Vì một cuộc sống bình đẳng

24/10/2009
Vấn đề nam nữ bình quyền càng được chú trọng trong giai đoạn đất nước hội nhập, thế nhưng trên thực tế nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) ngày càng gia tăng. Nguyên nhân sâu xa vẫn là phụ nữ chưa thật sự được “bình đẳng” với nam giới.

Bạo lực “gõ cửa” nhiều gia đình

Theo thống kê của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Nam, từ tháng 9-2008 đến tháng 10-2009, tòa đã thụ lý 1.150 vụ ly hôn, giải quyết 1.140 vụ. Trong đó, số vụ ly hôn do BLGĐ chiếm hơn 56%. Con số này cho thấy tình trạng ly hôn do BLGĐ đang diễn biến nghiêm trọng, dưới nhiều hình thức. Nguyên nhân chủ yếu là do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại đã kéo theo sự bất bình đẳng nam nữ. Trước đây, những phụ nữ bị hành hạ chủ yếu sống phụ thuộc vào người chồng. Ngày nay, dù vai trò của phụ nữ thay đổi, song trên thực tế BLGĐ vẫn “gõ cửa” nhiều gia đình. Trong số các vụ BLGĐ được ghi nhận thì có hơn phân nửa bạo lực về thể xác, kế đến là bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực tình dục.

BLGĐ không chỉ xảy ra ở những vùng nông thôn với những người có trình độ học vấn thấp; nhận thức về xã hội, pháp luật kém, mà thậm chí còn ở những gia đình có trình độ học vấn cao, có địa vị xã hội. Ngay trên địa bàn TP.Tam Kỳ, tại một cuộc tọa đàm về BLGĐ vừa được tổ chức, cũng ghi nhận trong 200 vụ án hôn nhân gia đình (năm ngoái) thì có đến 41 vụ án do BLGĐ. Tuy nhiên, con số này chưa hẳn đã phản ánh đúng thực tế. Nhiều trường hợp các chị em che giấu, âm thầm chịu đựng; một số bị đánh đập quá mức thì đến tâm sự với cán bộ hội, không muốn công khai. Bên cạnh đó, các huyện như Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn... tình trạng ly hôn do bạo lực cũng chiếm tỉ lệ cao. 

“Bạo lực gia đình đã vi phạm đến quyền con người, danh dự và tính mạng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thậm chí nó còn xói mòn đạo đức, ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai”
Bà Đoàn Thị Mỹ Nương - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

Hạnh phúc gia đình của anh chị N.X.T và N.T.B (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) bắt đầu rạn nứt từ lúc chị B. sinh đứa con gái thứ 4. Kinh tế gia đình khó khăn, chị phải buôn bán nhiều nghề để nuôi con. Người chồng không thương lại luôn rượu chè với lý do chị không sinh đứa con trai để nối dòng. Ngày nào chị cũng bị người chồng say xỉn đánh đập. Không chịu nổi những trận đánh “thẳng tay” của anh, chị đưa đơn ra tòa. Giờ thì mỗi người nuôi 2 đứa con nhỏ… Hay câu chuyện của chị Đ.T.S (TP.Tam Kỳ) ai nghe cũng đều xót xa. Suốt 5 năm trời phải chịu cảnh bị đánh đập do chồng nghe lời cô bồ trẻ suốt ngày về nhà hành hạ vợ con. Đầu tháng 6, lá đơn ly hôn đã được ký, nhưng với chị S. vết thương về thể xác và tinh thần không biết đến bao giờ mới lành lại.

Tiêm vắc xin cho… bạo lực gia đình

Bà Đoàn Thị Mỹ Nương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, nhiều gia đình đã không nhận thức được đầy đủ ý nghĩa trong việc xây dựng gia đình văn hóa, xâm hại đến nhân phẩm, tinh thần và thể xác con người mà nguyên nhân chính là do BLGĐ. Nghiêm trọng hơn, BLGĐ đã vi phạm đến quyền con người, danh dự và tính mạng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thậm chí nó còn xói mòn đạo đức, ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai. Cũng theo bà Nương, BLGĐ trước hết xuất phát từ mối quan hệ quyền lực không bình đẳng giữa người chồng và người vợ. Người chồng luôn xem mình là chủ gia đình, điều hành mọi việc mà không ai có quyền can thiệp vào. Hơn 56% vụ ly hôn do BLGĐ là con số đáng báo động. 

Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng BLGĐ là do chưa có sự quan tâm đúng mức từ nhiều phía, cứ xem BLGĐ là… việc riêng của mỗi gia đình. Chỉ những người bức xúc lắm mới đi báo chính quyền, khi đó các cấp liên quan mới vào cuộc để hòa giải. “Cần phải tiêm vắc xin cho căn bệnh này!” - bà Nương ví von. Để đạt được yêu cầu này, rất cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, của từng địa bàn dân cư. Các hình thức xử lý chủ yếu hiện mới chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, khuyên răn, giáo dục… nên cần có cách xử lý nghiêm minh hơn.

Hội LHPN tỉnh những năm qua chú tâm “tiêm vắc xin” bằng nhiều cách, trong đó có tuyên truyền bằng nhiều hình thức như sân khấu hóa (để đưa Luật Hôn nhân gia đình vào cuộc sống). Thông qua các dự án, vấn đề quan tâm đến giới và bình đẳng giới được chú trọng nhiều nhất. Các hội thi phụ nữ với gia đình, những ngày kỷ niệm như Quốc tế phụ nữ 8-3, truyền thống Hội LHPN Việt Nam 20-10 đều lồng ghép các chương trình bình đẳng giới. Ở những cơ sở hội cũng xây dựng mô hình “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình hạnh phúc”, “Mẹ chồng, nàng dâu”. Các chương trình lồng ghép giới vào phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức làm mẹ, làm vợ, tập trung xóa đói giảm nghèo...

Tuy nhiên, để phòng và chống BLGĐ cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp chính quyền. Không chỉ tuyên truyền riêng đối với các chị em phụ nữ, mà cần nhân rộng đến mọi đối tượng. Đặc biệt hơn, cần phải “để mắt” lắng nghe, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của phụ nữ nhiều hơn nữa. “Người chồng cần phải biết chia sẻ công việc cùng với người vợ, để chị em đỡ vất vả có điều kiện hoàn thiện mình hơn, làm nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội” - bà Đoàn Thị Mỹ Nương tâm sự.

Theo báo Quảng Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video