Vấn đề bình đẳng giới trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030

08/01/2016
Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) nhất trí thông qua ngày 25/9/2015. Đây là sự tiếp nối của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) được LHQ thông qua năm 2000. Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định, quy tụ được sự vào cuộc của các chính phủ, cộng đồng quốc tế, xã hội dân sự và khu vực tư nhân, nhưng MDGs không bao quát hết các yếu tố thúc đẩy phát triển như kinh tế, xung đột và quản trị công, chưa giải quyết nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo và bất bình đẳng; MDG 8 về hợp tác toàn cầu còn chưa rõ nét, mạnh mẽ...

Bối cảnh phát triển hiện nay đã thay đổi, đó là hội nhập sâu rộng và những diễn biến phức tạp trên toàn cầu, những ưu tiên mới và cấp bách, đặc biệt liên quan tới môi trường bền vững và biến đổi khí hậu, sự khác biệt ngày càng tăng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia, các cuộc xung đột và ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu … Trong bối cảnh đó, LHQ đã đề ra Chương trình Nghị sự 2030 với 17 SDGs bao gồm: 1) Xóa nghèo; 2) Xóa đói; 3) Sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; 4) Giáo dục chất lượng; 5) Bình đẳng giới; (6) Nước sạch và vệ sinh; (7) Năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy; (8) Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; (9) Công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng; 10) Giảm bất bình đẳng; (11) Thành phố và cộng đồng bền vững; (12) Sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm; (13) Bảo vệ hành tinh, ứng phó với biến đổi khí hậu; (14) Cuộc sống dưới nước; (15) Cuộc sống trên mặt đất; (16) Hòa bình và công lý; và (17) Quan hệ đối tác toàn cầu.

Ý tưởng chủ đạo của SDGs là giải quyết mục tiêu còn dang dở - “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tham vọng hơn, giải quyết bất bình đẳng, đảm bảo kinh tế bền vững, môi trường bền vững, xây dựng các xã hội hoà bình và toàn diện...

Bình đẳng và bình đẳng giới được đặt ra như một ưu tiên lớn của SDGs. Vấn đề giới được lồng ghép vào tất các các mục tiêu. Ví dụ SDG 8 “Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững” đưa ra chỉ tiêu ‘Đến năm 2030, đạt được việc làm đầy đủ, hiệu quả và công việc thỏa đáng cho tất cả phụ nữ và nam giới…”.

Đặc biệt có một mục tiêu riêng cho bình đẳng giới - SDG 5: Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái bên cạnh SDG 10 về Giảm bất bình đẳng nói chung. SDG 5 gồm có 6 chỉ tiêu cụ thể: 1) Chấm dứt phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái; 2) Xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái; 3) Xóa bỏ các tập tục có hại; 4) Công nhận việc chăm sóc và việc nhà không được trả công và khuyến khích chia sẻ trách nhiệm trong gia đình; 5) Đảm bảo phụ nữ tham gia đầy đủ, hiệu quả và có các cơ hội bình đẳng để nắm giữ các vị trí lãnh đạo ở tất cả các cấp ra quyết định về chính trị, kinh tế và trong cuộc sống; và 6) Đảm bảo tiếp cận phổ quát với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và quyền tình dục, sinh sản. SDG5 cũng đưa ra 3 cách thức thực hiện, đó là: 1) Cải tổ để trao quyền bình đẳng cho phụ nữ đối với các nguồn lực; 2) Tăng cường sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; và 3) Thông qua và thực hiện các chính sách tốt và pháp luật có tính hiệu lực cao, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả các cấp.

Sắp tới, các nước thành viên cần tích cực nội hóa chương trình nghị sự về bình đẳng giới, cụ thể là vận động chính sách để đảm bảo ưu tiên mục tiêu bình đẳng giới (BĐG) và trao quyền cho phụ nữ trong các chủ trương, chính sách của quốc gia; áp dụng ‘cách tiếp cận toàn bộ chính phủ’, bao gồm cả việc xây dựng cơ chế, bộ máy về bình đẳng giới vững mạnh hơn; lồng ghép giới trong các kế hoạch và chương trình quốc gia một cách tổng thể và theo ngành/lĩnh vực; tăng cường đầu tư cho BĐG; cải thiện công tác thống kê giới và sử dụng số liệu thống kê giới; tăng cường tiếng nói, sự tham gia và lãnh đạo của các tổ chức phụ nữ và tổ chức xã hội trong quá trình giám sát, phản biện và giải trình.

Tất cả các bên liên quan đều có trách nhiệm thực hiện mục tiêu Bình đẳng giới đến năm 2030. Trong đó, Chính phủ với vai trò là người chịu trách nhiệm thực thi cần đóng góp nhiều nhất, đưa mục tiêu BĐG vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Về vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo Toàn cầu về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ tại New York, Mỹ, ngày 27/9/2015 “Bình đẳng giới không chỉ đơn thuần là một mục tiêu, mà là nội dung xuyên suốt Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững. Việt Nam cam kết ưu tiên mọi nguồn lực cần thiết để thu hẹp hơn nữa khoảng cách về giới trên mọi lĩnh vực”.

Với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới, Hội LHPNVN không thể đứng ngoài cuộc Chương trình Nghị sự về Phát triển Bền vững đến 2030. Cán bộ Hội các cấp cần tích cực nghiên cứu, tìm hiểu và tuyên truyền về SDGs, đồng thời góp phần thực hiện tốt SDG 5 thông qua các hoạt động của Hội, đặc biệt là việc tham mưu đề xuất, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới; thúc đẩy phụ nữ tham chính; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin…

Ban Quốc tế- TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video