Văn hóa mới trong sử dụng phương tiện giao thông

18/11/2020
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cán bộ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông tại đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Từ khi Luật và Nghị định 100 có hiệu lực, ý thức người tham gia giao thông dần thay đổi, đã hình thành một nét văn hóa mới trong sử dụng phương tiện giao thông. Nhiều người đã quay sang sử dụng phương tiện công cộng, taxi, xe ôm… sau khi sử dụng đồ uống có cồn thay vì cố lái xe như trước đây.

Hiệu quả

Từ năm 2019 trở về trước, tai nạn giao thông (TNGT) là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước có từ 8.000 đến 10.000 người chết vì TNGT. Trong đó, đa số người bị tai nạn đang trong độ tuổi lao động, gây nhiều hệ lụy cho xã hội và gia đình. Nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu gây ra TNGT là do người tham gia giao thông gây ra chiếm 80%. Trong đó, 22,9% chạy quá tốc độ quy định, 14% tránh vượt sai quy định, 3,8% say rượu, bia lái xe,…

Trước tình hình trên, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo đó, Nghị định tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể, tăng mức phạt tối đa với người đi ôtô có nồng độ cồn lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Nghị định đề ra quy định mới về xử phạt đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở bị phạt tước GPLX từ 10 - 12 tháng và phạt tiền cao nhất từ 6-8 triệu đồng.

Sau khi Luật và Nghị định 100 có hiệu lực, việc quyết liệt xử lý các vi phạm về nồng độ cồn của lực lượng chức năng và ý thức "đã uống rượu, bia thì không lái xe" của đa số người dân đã mang lại hiệu quả tích cực. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 10.354 vụ TNGT, làm chết 4.876 người, bị thương 7.609 người. So với cùng kỳ năm 2019, trong 9 tháng đầu năm nay TNGT đã giảm sâu trên cả 3 tiêu chí. Trong đó, số vụ TNGT năm nay giảm 2.321 vụ, số người chết giảm 783 người, số người bị thương giảm 2.010 người.

"Từ khi Luật và Nghị định có hiệu lực, chồng tôi đã cẩn thận hơn. Anh ấy đã từ chối mọi cuộc nhậu ở xa, dù uống rượu bia ở gần thì chỉ rất ít và đặt xe taxi về để vừa tránh bị xử phạt, vừa an toàn. Tôi ở nhà yên tâm hơn nhiều. Chỉ có các quán nhậu là thưa vắng khách hơn thôi, vì mọi người đều dè chừng và cẩn trọng", chị Lê Thị Hoa (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.

"Chồng tôi có thói quen la cà bia bọt cùng bạn bè. Trước đây, mỗi tuần cũng đến 3-4 buổi chiều ông ấy đi nhậu, bỏ cơm tối. Tôi cằn nhằn, nói mãi nhưng ông ấy vẫn không bỏ được. Từ ngày có quy định xử phạt mới, ông ấy ít đi nhậu hơn mà về nhà ăn cơm. Từ đó, gia đình tôi đã có những bữa cơm đông đủ, lại không phải lo chồng say xỉn, đi lại mất an toàn", chị Trần Thị Huyền (quận Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ.

Tăng cường công tác tuyên truyền Luật và Nghị định số 100

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết, số vụ TNGT trong thời gian qua giảm do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, phần lớn do việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100.

Theo ông Hùng, những ngày đầu Nghị định 100 có hiệu lực đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, đến nay Nghị định số 100 đã được người dân ủng hộ và đánh giá cao. Hiện nay, đã hình thành một nét văn hóa mới trong sử dụng phương tiện giao thông. Nhiều người đã quay sang sử dụng phương tiện công cộng, taxi, xe ôm sau khi sử dụng đồ uống có cồn.

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành, qua giám sát, ông nhận thấy Luật có tác dụng tích cực đến ý thức xã hội trong việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông. Theo đó, nhận thức người dân tăng lên, nhiều người không còn tự điều khiển phương tiện sau khi uống đồ có cồn. Thậm chí, nhiều người từ chối các cuộc gọi mời nhậu của bạn bè, đồng nghiệp,...

Theo ông Lợi, để Luật tiếp tục phát huy hiệu quả thì điều cốt yếu là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về giao thông của các tầng lớp nhân dân. Để làm được điều này, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng vùng miền, khu vực dân cư; tập trung tuyên truyền tới những đối tượng có nguy cơ cao.

 Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền, song cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của toàn xã hội. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát xử lý các hành vi vi phạm để hướng tới sự thay đổi hành vi của người dân.

Đồng quan điểm với ông Lợi, nhiều chuyên gia cho rằng, Luật và Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã khiến ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện tăng lên. Người dân tuân thủ quy tắc "đã uống rượu, bia thì không lái xe" góp phần làm giảm tai nạn giao thông, giảm bớt những hệ lụy không đáng có. Như vậy, Luật và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã đi vào thực tiễn, về lâu dài sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện cho con người.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video