Ưu tiên về giới trong chiến lược phòng chống HIV

06/04/2011
(VOV) - Nếu lồng ghép giới vào chiến lược thì công cuộc phòng chống HIV ở Việt Nam sẽ đạt được hiệu quả vì tận dụng tốt nhất nguồn lực sẵn có

Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ngành rất cam kết trong việc đưa ra một đáp ứng toàn diện với dịch HIV; nhận thức rõ cần có những cách thức tiếp cận hiệu quả với những thử thách hiện nay ở Việt Nam; quan tâm tới bình đẳng giới và những vấn đề mà phụ nữ đang gặp phải, coi đó là một ưu tiên của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều khía cạnh giới trong các chính sách phòng chống HIV/AIDS còn thiếu tính tổng thể và đồng bộ, chưa có kế hoạch cụ thể nào nhằm nâng cao nhận thức về giới với HIV, cũng như chưa có thông tin giới liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử…

Để đưa ra những khuyến nghị cải thiện việc thực hiện Chiến lược đáp ứng giới trong giai đoạn tới, một nghiên cứu phân tích giới trong Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã được tiến hành trong năm 2010.

Kết quả của nghiên cứu này đã được chia sẻ tại Hội thảo“Giới và HIV tại Việt Nam” do Cục phòng chống HIV/AIDS và các tổ chức LHQ tại Việt Nam đồng tổ chức. Đây là cơ hội để các cơ quan hoạch định chính sách, các chuyên gia về giới, những người làm việc trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS và cả những người sống chung với HIV thảo luận về những vấn đề giới cần cân nhắc trong quá trình xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn tới. Phóng viên VOV ghi lại ý kiến của một số chuyên gia.

Bà Jane Wilson, cố vấn về giới thuộc Văn phòng Cơ quan phòng chống AIDS của LHQ (UNAIDS) khu vực Châu Á-TBD và Bà Nazneen Damji, Quản lý chương trình bình đẳng giới và HIV/AIDS, Văn phòng tổng hành dinh Cơ quan Phụ nữ LHQ (UN Women) tại New York (Mỹ)

PV: Với góc nhìn giới, các bà đánh giá như thế nào về công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam?

Bà Jane Wilson: Từ quan điểm của UNAIDS, chúng tôi nhận thấy có nhiều dấu hiệu tích cực trong các nỗ lực lồng ghép giới với các chính sách phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam. Việt Nam đã có Luật phòng chống HIV/AIDS, Luật bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia bình đẳng giới 2011- 2020. Đây là môi trường thuận lợi để cho Việt Nam cải thiện những thiếu hụt về giới trong phòng chống HIV. Chúng tôi cũng nhận thấy, các cấp lãnh đạo của Việt Nam đã có những cam kết rất rõ ràng và mạnh mẽ về việc lồng ghép giới trong Chiến lược quốc gia giai đoạn tiếp theo. Tôi rất lạc quan về những dấu hiệu đáng khích lệ này của các bạn

Bà Nazneen Damji: Tôi cũng đồng tình với quan điểm của UNAIDS, đăc biệt là tôi thấy khích lệ khi được nghe cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo Việt Nam khi đưa yếu tố giới vào Chiến lược quốc gia giai đoạn tiếp theo và tin tưởng Việt Nam sẽ làm tốt vấn đề này.

PV: Theo các bà, đâu là lỗ hổng hay những tồn tại về yếu tố giới trong ứng phó của Việt Nam với đại dịch HIV/AIDS, nhất là khi tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ đã tăng lên hơn so với trước?

Bà Jane Wilson: Trong thời gian gần đây chúng ta đã chứng kiến có sự dịch chuyển theo hướng tăng lên trong số phụ nữ nhiễm HIV so với nam giới cũng như xu hướng nhiễm HIV tăng lên trong cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới.

Có thể lấy ví dụ, ở một số tỉnh tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nam quan hệ tình dục đồng giới cao tới 30 % và trong số người tiêm chích ma túy có thể lên đến 45%. Thực tế đó cho thấy chúng ta còn nhiều lỗ hổng mà Chương trình can thiệp giảm tác hại chưa giải quyết được, đó là tiếp cận với những đối tượng là vợ và bạn tình của người tiêm chích ma túy và nam quan hệ tình dục đồng giới hay là phụ nữ tiêm chích ma túy. Đây là vấn đề mà Chiến lược quốc gia giai đoạn tới cần gấp rút phải giải quyết.

