Vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam

18/07/2009
Từ lâu, Đảng đã thể hiện rõ quan điểm về chức năng đại diện của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ trong các văn bản Đảng.

Hội là tổ chức đại diện cho lợi ích của phụ nữ, là trung tâm tập hợp đoàn kết phụ nữ Việt Nam, hướng dẫn và vận động chị em phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, bình đẳng nam nữ, vì sự nghiệp phát triển và hạnh phúc của phụ nữ, vì sự nghiệp đổi mới, thực hiện dân giầu, nước mạnh, xã hội văn minh. (Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới). Nhận thức được tầm quan trọng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong các nghị quyết, chỉ thị, Đảng ta đã chỉ rõ vai trò đại diện của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: : “Hội Liên hiệp Phụ nữ là một tổ chức quần chúng cách mạng của Đảng, có truyền thống đoàn kết và giác ngộ chính trị cho các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng thời đấu tranh để thực hiện nam nữ bình đẳng, giải phóng phụ nữ” (Nghị quyết số 152/NQ-TƯ ngày 10/01/1967 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề tổ chức, lãnh đạo công tác phụ vận); “Phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ nữ ở cơ sở nông thôn, xí nghiệp và cả trong các cơ quan, trường học vv…” (Nghị quyết số 153/NQ-TW ngày 10-01-1967 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Công tác Phụ nữ); Chỉ thị số 37 ngày 16/05/1994 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới: “Đảng đoàn Hội LHPN các cấp có trách nhiệm giúp cấp uỷ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị”

Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 (khoá VI) khẳng định: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, là một thành tố trong hệ thống chính trị của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chỉ thị số 28 – CT/TW ngày 29-3-1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: “Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm giúp Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo phong trào phụ nữ, đổi mới nội dung, tổ chức và phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ”.

Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ càng được đề cao, trách nhiệm của Hội càng lớn. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhấn mạnh: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phải phấn đấu làm tốt vai trò nòng cốt tham mưu và thực hiện các giải pháp cần thiết để nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, níu kéo nhau, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên để không ngừng tiến bộ, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội. Hội cần phát huy vai trò tích cực trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách đối với phụ nữ và lao động nữ trong các thành phần kinh tế. Hội phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động, hướng dẫn phụ nữ phấn đấu rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, cán bộ, đảng viên nữ cần chủ động, tích cực tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ và giới thiệu quần chúng là phụ nữ ưu tú cho Đảng. Khắc phục tư tưởng an phận, tình trạng níu kéo, không ủng hộ nhau ngay trong nội bộ cán bộ nữ.

Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng "hành chính hóa", hướng mạnh hoạt động về cơ sở, khu dân cư, chăm lo thiết thực quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho hội viên, không phô trương, hình thức, không chạy theo thành tích; phát huy vai trò chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; tham gia đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Hội cần mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng là phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện; đa dạng hóa các hình thức tập hợp để phát triển hội viên trong các lĩnh vực. Có hình thức phù hợp động viên phụ nữ Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết, phát triển, hướng về Tổ quốc.

Quốc hội, cơ quan nhà nước các cấp có cơ chế để Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp chủ động tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án phát triển của quốc gia, bộ, ngành, địa phương.

Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video