Vẹn nguyên một tấm lòng thủy chung

01/08/2017
Ở bà, sự rắn rỏi vượt qua nỗi đau giúp bà tìm được niềm vui trong cuộc sống có lẽ chính là niềm tự hào về chặng đường mình đã đi qua.

“Ông ấy đã hy sinh tuổi trẻ, dòng máu đào thấm vào lòng đất mẹ để thêm nguồn mạch cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do thì tôi cũng có thể hy sinh hạnh phúc riêng để trọn một đời thờ chồng, chăm con” – bà Nguyễn Thị Cõn, thôn Xuân Hòa, xã Tân Quang (Bắc Quang) nghẹn ngào gạt dòng nước mắt khi có người gợi chuyện về tình yêu giữa bà và liệt sỹ Phạm Văn Thành, cách đây gần nửa thế kỷ.

Khi tuổi vừa tròn 19, cô thôn nữ Nguyễn Thị Cõn và chàng trai cùng quê Phạm Văn Thành chớm nở tình yêu đôi lứa. Nhưng một ngày: “Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào/ Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” (lời nhà thơ Nguyễn Mỹ)... Do vậy, gác lại hạnh phúc riêng, năm 1969, chàng trai trẻ Phạm Văn Thành khoác ba lô lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc... Để chuẩn bị cho hành trình Nam tiến, chi viện sức người cho chiến trường miền Nam, Phạm Văn Thành đã trải qua khóa huấn luyện quân (dự bị) nghiêm ngặt tại huyện Đại Từ (Bắc Thái – nay thuộc tỉnh Thái Nguyên). Tình yêu trong xa cách “khi Tổ quốc cần” đã tạo “chất keo” cho tình cảm của ông, bà thêm son sắt. Năm 1971, nhân một lần được về phép, ông Thành và bà Cõn đã có buổi Lễ thành hôn giản dị nhưng đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình và người thân. “Cũng đúng thời gian này, tôi may mắn mang trong mình giọt máu thiêng liêng của ông ấy – là con trai Phạm Văn Toàn bây giờ”, bà Cõn xúc động.

“Khi tôi mang thai tháng thứ 4 và đây cũng là lần duy nhất sau ngày cưới tôi được gặp lại ông Thành. Khi ấy, ông có nói với tôi, ông và đồng đội chuẩn bị hành quân vào Nam. Nhưng không ngờ, đây lại là lần cuối cùng tôi còn được gặp ông ấy” – bà Cõn rưng rưng nước mắt... Trong quá trình đi bộ, hành quân vào Nam, ông Thành thường viết thư gửi về cho bà. Nhưng có khi, thư ông viết, mãi 3 tháng sau mới đến tay bà. Nội dung thư, ông nhiều lần hỏi: “Vợ sinh con hay chưa?”, “Con chúng ta là trai hay gái?”. Rồi mỗi lá thư của ông đều nhòe đi vì nước mắt của bà. Bởi ông đang trên đường Nam tiến, không dừng ở một địa chỉ cụ thể nên bà chỉ có thể nhận thư mà không hồi âm...

Thời gian lặng lẽ trôi, một ngày Thu tháng 9.1973, khi con trai vừa qua sinh nhật 1 tuổi thì bà Cõn nhận Giấy báo tử; ông Thành hy sinh tháng 10.1972 khi tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. “Một tay ôm con, một tay cầm Giấy báo tử. Đất trời như sụp đổ dưới chân tôi. Đau xót lắm. Vì ông ấy ra đi khi chưa biết mình có con trai hay gái và con ông còn chưa một lần được gọi tiếng “bố ơi” như bao đứa trẻ khác” – bà Cõn nghẹn ngào. Rồi bà tự nhủ: Sự hy sinh của ông cao quý biết chừng nào. Vì lịch sử mãi khắc ghi trận chiến oanh liệt 81 ngày đêm “máu và hoa” của quân và dân ta để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Khép lại đau thương, một mình bà Cõn trải qua đủ thứ nghề từ trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán,... để nuôi dạy con trai duy nhất của Liệt sỹ Phạm Văn Thành trưởng thành. “Tuổi trẻ, một mình nuôi con trong bối cảnh đất nước còn vang tiếng súng và cuộc sống chất chồng gian khó như bà Cõn cách đây gần nửa thế kỷ, nếu không phải là nghị lực, đức hy sinh và tấm lòng thủy chung, son sắt thì khó có thể làm được điều đó” – bà Hoàng Thị Mùi (thôn Xuân Hòa) bày tỏ sự cảm phục trước tấm lòng thủy chung dành vẹn nguyên cho chồng của bà Cõn... Khi tuổi còn trẻ và thậm chí bây giờ, tuổi gần “thất thập cổ lai hy” nhưng nhiều người vẫn ngỏ ý thương bà, muốn cùng bà nương tựa tuổi già. Song, bà Cõn đều từ chối. Vì trong lòng bà mãi vẹn nguyên tấm lòng son sắt “thủ tiết” thờ chồng, nuôi con. Bà bảo, giờ đây, bà có thể tự hào nhắn gửi với chồng nơi phương trời xa, rằng: Con trai duy nhất của ông đã xây dựng mái ấm hạnh phúc và là người con hiếu nghĩa, được hàng xóm quý mến. 3 cháu nội đều được bà và các con chăm sóc, nuôi dạy để trở thành công dân có ích cho xã hội. Đặc biệt, cháu gái nội đầu tiên đã là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội. Còn về bản thân bà, còn sức khỏe, bà còn lao động để trang trải cuộc sống; từ chăn nuôi hàng trăm con gia cầm, chăm sóc vườn cây ăn quả, cây lấy gỗ đến nhận trông con trẻ một cách nhiệt tình, trách nhiệm và giàu tình thương...

Nắng chiều nhạt dần, nhưng trong ngôi nhà của bà Cõn vẫn bi bô tiếng trẻ gọi “bà ơi”. Rồi bà tất bật chăm sóc từng bé mà không quên nở nụ cười hiền hậu. Có lẽ, ở người phụ nữ này, sự rắn rỏi vượt qua nỗi đau đã giúp bà tìm được niềm vui trong cuộc sống để từng thời khắc trôi, bà luôn tự hào về chặng đường mình đã đi qua.

BHG

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video