Bà Nazneen Damji: Tôi cũng muốn chia sẻ thêm với những ý kiến của UNAIDS, đó là lỗ hổng về giới trong các chính sách hiện này của Việt Nam còn có cả ở khía cạnh là tiếp cận dịch vụ. Những nhóm đối tượng mà chúng ta vừa đề cập hiện vẫn còn khó tiếp cận các dịch vụ bao gồm cả dự phòng điều trị và chăm sóc cho họ, nhưng phụ nữ là vợ, là bạn tình của người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ tiêm chích ma túy.

PV: Khuôn mẫu, định kiến về giới lâu đời ở châu Á và ở Việt Nam là một trong những nguyên nhân sâu sa làm cho phụ nữ bị động trong cả môi trường gia đình và ngoài xã hội. Cùng với đó là những bất bình đẳng giới và bạo lực giới vẫn còn tồn tại. Vậy làm thế nào để chúng ta thay đổi những khuôn mẫu giới đó và cải thiện nhận thức của xã hội, thưa bà?

Bà Jane Wilson: Việt Nam đã có một báo cáo bổ ích về tình trạng lây nhiễm HIV từ nam giới sang phụ nữ trong quan hệ bạn tình ở Việt Nam, trong đó có một số khuyến nghị rất đáng chú ý. Bởi vậy theo tôi, việc đầu tiên mà các bạn cần làm là tìm hiểu sâu hơn về các khuyến nghị đưa ra trong báo cáo này.

Ngay như trong Hội thảo giới-HIV tại Việt Nam này, chúng ta thấy có rất nhiều phụ nữ sống chung với HIV, họ đã cung cấp cho chúng ta những kinh nghiệm hữu ích trong cuộc chiến này và bước tiếp theo là chúng ta cần phải tìm kiếm và tư liệu hóa lại những kinh nghiệm sống của những phụ nữ nhiễm HIV. Ví dụ như họ bị lây nhiễm HIV như thế nào và đã từng bị va vấp ra sao khi nhận kết quả HIV dương tính, sau khi nhận được kết quả dương tính thì người chồng của họ có thái độ thế nào, vai trò trách nhiệm của người đàn ông với bạn tình, của người chồng với vợ khi bị nhiễm ra sao… Những thông tin thực tế đó sẽ rất hữu ích cho chúng ta, sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cũng như góp phần nâng cao nhận thức và xóa bỏ những định kiến về giới

Bà Nazneen Damji: Chúng ta cần phải tìm hiểu xem quan niệm về nam tính, rồi nữ tính có vai trò khác nhau như thế nào trong đời sống hàng ngày để từ đó giúp người phụ nữ khi họ có nguy cơ cao lây nhiễm HIV hoặc kể cả khi không may bị nhiễm rồi. Quan trọng nhất là cần khuyến khích sự tham gia của nam giới nhiễm HIV, nhất là trong bối cảnh ở châu Á và Việt Nam, vai trò của nam giới chưa được tìm hiểu kỹ.

PV: Thưa bà Jane Wilson, với góc nhìn của UNAIDS, việc lồng ghép giới trong chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 10 năm tới sẽ có tác động như thế nào trong các nỗ lực phòng chống HIV tại Việt Nam?

Bà Jane Wilson: Vấn đề quan trọng nhất khi lồng ghép giới vào chiến lược quốc gia giai đoạn tới chính là người phụ nữ dù có nguy cơ cao hay không, cao tuổi hay còn trẻ, những người phụ nữ sống ở các vùng miền… sẽ được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ dự phòng và chăm sóc điều trị HIV/AIDS. Có một điểm mà tôi muốn nhấn mạnh là nếu lồng ghép giới vào chiến lược thì công cuộc phòng chống HIV ở Việt Nam sẽ đạt được hiệu quả bởi vì chúng ta sẽ tận dụng tốt nhất nguồn lực sẵn có mà nguồn lực này hiện nay đang rất hạn chế và sẽ ngày càng eo hẹp hơn.

PV: Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm và cách làm thành công của các quốc gia  khác trong việc giải quyết vấn đề giới trong phòng chống HIV?

Bà Jane Wilson: Có nhiều bằng chứng thành công khi lồng ghép giới trong các ứng phó quốc gia, tôi lấy ví dụ như ở Campuchia, Trung Quốc, Myamar, việc xây dựng năng lực thể chế về giới sẽ giúp đảm bảo tính bền vững, đặc biệt một chiến lược quốc gia được lồng ghép giới sẽ đạt được hiệu quả về mặt chi phí cũng như giảm được các vấn đề xã hội liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử với những người đang sống với HIV và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

PV: Thưa bà Nazneen Damji, với kinh nghiệm của Cơ quan phụ nữ LHQ, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm mang lại những hiệu quả trong lồng ghép giới với phòng chống HIV/AIDS?

