Vấn đề bình đẳng giới và lao động nữ ở VN: Bất cập từ trong nhận thức

15/09/2008
Dù đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tuy nhiên, bình đẳng giới và nhiều vấn đề khác liên quan đến lao động nữ (LĐN) ở Việt Nam vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập - không chỉ từ thực tế mà cả trong nhận thức từ hai phía...

Lao động nữ vẫn còn nhiều thiệt thòi

Phát biểu tại hội thảo, bà  Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết: "Thúc đẩy và thực hiện các quyền của LĐN, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của họ luôn là mối quan tâm hàng đầu và là một trong những ưu tiên trong hoạt động CĐVN". Tuy nhiên, "công tác LĐN vẫn còn nhiều bất cập, chưa giải quyết tốt những đòi hỏi, bức xúc của NLĐ.

Nhiều chính sách đã quy định, nhưng khi triển khai cũng còn nhiều mặt khó khăn. Trên thực tế, một bộ phận LĐN nói chung vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi về tiền lương, điều kiện làm việc, cơ hội đào tạo, thăng tiến. Điều khoản luật pháp cho dù đã tốt nhất cũng chưa thể mang đến cơ hội thụ hưởng cho phụ nữ, nếu bản thân họ và tổ chức, đơn vị chưa nhận thức và thực hiện đầy đủ".

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu KHKT-BHLĐ trong 5 năm (2002-2007) tại hơn 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trung tâm công nghiệp và làng nghề trên toàn quốc với nhiều ngành sản xuất, nhiều loại hình DN cho thấy: Đa số đều bị ô nhiễm môi trường do tiếng ồn, bụi, khí độc hại... từ nhẹ đến rất nhiều.
 
Một điều tra khác cũng của viện cho biết: Bệnh thường gặp và bệnh có tỉ lệ cao nhất ở LĐN là các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi (40,26%). Tiếp đến là các bệnh liên quan đến không chỉ môi trường, mà còn cả với điều kiện làm việc như: Các bệnh về cơ, xương, khớp; bệnh đường tiêu hoá.

Giải pháp

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, muốn thúc đẩy phát triển bình đẳng giới và cải thiện điều kiện làm việc của LĐN, tổ chức CĐ cần tăng cường hơn nữa nhận thức của nam và nữ lao động tại nơi làm việc về bình đẳng giới thông qua các chương trình tập huấn. Tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào bộ máy các cơ quan lãnh đạo và CĐ các cấp.

Tiếp tục tham gia hoàn thiện các chính sách có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới như chính sách đãi ngộ, đào tạo nghề, xúc tiến việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế gia đình, kinh doanh, chính sách cho LĐ nhập cư.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng nhấn mạnh: "Bên cạnh việc thúc đẩy bình đẳng giới, CĐ phải tập trung thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi của LĐN, thông qua sự thương lượng và xây dựng TƯLĐTT có chất lượng, trong đó có các điều khoản dành riêng cho LĐN...".

PGS-TS Lê Vân Trình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu KHKT - BHLĐ - bổ sung: Trước hết, chúng ta cần "hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý nhà nước. Ngoài những văn bản luật quan trọng như Pháp lệnh BHLĐ, Bộ luật Lao động..., chúng ta cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung những văn bản dưới luật để LĐN thực sự được hưởng những quyền lợi, cũng như thực hiện các nghĩa vụ hợp pháp trong LĐ của mình. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong LĐN về các chế độ chính sách, pháp luật liên quan đến công tác ATVSLĐ.

 Hội thảo về bình đẳng giới và một số vấn đề liên quan đến LĐN tại Việt Nam do Tổng LĐLĐVN - phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức tại Huế trong hai ngày 15 và 16.9. Tham gia hội thảo có bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; bà Elsa Ramos - Cố vấn Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); ông Lương Phan Cừ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội; PGS-TS Lê Vân Trình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu KHKT-BHLĐ; cùng lãnh đạo 12 LĐLĐ khu vực miền Trung - từ Nghệ An đến Ninh Thuận.


.

Theo Hoàng Văn Minh - Lao Động số 213.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video