộ ở thủ đô Hà Nội. Gặp lại bạn bè, tôi không khỏi tự hào vì những gì tôi đã đạt được. Đối với tôi, những năm đầu tuổi 20 là những năm có ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Tôi không bao giờ phải ân hận vì đã để tuổi thanh xuân của mình trôi qua một cách vô ích.

Hỡi các bạn trẻ, có bao giờ các bạn tự hỏi: mình sống vì cái gì? Mình đã làm được gì cho bản thân và cho xã hội? Cái gì là giá trị cuộc đời? Có phải cuộc đời chỉ có sự hưởng thụ giàu sang, phú quý? Xin các bạn hãy nhớ là "đời người chỉ sống có một lần, đừng sống hoài, sống phí, hãy sống thế nào khỏi phải ân hận về sau“, đừng để tuổi thanh xuân của mình qua đi một cách vô nghĩa.”

Trung tâm Thông tin Tư liệu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video