U70 khởi nghiệp với công nghệ 4.0

03/09/2021
Dù đã gần bước sang cái ngưỡng ‘’thất thập cổ lai hy’’, nhưng bà Đào Thị Hoà (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) vẫn nhanh nhẹn thực hiện nhiều thao tác bán hàng online, sử dụng công nghệ không khác gì giới trẻ.
Ở tuổi 67, bà Hòa đã minh chứng cho câu nói “khởi nghiệp không bao giờ là muộn”

Ở tuổi 67, bà Hòa đã minh chứng cho câu nói "khởi nghiệp không bao giờ là muộn". Với những trải nghiệm thực tế về việc khởi nghiệp ở tuổi hưu trí, bà cũng mong muốn nhà nước có chế độ hỗ trợ vốn cho những người cao tuổi khởi nghiệp.

Nghỉ chế độ 176 từ năm 1994, bà Đào Thị Hòa cùng cả gia đình chuyển hẳn từ Đà Nẵng ra Hà Nội sinh sống. Suốt 16 năm làm các công việc liên quan đến chế bản, phát hành báo chí và cộng tác viên báo chí, bà vẫn luôn ấp ủ ý định kinh doanh, nhưng vì phải dành nhiều thời gian chăm lo cho con, cháu, nên bà vẫn chưa thực sự ''khởi nghiệp'' lần nào.

Sau khi về hưu, bà Hòa quyết tâm không để tuổi già của mình trôi qua một cách buồn tẻ và lãng phí

Sau khi chính thức nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành, các cháu đã lớn, bà Hòa quyết tâm không để tuổi già của mình trôi qua một cách buồn tẻ và lãng phí. Bà quyết tâm khởi nghiệp dù không còn trẻ. Ý tưởng khởi nghiệp của bà xuất phát từ chính kinh nghiệm, nhu cầu thực tiễn của bản thân.

"Ngày ấy, tôi bị sốt xuất huyết, sau khi khỏi bệnh thì thấy cơ thể trở nên gầy và yếu ớt hơn rất nhiều. Thấy thế, cô em gái đang sống ở Đức liền gửi một số loại thực phẩm chức năng về cho tôi tẩm bổ. Uống một thời gian thấy sức khỏe cải thiện rõ rệt. Tôi liền nghĩ đến việc chia sẻ thực phẩm này đến với nhiều người hơn, đặc biệt là những người cùng lứa tuổi", bà Hòa cho biết.

Khi bà nói với các con về ý định của mình, các con trai và con dâu đều hết sức ngạc nhiên và không tin mẹ làm được. Một phần do tuổi mẹ đã cao, không thông thạo công nghệ, phần nữa là thị trường cạnh tranh nhiều, phải kinh doanh bằng cách nào, bắt đầu từ đâu?

Dù thế, bà Hòa vẫn không nản chí, bà ngày đêm suy tính và quyết định kinh doanh qua mạng, mở shop kinh doanh online với tên gọi "Hàng Đức xách tay Hòa Đào".

Với lợi thế là nguồn hàng đảm bảo chất lượng, chính hãng từ người thân ở Đức gửi về, thời gian đầu được hỗ trợ vốn, hơn thế nữa chính bản thân đã sử dụng và kiểm nghiệm nhiều năm, nên bà Hòa rất yên tâm khi giới thiệu với khách hàng. Cùng với đó là con trai, con dâu bà đều làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, nên đã giúp bà lập fanpage, website bán hàng, chụp ảnh sản phẩm.

Tuy nhiên, với tuổi tác của mình để nắm bắt công nghệ chậm chạp, bà Hòa phải mất nhiều thời gian mày mò học cách sử dụng công nghệ thương mại điện tử, nhận đơn hàng qua mạng, phản hồi khách hàng…

Khó khăn nữa là về thông tin sản phẩm, tất cả các sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ từ Đức. Bao bì, thông tin đều là tiếng Đức và tiếng Anh, nên để có thể hiểu rõ về sản phẩm, tư vấn đúng cho khách hàng, bà Hòa đã phải nhờ đến "google dịch''.

"Khi gửi hàng về, em gái tôi cũng đã nói rõ về công dụng của từng loại, nhưng bản thân là người chủ động, muốn giải thích rõ hơn với khách hàng nên tôi tự mày mò học một chút tiếng Đức, học cách dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt qua hỗ trợ của google, dần dần cũng đã quen với nhiều từ thông dụng về sản phẩm", bà Hòa cho biết.

Bà Hòa luôn vận động, tập thể thao để giữ cho mình tinh thần khỏe và minh mẫn

Với những nỗ lực khởi nghiệp khi "có tuổi", bà Đào Thị Hòa đã miệt mài theo đuổi kinh doanh thực phẩm chức năng Đức, trở thành địa chỉ được nhiều người tin dùng. Các đơn hàng dần được bà xử lý thành thạo qua facebook, zalo và chuyển đến tay khách hàng kèm với tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, cụ thể.

Chia sẻ về cách thu hút khách hàng vào kênh bán hàng online của mình, bà Hòa khiến không ít người ngạc nhiên: "Thời gian đầu tôi viết những truyện ngắn, những tản văn vui để mọi người đọc cho vui và sau mỗi bài tôi có ghé những lời giới thiệu về thuốc. Khi đã có thêm khách hàng thì tôi lập trang bán hàng trên facebook và lập trang website để bán hàng".

Tuy nhiên, bà Hòa cũng đưa ra một số vướng mắc trong quá trình kinh doanh, đó là khách hàng của bà chủ yếu ở lứa tuổi trên 50 nên không không thành thạo công nghệ, dẫn đến kênh bán hàng qua website chưa phát huy được nhiều tác dụng. Trong thời gian tới bà sẽ nhờ sự hỗ trợ của con trai, con dâu khắc phục nhược điểm của kênh này để khách hàng ghé thăm dễ dàng đặt hàng hơn.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid 19 khiến cho công việc kinh doanh của bà cũng gặp ít nhiều khó khăn do khâu vận chuyển bị hạn chế.

Để khắc phục điều này, bà Hòa hiện đang gây dựng mạng lưới bán hàng ở nhiều tỉnh thành bằng hình thức tuyển đại lý và chuyển hàng bằng cách sử dụng ứng dụng công nghệ (app) như Viettelpost, Giao hàng tiết kiệm. Bà còn có ''tham vọng'' sẽ mở rộng quy mô và mặt hàng kinh doanh khi đã có lượng khách quen ủng hộ. Bà nghĩ đến dòng gia dụng của Đức, chắc chắn sẽ làm hài lòng các khách hàng trẻ tuổi hơn.

Bà mong muốn những người về hưu, nhất là phụ nữ nên tiếp tục khởi nghiệp để có thu nhập cho tuổi già và hơn hết là niềm vui trong cuộc sống

Bà Hòa chia sẻ, tuổi về hưu mới khởi nghiệp khó khăn hơn rất nhiều so với người trẻ bởi không còn nhanh nhẹn để tận dụng hết thế mạnh kinh doanh thời công nghệ. Tuy nhiên, bà cũng mong muốn những người về hưu, nhất là phụ nữ nên tiếp tục khởi nghiệp để có thu nhập cho tuổi già và hơn hết là niềm vui trong cuộc sống.

"Theo bà, ở độ tuổi này, nếu muốn khởi nghiệp thì điều quan trọng nhất là uy tín cá nhân. Bản thân mình là một người sống tốt thì sẽ được bạn bè ủng hộ. Phải có sức khỏe tốt thì mới tự tin giới thiệu sản phẩm đến cho mọi người. Còn muốn kinh doanh tốt thì phải bán sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video