UNICEF đánh giá cao thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam

14/12/2006
Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam: Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các chỉ số về bình đẳng giới. Việt Nam thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em gái và trẻ em trai, phụ nữ và nam giới…

Ngày 11/12, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, Quỹ Nhi đồng của Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã công bố báo cáo “Tình hình Trẻ em Thế giới 2007”, trong đó đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc loại bỏ sự phân biệt đối xử về giới và nâng cao vị thế của người phụ nữ.

Ông Jesper Morch, Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam, nói: “Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các chỉ số về bình đẳng giới. Việt Nam thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em gái và trẻ em trai, phụ nữ và nam giới”.

Theo ông Morch, sự chênh lệnh về tỷ lệ nhập học giữa các em nữ và các em nam ở Việt Nam rất thấp. Tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có tỷ lệ tham gia kinh tế cao nhất trên thế giới - 85% nam giới và 83% nữ giới ở độ tuổi từ 15 đến 60 tham gia vào các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, báo cáo của UNICEF nhấn mạnh sự bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Kết quả là nhiều phụ nữ có thể không biết đến hoặc không thể thực hiện quyền của họ đã được pháp luật công nhận.

Ông Ian Howie, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, nói: “Phụ nữ cần có khả năng tự đưa ra những lựa chọn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả vấn đề sinh sản. Họ cần phải có kiến thức, quyền và phương tiện để quyết định việc sinh bao nhiêu con và sinh vào lúc nào”.

Báo cáo này cũng chỉ ra các vấn đề về giới đang nổi lên ở Việt Nam như sự bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận nguồn lực sản xuất và bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

Báo cáo “Tình hình Trẻ em Thế giới 2007” đã đưa ra 7 giải pháp chính nhằm cải thiện vấn đề bình đẳng giới như khuyến khích cha mẹ và cộng đồng đầu tư vào giáo dục trẻ em gái, đầu tư để loại trừ sự phân biệt đối xử về giới, xây dựng hạn ngạch pháp lý để đảm bảo sự tham gia của phụ nữ vào chính trường và giáo dục về lợi ích của bình đẳng giới./.

TTXVN.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video