Úc hỗ trợ 9,5 triệu đô la nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em Việt Nam khỏi bạo lực

24/05/2021
Chính phủ Úc viện trợ 9,5 triệu đô la Úc để hỗ trợ dự án mới “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam” từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2025. Dự án nhằm đạt mục tiêu là tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương, có thể sống một cuộc sống không bị bạo lực.
Lễ ký kết dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025”

Ngày 24/5, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết dự án "Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19", ký kết dự án mới "Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025". Buổi lễ do Chính phủ Úc, UNFPA, UNICEF và UN Women tại Việt Nam tổ chức. 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa (giữa) trao đổi với các đại biểu

Dự án "Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19" do UNFPA, UNICEF và UN Women phối hợp thực hiện từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021 cùng với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các bên liên quan khác. Dự án nhằm tăng cường các cơ chế phòng ngừa và ứng phó quốc gia nhằm giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh COVID-19.

Sau một năm thực hiện, dự án "Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19" đã đạt được những kết quả nhất định. 

Dựa trên thành công của dự án trên, Chính phủ Úc hiện đang viện trợ 9,5 triệu đô la Úc để hỗ trợ dự án mới "Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam" sẽ được thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2025.

Lễ ký kết dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025”

Dự án mới này nhằm đạt được một mục tiêu là tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương, có thể sống một cuộc sống không bị bạo lực thông qua các chiến lược phòng ngừa được tăng cường và các biện pháp ứng phó đa ngành nhằm thúc đẩy các kết quả sau:

1, Thúc đẩy luật pháp và chính sách dựa trên bằng chứng, tăng cường phân bổ nguồn lực và cơ chế phối hợp cũng như  trách nhiệm giải trình nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em phù hợp với các tiêu chuẩn và cam kết quốc gia và quốc tế

2, Ứng phó đa ngành được củng cố và hiệu quả hơn (bao gồm hệ thống, năng lực và cung cấp dịch vụ) giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu có chất lượng cho nạn nhân và người sống sót sau bạo lực.

3, Phòng ngừa bạo lực hiệu quả hơn, thúc đẩy thay đổi chuẩn mực giới và xã hội thông qua truyền thông sáng tạo dựa trên bằng chứng, nâng cao nhận thức, và huy động cộng đồng

4, Cải thiện nghiên cứu, thu thập, phân tích dữ liệu và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về cách tiếp cận dựa trên bằng chứng để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực.

Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie

Tại sự kiện, H.E Robyn Mudie - Đại sứ Úc tại Việt Nam cho biết: "Chính phủ Úc thông báo số tiền 9,5 triệu đô la Úc cho một sáng kiến mới kéo dài 4 năm với Việt Nam và các đối tác của Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực".

Theo bà Mudie, trong vòng 4 năm tới, chương trình sẽ tăng cường các chiến lược phòng ngừa và các nỗ lực ứng phó đa ngành nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực đối với trẻ em. Chương trình sẽ tăng cường hệ thống ứng phó với bạo lực và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận thực tế và dài hạn này sẽ tạo ra sự khác biệt đối với những việc mà chúng ta biết là cần thiết và phụ nữ và trẻ em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ và họ sẽ được sự giúp đỡ khi họ cần".

Bà Naomi Kitahara - Đại diện UNFPA tại Việt Nam (ngoài cùng, bên trái) cùng bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam và bà Elisa Fernandez - Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam

Việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Không có cách nào để Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 mà không giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Đó là việc đảm bảo rằng tất cả mọi người đều là một phần của quá trình phát triển bền vững của đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi không bỏ lại phụ nữ phía sau. Chúng tôi không bỏ rơi trẻ em. Cùng nhau, chúng ta đang đóng góp cho một Việt Nam không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và nhân phẩm của mọi người đáng được tôn trọng

Bà Naomi Kitahara - Đại diện UNFPA tại Việt Nam 

 

Một số kết quả sau 1 năm thực hiện dự án "Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19"

-Các sáng kiến truyền thông đổi mới sáng tạo đã được giới thiệu tại hơn 100 siêu thị lớn, nhỏ và hiệu thuốc, là những địa điểm tốt nhất để tiếp cận phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực. Đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt do COVID-19, các cửa hàng này đã phát 10.700 tờ rơi về bạo lực trên cơ sở giới ở 4 tỉnh. Ngoài ra, 53.600 tờ rơi và 12.800 áp phích về hướng dẫn an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong các trung tâm cách ly; 55.600 tờ rơi và 12.400 áp phích về hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên ở cũng được phổ biến đến 400 trung tâm cách ly trên toàn quốc.

-Chiến dịch truyền thông quốc gia Trái tim Xanh #Blueheart nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực ngày càng trầm trọng đối với trẻ em và phụ nữ trong đại dịch COVID-19 đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng. Bên cạnh đó là các bậc cha mẹ, trẻ em, thanh thiếu niên và các nhà hoạch định, thực thi chính sách trên toàn xã hội và các nền tảng truyền thông đại chúng với hơn 100 triệu lượt tiếp cận. Các biện pháp can thiệp truyền thông khác cũng đã cung cấp thông tin liên quan đến 55 triệu lượt người.

-Công nghệ kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội được tận dụng tối đa để nâng cao hiểu biết về nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới trong thời kỳ COVID-19. Qua đó, tiếp cận gần 55 triệu người xem thông qua cuộc thi trên Facebook, chương trình đối thoại trực tiếp, tin bài trên kênh truyền hình quốc gia và các phương tiện truyền thông khác, chương trình phát sóng bằng màn hình LCD trong thang máy và các hoạt động tiếp cận người dân ở cấp cơ sở.

-Dịch vụ bảo vệ được cung cấp thông qua các Đường dây nóng do Ngôi nhà Ánh Dương, Ngôi nhà Bình Yên và CSAGA điều hành đã phục vụ hơn 13.000 lượt người tham vấn, tư vấn và chuyển gửi. Trong số đó, 832 nạn nhân của bạo lực đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp và tận tình từ các nhân viên được đào tạo.

-Dự án đã phân phát 6.644 bộ dụng cụ thiết yếu với 21 vật dụng cần thiết cho phụ nữ phải trải qua và có nguy cơ bị bạo lực tại các trung tâm cách ly, nhà tạm lánh và các khu vực bị phong tỏa ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Dương.

-Kế hoạch hợp tác hỗ trợ thành phố Đà Nẵng ứng phó với làn sóng COVID-19 thứ hai đã được khẩn trương xây dựng và thực hiện. Thông tin liên quan đến nguy cơ gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và các dịch vụ hỗ trợ đã được phổ biến rộng rãi thông qua các bản tin phát thanh hàng ngày, việc phát 18.000 tờ rơi, 3.000 danh bạ địa chỉ hỗ trợ, áp phích lớn và clip ngắn (30 giây). Hai nhà tạm trú đã được thiết lập tại các khách sạn. 3 ban chỉ đạo phòng chống bạo lực được thành lập và các số điện thoại đường dây nóng tại địa phương đã được vận hành, và 69 phụ nữ nạn nhân của bạo lực có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video