Vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em

31/05/2019
Cùng với cả nước, thời gian gia Hà Nội đã có nhiều hoạt động hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em...

Nhiều mô hình hoạt động để bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Cùng với các địa phương trong cả nước, thời gian qua, TP Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, mô hình hoạt động để bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái - đối tượng chịu nhiều tổn thương do bị xâm hại, bị bạo lực gia đình (BLGĐ).

Cụ thể, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng 3.168 nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Từ năm 2013 đến nay, TP Hà Nội còn phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện hai dự án “Thành phố an toàn cho trẻ em gái” và “Hành trình an toàn cho phụ nữ tại đô thị” nhằm tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho hơn 1.000 cán bộ giao thông; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, quấy rối tình dục ở những nơi công cộng cho hàng vạn phụ nữ, trẻ em gái. 

Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN Hà Nội đã xây dựng và thực hiện nhiều đề án, mô hình để bảo vệ phụ nữ và trẻ em chống lại bạo lực, xâm hại. Năm 2018, Hội triển khai thực hiện Đề án 938 của Chính phủ về tuyên truyền, giáo dục, vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trên địa bàn TP Hà Nội. Năm 2019, nhiều chủ đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em, Vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em” trong gia đình, trong trường học, nơi làm việc công cộng như phòng chống BLGĐ, phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống mua bán người...

 

 Đại diện Hội LHPN huyện Ba Vì và Ban ATGT và trao mũ bảo hiểm cho học sinh huyện Ba Vì


Một số chỉ tiêu cụ thể trong năm cũng được đặt ra như: 90.000 hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành luật; về giáo dục làm cha mẹ; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới...; 80% cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia triển khai Đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội; 20.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, BLGĐ sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực; 30% xã phường, thị trấn xây dựng được ít nhất 1 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giám sát, phản biện, đề xuất chính sách, giải quyết vụ việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái...

Báo Phụ nữ Thủ Đô đồng hành xây dựng môi trường sống an toàn

Thời gian vừa qua, vụ việc trẻ em, phụ nữ bị quấy rối tình dục khi đi thang máy, ngõ hẹp... đã gây chấn động dư luận. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội, phụ trách Báo, là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội, Báo luôn trăn trở, mong muốn cộng đồng hãy quan tâm nhiều hơn nữa vì sự an toàn của của phụ nữ và trẻ em, báo Phụ nữ Thủ đô đã mở nhiều chuyên mục, phát động các cuộc thi như pháp luật và đời sống, viết về các vấn đề gia đình thời nay… để cùng các cấp Hội tham gia tuyên truyền phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em vì sự an toàn cho phụ nữ trẻ em và mỗi người dân trong cộng đồng.
Ngày 23/5, Báo PNTĐ phối hợp với Hội LHPN huyện Ba Vì và Ban An toàn giao thông Hà Nội tổ chức buổi tuyên truyền với chủ đề “Chủ động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em” tại trường THCS Chu Minh, THCS Tản Đà, huyện Ba Vì.

 

 Báo PNTĐ vừa trao tặng sách cho trường THCS Chu Minh

Nội dung tuyên truyền nhằm giúp cho phụ nữ, trẻ em có kỹ năng nhận diện, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, bạo lực học đường và xâm hại tình dục, đồng thời cung cấp địa chỉ tin cậy để các em có thể tìm đến khẩn cấp khi có sự việc bạo lực, xâm hại xảy ra. Các em được tương tác bởi những câu hỏi của báo cáo viên về nhận diện bạo lực, xâm hại; cách phòng ngừa và ứng phó khi bạo lực, xâm hại xảy ra. “Ai cũng có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Việc cha mẹ dạy con bằng đấm, đá, mắng chửi, miệt thị, so sánh giữa các con... cũng là một dạng của bạo lực, gây tổn hại về tâm lý và sức khỏe của trẻ. Các chị em phụ nữ cần xây dựng một môi trường sống an toàn cho trẻ bằng việc chính bản thân cũng phải phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình” - bà Ngọc Anh cho biết.

Cùng hai con đến buổi tuyên truyền, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trước rất nhiều thông tin về các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em xảy ra gần đây, ông vô cùng hoang mang và lo lắng cho sự an toàn của các con. “Những kỹ năng mà báo cáo viên truyền đạt giúp tôi tháo gỡ vướng mắc trong việc giúp con phòng ngừa, ứng phó với xâm hại, bạo lực. Tôi mong muốn có nhiều buổi tuyên truyền hơn nữa đến từng người dân” - ông Thắng nói. 

Em Thái Thị Bình Trang - học sinh lớp 8 chia sẻ, trước đây, bố mẹ thường nhắc nhở em khi gặp người lạ thì cố tránh xa, chạy trốn và báo cho người lớn... Nhưng sau buổi hôm nay, em còn biết thế nào là hành vi xâm hại, hoặc gọi đến số điện thoại 113, 111 để tìm sự trợ giúp khẩn cấp.

Cùng với hoạt động tuyên truyền về những kiến thức phòng chống xâm hại, bạo lực, tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, báo PNTĐ cũng đã dành tặng nhà trường một tủ sách pháp luật, giáo dục kỹ năng sống để học sinh, thầy cô giáo có thể trang bị thêm kiến thức về phòng chống xâm hại và bạo lực. Bên cạnh đó, báo PNTĐ cũng đã phối hợp với Ban An toàn giao thông TP Hà Nội trao tặng 250 mũ bảo hiểm cho học sinh của trường để các em có thể an toàn đến trường mỗi ngày. 

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video