Vì mục tiêu xoá đói giảm nghèo

20/06/2006
Thiếu vốn, thiếu kiến thức là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn 2/3 số hộ nghèo của cả nước thuộc về khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó lao động nữ chiếm gần 70%. Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT-2000 về “tổ chức thực hiện cho vay vốn đối với phụ nữ” được ký kết giữa Hội LHPN Việt Nam và Ngân hàng NN&PTNN Việt Nam đã tạo cơ hội và luồng sinh khí mới trong đời sống xã hội cũng như trên mặt trận đầy khó khăn này.

Khi người dân có vốn

 

Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT-2000, trong 5 năm đã có 1.758.310 lượt phụ nữ được vay gần 10.000 tỷ đồng, bình quân mỗi phụ nữ được vay trên 5,9 triệu đồng. Điển hình là các tỉnh: Thanh Hoá (350 tỷ đồng), Nam Định (275 tỷ đồng), Hà Tĩnh (273 tỷ đồng), Hải Dương (255 tỷ đồng). Một số tỉnh có số dư nợ trên 100 tỷ đồng là: Nghệ An, Bắc Giang, Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hoà Bình, Thái Nguyên…Một số huyện có số dư nợ cao như: Hạ Hoà (Phú Thọ) đạt 21 tỷ đồng, chiếm trên 70% tổng dư nợ của tỉnh; huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) dư nợ trên 40 tỷ đồng; Hiệp Hoà (Bắc Giang) có 100% số xã tín chấp, đạt số dư nợ trên 48 tỷ đồng. Vốn vay nhiều nhưng tỷ lệ hoàn trả luôn đạt cao (99%), một số tỉnh đạt 100%. Tiêu biểu như Hưng Yên, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,02%, Nam Định 0,12%, Bắc Ninh 0,15%, Nghệ An 0,43%, Tiền Giang 0,49%…Một số địa phương tuy số dư nợ chưa thật cao nhưng không có nợ quá hạn là: Tuyên Quang, Sơn La, Vĩnh Phúc, huyện Thanh Trì (Hà Nội)….

 

Là tỉnh đông dân, dân số gần 3,7 triệu người, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34,7%, trong đó số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ chiếm 20,2% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết liên tịch 02 đã có 49.412 lượt phụ nữ Thanh Hoá được vay với số vốn trên 350 triệu đồng. Nguồn vốn này được chị em đầu tư chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển kinh tế trang trại. Sau 5 năm thực hiện đã có 7.000 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, một số hộ đã vươn lên làm giàu. Đặc biệt, chi Hội phụ nữ xóm Đông Bắc, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn trong năm 2005 đã có 68 hội viên vay với tổng dư nợ 755 tỷ đồng, đầu tư cải tạo ruộng cói, mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh doanh, mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất TTCN…100% chị em sử dụng vốn hiệu quả, thu lãi từ 15-30 nghìn đồng/1 triệu đồng/tháng. Nhiều chị mở tổ hợp sản xuất quại, lõi, dệt chiếu, mỗi năm trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 15-20 triệu đồng. Mỗi năm có 3-4 hộ thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo toàn xóm từ 14% năm 2000 xuống còn 7,5% năm 2004 theo tiêu chí cũ.

 

Nằm phía tây của tỉnh Hà Tĩnh, trình độ dân trí thấp, có 5 xã rẻo cao, tiếp giáp với nước bạn Lào, trong 5 năm toàn huyện Hương Khê đã có 8.794 lượt hộ được vay vốn với doanh số cho vay hơn 103 tỷ đồng, tỷ lệ trả lãi đạt 96%, góp phần đưa mức thu nhập bình quân đầu người năm 2005 lên 4,1 triệu đồng, tăng 1,3 triệu đồng so với năm 2001. Sản lượng lương thực từ 15.539 tấn tăng lên 21.540 tấn, bình quân lương thực đầu người tăng từ 145,6 kg lên 201,8 kg. Nhiều chị đã mạnh dạn vay gần 100 triệu đồng cho thu lãi hàng chục triệu đồng/năm.

