Uống rượu, bia và trách nhiệm hình sự khi phạm tội

06/11/2020
Trong suy nghĩ của nhiều người, uống rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự do lỗi gây ra. Họ cho rằng người thực hiện hành vi phạm tội khi đang trong tình trạng không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Biếm họa minh họa.

Lý lẽ biện minh này hoàn toàn không đúng. Thực tế, Bộ luật Hình sự có quy định rõ ràng: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Đáng lưu ý, uống rượu, bia không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong trách nhiệm hình sự. Thậm chí, đây còn là một trong những tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng ở một số tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn, Điều 260 (tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ), Điều 267 (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt)... đều quy định tình tiết tăng nặng “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”.

Điều này được giải thích theo tư duy pháp lý khi xem xét đến dấu hiệu thuộc về chủ quan của tội phạm ở các tội phạm trên, người phạm tội thực hiện hành vi chỉ là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả). Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Trong khi hành vi uống rượu, bia là hành vi có thể ngăn chặn được bằng ý chí chủ quan của những người tham gia giao thông để kiểm soát sự mất hoặc hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự của họ thì họ lại tự lựa chọn và quyết định tước đi cơ hội để ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra do tình trạng mất kiểm soát năng lực hành vi bởi rượu, bia. Do đó, buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện tội phạm trong tình trạng say rượu, bia hoặc say do dùng chất kích thích mạnh khác đối với một số tình tiết tăng nặng định khung hình phạt sẽ có tác dụng trong việc giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn việc lợi dụng tình trạng say rượu, bia hoặc chất kích thích khác để thực hiện tội phạm.

Trong quá trình làm việc, chứng kiến những người vì sử dụng rượu, bia mà gây ra hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội, chúng tôi thực sự rất buồn. Rượu, bia đã làm không ít gia đình phải chia lìa, xã hội rối loạn. Có những người phải rời xa thế giới, để lại nỗi buồn vô hạn cho gia đình, người thân. Còn có những người mà tương lai phải tạm khép lại do vi phạm pháp luật hình sự.

Trường hợp của thanh niên trẻ N.T.P (sinh năm 1998) trong vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 13-6-2018 tại quận Đống Đa, TP Hà Nội là một ví dụ đáng tiếc. Theo kết luận điều tra của cơ quan điều tra công an cũng như cáo trạng của viện kiểm sát kết luận, N.T.P đã có hành vi dùng một viên gạch (dạng gạch ba vanh kích thước khoảng 10x15cm) và một con dao (dạng dao bầu, dài khoảng 20cm, mũi nhọn, cán gỗ) gây thương tích 35% cho anh C.V.T. Dù anh T không yêu cầu bồi thường nhưng những tình tiết và chứng cứ trong vụ án vẫn đủ căn cứ để xác định bị can N.T.P đã phạm tội "cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Khi trực tiếp tham gia bào chữa cho bị cáo, tại hồ sơ vụ án cũng như tiếp xúc trực tiếp với bị cáo P, luật sư hiểu rõ hơn về hoàn cảnh và mục đích phạm tội của bị cáo. Được biết, ngày xảy ra vụ án, bị cáo uống rất nhiều rượu, bản thân bị cáo và bị hại đã không ưa nhau từ trước. Khi nhìn thấy người anh mà mình mang ơn trong cuộc sống (là anh K.) bị rất đông người đánh nên bị cáo P lúc đầu chạy ra để can ngăn. Nhưng T đã chửi và đuổi đánh P. Do quá bực tức, bức xúc, lại ở thế yếu do số người bên T đông hơn nên bị cáo đã dùng gạch để tấn công lại. Mục đích ban đầu của P là để can ngăn. Nhưng sau đó, do diễn biến hoàn cảnh, thiếu hiểu biết, cộng với ảnh hưởng của rượu, bia nên việc xô xát vượt quá tầm kiểm soát. P dùng dao để đâm T. Ngày hôm sau, khi hết ảnh hưởng của rượu, bia, P mới nhận thức được hậu quả đã gây ra, lo sợ và tự nguyện đi đầu thú tại cơ quan công an.

Như vậy, khi xem xét một cách khách quan các dấu hiệu cơ bản của tội phạm thấy rằng, khi uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích mạnh khác, N.T.P có thể lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Song, tình trạng không nhận thức và điều khiển hành vi ở người say chỉ là tạm thời, không phải là kết quả do những nguyên nhân ổn định, tiềm tàng từ chính bên trong chủ thể đưa lại, vì trước đó N.T.P là người bình thường. Do đó, N.T.P vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “cố ý gây thương tích” vì gây thương tích tới 35% cho anh C.V.T. Cuối cùng, P phải nhận mức án 5 năm 6 tháng tù giam theo khung hình phạt của khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Qua vụ việc trên cho thấy, nếu khi đó bị cáo không say rượu để có thể nhận thức được giới hạn hành vi của mình thì đã không có hậu quả gây xâm phạm đến 35% thương tích cho bị hại và không phải vào tù khi mới tròn 20 tuổi, tương lai tươi đẹp đang ở phía trước. Giọt nước mắt muộn màng của P làm xé lòng người mẹ khi nhìn con bước lên xe thùng sau phiên tòa kết thúc.

Thực tế hằng ngày vẫn có những người quá đà “chén chú, chén anh”. Họ không biết rằng sau những giờ phút vui vẻ nhậu nhẹt là biết bao câu chuyện buồn, là những nặng trĩu mà xã hội phải gánh chịu. Qua các vụ án đã tham gia, tôi nhận thấy rằng khi uống rượu, bia, con người dễ bị ảo giác, hoang tưởng. Họ nghĩ rằng mình bị đe dọa và sẽ bị hãm hại từ những người xung quanh. Họ thường có cảm xúc bất an, lo âu, giận dữ, thậm chí có những suy nghĩ, hành động độc ác, hành xử vượt quá lý trí bình thường. Nhưng đây là việc họ tự đặt mình vào tình thế này. Pháp luật không thể bảo vệ những người như vậy. Vì thế, mọi người cần nhận thức đúng về tác hại của sự lạm dụng uống rượu, bia và từ bỏ thói quen xấu này.

qdnd

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video