Bà Nazneen Damji: Trên thế giới Cơ quan phụ nữ LHQ đã hỗ trợ thành công chương trình với cách tiếp cận cả nam giới và phụ nữ nhằm thay đổi những chuẩn mực giới. Đây là một chương trình đào tạo kỹ năng sống tập trung vào dự phòng HIV, mục đích của nó là giúp cho phụ nữ và nam giới có thể trao đổi với nhau về các vấn đề nhạy cảm, như là tình dục, giới tính và các biện pháp an toàn tình dục như sử dụng bao cao su.

Ở những nước có cách tiếp cận này qua quan sát chúng tôi thấy rõ tỷ lệ lây nhiễm HIV đã giảm đi trong nhóm phụ nữ và cả những nam giới gây bạo lực gia đình.

TS Lê Minh Giang, Phó khoa Y đức và Y xã hội, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo về HIV/AIDS, Trường ĐH Y Hà Nội, thành viên nhóm phân tích giới trong Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam: Lồng ghép giới vào chiến lược quốc gia và đáp ứng đa ngành với dịch HIV.  

Chúng ta cần có những nghiên cứu sâu hơn về các nhóm quần thể khác nhau: Phụ nữ tiêm chích ma túy, mại dâm nam, bạn tình của nhóm nam có hành vi nguy cơ cao, khách hàng mua dâm, MSM chuyển giới. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực phân tích giới và lồng ghép giới khi xây dựng các chương trình phòng chống HIV và huy động nguồn lực để thực hiện là yếu tố quan trọng.

Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện lồng ghép giới vào chiến lược quốc gia và đáp ứng đa ngành với dịch HIV.  Để thực hiện việc này thì chiến lược mới cần nhấn mạnh hơn các cơ chế thúc đây sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức xã hội và cộng đồng với các cơ quan chính phủ các cấp vì mỗi bên đem đến những thế mạnh quan trọng trong nỗ lực lâu dài này. 

Bà Khuất Thị Hải Oanh, giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng: Nam giới cũng yếu thế theo cách của nam giới.

Ở Việt Nam, trong số người nhiễm HIV, tỷ lệ nam giới cao hơn phụ nữ. Nếu nói một cách công bằng, nam giới phải là người dễ bị tổn thương và có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn nữ. Cũng bởi vì chuẩn mực về giới là nam phải thể hiện nam tính của mình, biết uống rượu bia, rồi có thể bồ bịch… vô hình chung đã đẩy người nam giới tới cái chỗ dễ bị tổn thương, bị nguy cơ lây nhiễm HIV.

Vì vậy khi nhìn vào vấn đề giới, chúng ta cần nhìn vào cả hai giới chứ không chỉ nói là phụ nữ yếu thế hơn. Nam giới cũng yếu thế theo cách của nam giới. 

Châu Á đã và đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng phụ nữ sống chung với HIV trong thập kỷ qua. Phụ nữ chiếm 35% các ca nhiễm mới, tăng 4% kể từ năm 2000.

Năm 2009, ước tính có khoảng 243.000 người Việt Nam sống chung với HIV trong đó số người trưởng thành (từ 15 đến 49 tuổi) là 0.43%. Dịch HIV ở Việt Nam hiện vẫn tập trung chủ yếu trong nhóm nam giới chiếm tới 73%. Đó là những người sử dụng ma túy hoặc có các hành vi nguy cơ khác. Năm 2009 cũng đưa ra một thực tế là số nam giới ở độ tuổi trưởng thành sống với HIV cao gấp 3 lần nữ giới nhưng đến năm 2012 số nam giới trưởng thành sống với HIV chỉ còn cao gấp 2,6 lần. Điều này cho thấy nguy cơ lây truyền HIV từ nam giới sang vợ hoặc bạn tình hường xuyên của họ ngày càng gia tăng.

Số lượng nhiễm mới và tỷ lệ hiện nhiễm HIV ngày càng lớn ở phụ nữ đặt ra vấn đề phải cấp bách giải quyết bất bình đẳng giới. Các bằng chứng cho thấy phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV cần được quan tâm nhiều hơn từ phía các nhà hoạch định chính sách, những người xây dựng và triển khai các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV./. 

Hồng Quyên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video