Vấn đề Phụ nữ khuyết tật trong Khuôn khổ hành động thiên niên kỷ Biwako

13/12/2007
Tháng 5/2002, Uỷ ban Kinh tế- Xã hội khu vực Châu á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UN ESCAP) đã thông qua Nghị quyết “Thúc đẩy một xã hội hoà nhập, không vật cản và vì quyền của người tàn tật khu vực Châu á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21”. Theo đó, Thập kỷ về Người khuyết tật khu vực Châu á - Thái Bình Dương (1993- 2002) được kéo dài thêm một thập kỷ nữa từ 2003- 2012.

Tháng 10/2002, tại Biwako Nhật bản, Hội nghị cấp cao liên Chính phủ đã được tổ chức nhân kết thúc Thập kỷ về Người khuyết tật nêu trên. Hội nghị đã thông qua “Khuôn khổ hành động thiên niên kỷ Biwako hướng tới một xã hội hoà nhập, không vật cản và vì quyền của người khuyết tật khu vực Châu á - Thái Bình Dương” và coi đây là định hướng chính sách trong thập kỷ mới.

Khuôn khổ Biwako đã xác định 7 lĩnh vực hành động ưu tiên, trong đó vấn đề phụ nữ khuyết tật là lĩnh vực ưu tiên thứ 2.

Phụ nữ khuyết tật là một trong số các nhóm yếu thế nhất trong xã hội bởi các lý do về giới tính, khuyết tật và trong số những người nghèo thì họ chiếm số đông. Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thường bị phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới và trẻ em trai khuyết tật. Họ ít được chăm sóc sức khoẻ, học văn hóa, học nghề cũng như ít được tiếp cận với các cơ hội việc làm tạo ra thu nhập và hiếm khi được tham gia các hoạt động xã hội của cộng đồng. Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thường gặp nhiều rủi ro như bị lạm dụng tình dục, bị từ chối quyền được sinh con và rất ít cơ hội lập gia đình. Ngay trong một số tổ chức “tự lực” của người khuyết tật ở các nước trong khu vực, phụ nữ khuyết tật phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nhiều hơn. Tỷ lệ phụ nữ khuyết tật tham gia trong những tổ chức như vậy cũng ít hơn so với nam giới và gần như không thấy họ trong vai trò lãnh đạo hay điều hành. Mối quan tâm của họ chưa được đưa vào chương trình của các tổ chức “tự lực”. Phụ nữ trẻ khuyết tật thường không được tham gia các khoá đào tạo kỹ năng quản lý, càng không được tham gia những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới. Những khó khăn của họ không được nêu cụ thể mà chỉ chung chung là họ cần được quan tâm đặc biệt và họ còn thiếu kỹ năng vận động để thay đổi thực trạng.

Với những lý do trên, các chính phủ cần có trách nhiệm đặc biệt trong việc điều chỉnh tình trạng bất cân bằng, cung cấp những dịch vụ hỗ trợ cần thiết và thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của phụ nữ khuyết tật trong quá trình phát triển. Khuôn khổ hành động Biwako đã đề ra 3 mục tiêu để giải quyết những vấn đề liên quan tới phụ nữ khuyết tật là:

- Các Chính phủ phải có các biện pháp thích hợp ngăn ngừa sự phân biệt đối xử nhằm bảo vệ phụ nữ khuyết tật.

- Các tổ chức “tự lực” của người khuyết tật ở cấp quốc gia cần có chính sách thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và cân bằng của phụ nữ khuyết tật trong những hoạt động của mình, kể cả việc tham gia vào các khoá đào tạo về kỹ năng tổ chức và quản lý.

- Phụ nữ khuyết tật cần phải được tham gia vào các hoạt động của Hội phụ nữ ở cấp quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Khuôn khổ cũng đã chỉ ra 12 hành động cần thiết, trong đó đặc biệt đề cao vai trò của các tổ chức “tự lực”.

                                                                    Huy Nghĩa (Tổng hợp từ tài liệu của Hội thảo về Người khuyết tật khu vực Châu á - Thái Bình Dương)

VOV

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video