UNDP với hoạt động bình đẳng giới tại Việt Nam

27/12/2005
Bằng cách bảo đảm bình đẳng giới, các nước có thể thực hiện hiệu quả hơn công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.

Các nước có chính sách và tập quán tốt về bình đẳng giới thường có tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật và các vấn nạn khác thấp hơn, đồng thời có khả năng khai thác đầy đủ lực lượng lao động nữ phong phú và có năng suất cao.

Trong suốt mười năm qua, cộng đồng quốc tế đã cam kết mạnh mẽ về việc đảm bảo bình đẳng giới và nâng cao vai trò, địa vị của phụ nữ tại những sự kiện như Hội nghị Phụ nữ Thế giới tại Bắc Kinh năm 1995, Hội nghị Bắc Kinh cộng 5 và Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ năm 2000.

Báo cáo Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về Việt Nam năm 2002 chỉ rõ rằng mặc dù tình hình chung về kinh tế - xã hội của phụ nữ đã được cải thiện đáng kể trong mười năm qua, song những khác biệt đáng chú ý về giới vẫn bộc lộ trong hầu hết các khía cạnh về phát triển con người ở Việt Nam.

UNDP coi bình đẳng giới là một trong những nguyên tắc chủ đạo, và UNDP tại Việt Nam phấn đấu đặt các vấn đề về giới vào trung tâm của tất cả các chương trình và dự án của mình, từ khâu xây dựng đến khâu kiểm điểm đánh giá, nhằm đảm bảo rằng những nhu cầu của cả phụ nữ và nam giới đều được phát hiện và đáp ứng.

Kể từ năm 1997, UNDP đã phối hợp với Uỷ ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của phụ nữ (UBQGTBPN) hỗ trợ các hoạt động triển khai tiếp theo Hội nghị Bắc Kinh và xây dựng một kế hoạch hành động nhằm nâng cao địa vị và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong công tác lãnh đạo và hoạt động phát triển. Hiện nay, UNDP đang hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện kế hoạch này thông qua dự án "Hỗ trợ Bộ máy Quốc gia vì sự Tiến bộ của phụ nữ trong việc lồng ghép giới vào chính sách và kế hoạch quốc gia". Dự án này, được Chính phủ Hà Lan đồng tài trợ, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về giới và tăng cường kỹ năng phân tích giới trong các Bộ, ngành của Chính phủ, UBQGTBPN và các uỷ ban phụ nữ khác. Việc lồng ghép nhiều hơn nữa vấn đề giới vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách phát triển sẽ tiếp tục góp phần vào bình đẳng giới và nâng cao địa vị phụ nữ. Ví dụ, khi Chính phủ thực hiện Chiến lược Toàn diện về Tăng trưởng và Giảm nghèo, UNDP có kế hoạch hỗ trợ việc lồng ghép phương thức tiếp cận mang tính nhạy cảm về giới.

UNDP đã công bố Báo cáo "Những khác biệt về giới trong nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam" vào tháng 8/2002. Được xây dựng với sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Báo cáo này nghiên cứu phân tích những điểm khác biệt về giới trong các lĩnh vực phát triển chủ yếu và đề xuất phương hướng chung về mặt chính sách.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, UNDP cũng đã hỗ trợ việc soạn thảo bộ tài liệu giới thiệu về Tình hình giới ở Việt Nam. Bộ tài liệu này cung cấp kịp thời thông tin cập nhật về các vấn đề giới ở Việt Nam, đồng thời định hướng cho việc xây dựng chính sách và chương trình để đảm bảo cho phụ nữ và nam giới cùng được hưởng những thành quả như nhau của công cuộc phát triển.

Ở cấp tiểu vùng, UNDP tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều phối viện trợ ở Việt Nam trong lĩnh vực đấu tranh chống nạn buôn bán người thông qua dự án phối hợp giữa các tổ chức LHQ trong khu vực với tiêu đề "Chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Tiểu vùng Mê Công".

Trong khi Việt Nam tăng cường quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, UNDP còn phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) trong việc tăng cường năng lực của phụ nữ để họ có thể tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, thông qua một dự án với tên gọi "Chương trình phát triển doanh nghiệp cho phụ nữ trong ngành chế biến thực phẩm ở miền Trung Việt Nam".

UNDP còn là một thành viên tích cực của Nhóm Đối tác về giới, với sự tham gia của các Bộ và các cơ quan Chính phủ như Uỷ ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ, nhằm hỗ trợ toàn diện về mặt chiến lược cho việc thực hiện Kế hoạch Hành động quốc gia (lần thứ 2) vì sự Tiến bộ của phụ nữ của Việt Nam. Nhóm Đối tác này cũng góp phần tránh tình trạng trùng lắp và chắp vá, đồng thời khuyến khích sự phối hợp giữa các thành viên của Nhóm.

Theo UNDP

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video