 

Nuôi chí làm giàu

 

Từ những số vốn nhỏ nhoi ban đầu: 1 triệu, 2 triệu, các chị đã nung nấu quyết tâm thoát nghèo bằng sự cần cù chịu khó, năng động, sáng tạo bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Vượt qua những mặc cảm, tự ti của phận nghèo, nhiều chị đã trở thành những người chủ có cơ ngơi hàng tỉ đồng, người chủ trang trại có hàng chục ha đất với hàng ngàn cây, con có giá trị kinh tế cao, những chủ doanh nghiệp giải quyết cho hàng trăm lao động có việc làm, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấukinh tế nông nghiệp, nông thôn, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

 

Điển hình là chị Nguyễn Thị Huyền, xã Mễ Sở (Hưng Yên), được Ngân hàng cho vay 20 triệu đồng, chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi lợn, năng động tìm thị trường tiêu thụ. Sau chuỗi ngày vất vả, thành công đã đến với gia đình chị. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, sản phẩm đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Chỉ sau 2 năm, chị đã trả hết nợ ngân hàng, tiếp tục đầu tư, duy trì, phát triển mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc. Đến nay trang trại của chị đã có trên 1.000 con lợn, cả lợn nái và lợn thịt với số tài sản và vốn trên 1 tỷ đồng. Trở thành người khá giả, chị còn tích cực làm việc thiện, cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi cho trên 100 gia đình trong xã.

 

Khởi nghiệp với số vốn vay 3 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Kim Phượng, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả xen hoa màu, kết hợp trồng rừng. Do tích cực học hỏi, chăm chỉ làm ăn, mô hình kinh tế vườn rừng đã đem lại cho gia đình chị thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, năm 2004 tăng lên 100 triệu đồng. Kinh tế phát triển, 2 con của chị chăm ngoan, học giỏi và đều đỗ đại học. Mỗi năm chị còn ủng hộ các quỹ nhân đạo, từ thiện 15 triệu đồng.

 

Sinh ra tại một huyện nghèo (Bố Trạch - Quảng Bình), không lùi bước trước đói nghèo, nhờ chịu thương chịu khó, lại được Ngân hàng cho vay vốn, chị Nguyễn Thị Bản, xã Thanh Trạch quyết định làm kinh tế từ việc thu mua cá mực sơ chế, sau đó bán cho người tiêu dùng. Nhờ biết tính toán làm ăn, chị đã có số vốn 2,5 tỷ đồng, vừa đầu tư vốn cho 50 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, vừa thu mua hải sản, xây dựng được xưởng chế biến hải sản xuất khẩu, giải quyết cho 30 lao động có việc làm thường xuyên với mức thu nhập 700 nghìn đồng/người/tháng. Số tiền lãi của chị mỗi năm lên tới 100-150 triệu đồng.

 

Bên cạnh những gương mặt điển hình nêu trên còn có rất nhiều chị em phụ nữ bằng ý chí, nghị lực và lòng tự trọng đã không cam chịu đói nghèo, vượt qua thử thách, khó khăn, vươn tới cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Với tấm lòng “thương người như thể thương thân”, nhiều chị đã giúp không ít phụ nữ nghèo có cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Để ngày càng có nhiều phụ nữ thoát nghèo, làm giàu

 

Phát triển kinh tế nông nghiệp, ngành nghề ở nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, trong đó có nhiều hộ nghèo do phụ nữ làm chủ là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển của đất nước. Để ngày càng có nhiều phụ nữ thoát nghèo, Hội LHPN Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam cần tăng cường các hoạt động phối hợp, đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng cho vay theo Nghị quyết liên tịch số 02, đặc biệt là đối với những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mô hình sản xuất cây, con có giá trị kinh tế cao, mở mang ngành nghề, khôi phục nghề truyền thống. Đặc biệt, cần nhân rộng các điển hình tiên tiến, phổ biến kinh nghiệm hay trong hoạt động vay vốn và sản xuất kinh doanh. Khi có vốn, đẩy mạnh các hoạt động lồng ghép nội dung sinh hoạt Hội với chuyển giao KHKT. Phấn đấu trong các năm tới tăng trưởng bình quân 20-25% số tổ vay vốn, 20-30% dư nợ và nâng mức dư nợ từ 5,9 triệu đồng/thành viên hiện nay lên 8-10 triệu đồng.

 

 

 

 

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video