Việt Nam đạt những bước tiến lớn về bình đẳng giới

13/07/2005
Sáng 11/7, Ủy ban Dân số-Gia đình và Trẻ em, UBND TP Hà Nội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tổ chức mít-tinh trọng thể kỷ niệm Ngày dân số thế giới 11-7.

Năm nay Quỹ Dân số thế giới chọn “bình đẳng” là chủ đề trọng tâm cho ngày kỷ niệm này nhằm một lần nữa nhấn mạnh và nêu cao quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa con người, đặc biệt là bình đẳng nam nữ.

 

Nhờ vậy, vị thế người phụ nữ Việt Nam không ngừng được nâng cao. Phụ nữ không những được bình đẳng với nam giới về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trong gia đình, mà còn tham gia học tập, lao động, sản xuất, công tác, được chữa bệnh, nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, và làm tròn bổn phận người mẹ, người công dân.


Với tỷ lệ hơn 50% số dân, chiếm gần 50% lực lượng xã hội của đất nước, trải qua các thời kỳ lịch sử, phụ nữ luôn luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyền bình đẳng của phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực việc làm, có nhiều tiến bộ. Phụ nữ được tạo nhiều cơ hội việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống bản thân và gia đình. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó lực lượng lao động nữ chuyển dịch từ lao động nông, lâm, ngư nghiệp sang các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ lệ đáng kể. Hằng năm có tới 40% số lao động nữ, trong tổng số lao động được giải quyết việc làm. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn được cải thiện, phụ nữ chưa có việc làm ở khu vực thành thị giảm nhanh. Hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn trong chương trình quốc gia xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm ngày càng tăng. Ðến nay, cả nước có 1,3 triệu phụ nữ được vay vốn phát triển sản xuất tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, với tổng số vốn 5.134 tỷ đồng.


Theo nhận định của Ban Thống kê Liên hợp quốc, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc đảm bảo bình đẳng. Điều này thể hiện rõ trong lĩnh vực giáo dục khi tỷ lệ bé gái bậc tiểu học đạt 92%; tỷ lệ nữ giới biết đọc biết viết đạt 86,9%, trong khi nam giới là 93,9%. Số phụ nữ tốt nghiệp đại học và sau đại học ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước. Ðó là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

Việt Nam cũng đã cam kết cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chất lượng dân số thông qua việc thực hiện Chiến lược dân số Quốc gia giai đoạn 2001-2010, Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch tổng thể Làm mẹ an toàn và chính sách y tế miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi.

Theo TTXVN & báo Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video