Tỷ lệ nữ trong Quốc hội Việt Nam cao nhất khu vực ASEAN

19/11/2009
Đó là một trong những thông tin được đưa ra trong “Toạ đàm về Bản tóm tắt các số liệu về giới đối với Việt Nam” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Hà Nội, ngày 18/10.

Cuộc tọa đàm này nhằm phổ biến kết quả nghiên cứu về các chỉ số giới của WB, hỗ trợ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo dõi và đánh giá việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, thu thập và tuyên truyền, phổ biến thông tin về bình đẳng giới thông qua các số liệu thống kê chính thức.

Theo số liệu được đưa ra trong báo cáo, Việt Nam có 54 dân tộc, nữ giới chiếm khoảng 51% dân số và 49% lực lượng lao động, trong đó 70% sống tại vùng nông thôn. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và giảm nghèo nhanh, vị thế của phụ nữ (Việt Nam ) đã được cải thiện đáng kể trong vài thập kỷ qua. Khoảng cách về bình đẳng giữa nam và nữ đã thu hẹp trong nhiều lĩnh vực. Hầu như không có khác biệt về đi học cấp tiểu học (89,2% đối với nữ và 89,3% đối với nam). Số năm đi học trung bình của nữ là 9,5 năm còn của nam là 9,6 năm. Phụ nữ tích cực tham gia vào hoạt động kinh tế với tỷ lệ 83% nhóm dân số nữ trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ nữ trong Quốc hội (nhiệm kỳ 2007 – 2012) là 25,8%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN.

Theo quan niệm truyền thống còn phổ biến là nam giới lo công việc ngoài xã hội, còn nữ giới lo công việc gia đình, chăm sóc con cái, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ nữ theo học lên cấp cao vẫn còn thấp hơn nam giới . Tiền công và thu nhập giữa nam và nữ cũng khác nhau; thu nhập trung bình của nữ giới chỉ bằng 83% của nam. Vẫn còn tồn tại bạo hành gia đình và các loại bạo lực khác chống lại phụ nữ. Nữ giới cũng bị hạn chế trong việc tham gia quá trình ra quyết định…

Tại tọa đàm, các đại biểu hy vọng rằng với sự quan tâm của nhà nước cùng với những đòi hỏi của cả trong nước và quốc tế, sự trợ giúp của các đối tác, hệ thống thống kê quốc gia sẽ tiếp tục được cải tiến và tăng cường năng lực, phục vụ việc hoạch định, theo dõi và đánh giá các chính sách bình đẳng giới, nhằm đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ tại Việt Nam.

Theo_VnMedia

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video