Việt Nam, 20 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS

23/12/2010
Thực trạng của đại dịch HIV/AIDS đã và đang là mối hiểm họa đe dọa tới cuộc sống của con người, trong đó đối tượng chịu nhiều tác động ảnh hưởng nhất là phụ nữ và trẻ em. Đã 20 năm kể từ ngày Việt Nam chính thức đương đầu với căn bệnh thế kỷ này…

Những con số biết nói

Tính đến 31/12/2009, ở Việt Nam, tổng số trường hợp nhiễm H còn sống là 160.019, tổng số bệnh nhân AIDS còn sống là 35.603 và số người nhiễm H đã tử vong là 44.540 người. Theo BS Mai Xuân Phương- Phó Trưởng phòng Truyền thông và huy động cộng đồng Cục Phòng, chống HIV/AIDS- Bộ Y tế, con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì thực tế ngoài đời số người nhiễm HIV/AIDS lớn hơn rất nhiều, chưa thể thống kê đầy đủ được.

Một thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ lây nhiễm HIV (H) tiếp tục lan rộng về địa dư với 100% các tỉnh/thành có người nhiễm H và nếu như trước kia, cơn bão AIDS chủ yếu tập trung ở các tỉnh, vùng miền Nam thì vài năm lại đây đã lan mạnh sang các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Điện Biên, Sơn La, Bắc Cạn, Yên Bái, Cao Bằng… Chỉ trong vòng 5 năm (từ 2005 đến 2009), con số người nhiễm H tăng gấp 5 lần, riêng năm 2009, có 15.713 ca mới được phát hiện nhiễm H và được báo cáo.

So sánh hình thái dịch quý I năm 2009 và quý I năm 2010 cho thấy một tín hiệu đáng mừng là số lượng người nhiễm H của 3 tháng đầu 2010 đã giảm so với cùng kỳ năm 2009 ( từ 3.759 người giảm xuống còn 2.741 người). Tuy nhiên, nếu như số người nam giới bị nhiễm H có xu hướng giảm (từ 82% xuống 70,3%) thì con số này lại gia tăng ở nữ (từ 18% lên 29,7%); đồng thời, việc lây nhiễm qua đường tiêm chích giảm trong khi lây nhiễm qua đường tình dục lại tăng, điều này cho thấy, phụ nữ là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao hơn ở nam giới do đặc tính sinh học có nguy cơ lây nhiễm H gấp đôi nam giới, do bất bình đẳng giới, những rào cản về kinh tế, đói nghèo, rào cản về văn hóa- xã hội… Cũng theo kết quả được báo cáo, số bệnh nhận nhiễm H được xét nghiệm phát hiện trong quý I/2010 chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 20-39 (chiếm 82%), là độ tuổi lao động, tham gia chính trong lao động sản xuất tạo ra của cải- vật chất cho xã hội, nếu không có biện pháp kiểm soát sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

HIV/AIDS, gánh nặng đè lên mỗi gia đình

Hầu như tất cả những người khi biết mình bị nhiễm H đều cho rằng, họ đã nhận 1 bản án “tử hình” không phương cứu chữa. Tâm lý bi quan, tuyệt vọng đẩy họ vào ngõ cụt của bế tắc. Bản thân họ tự cho mình là “bệnh nhân” đặc biệt, họ cảm thấy mình ốm yếu, mất khả năng lao động (mặc dù trên thực tế, một người mang trong mình virus HIV vẫn có thể sống hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh trong một thời gian rất dài, thậm chí là vài chục năm nếu họ tham gia liệu trình điều trị ARV đúng cách). Bên cạnh đó, thái độ phân biệt đối xử, kỳ thị của cộng đồng cũng làm cho những người có H bị mất hoặc không xin được việc làm trong khi họ là nhân lực lao động chính trong gia đình dẫn đến nguồn thu nhập của gia đình bị sa sút. Hơn nữa, khi gia đình có người nhiễm HIV/AIDS (H/A) thì mức thu nhập của các thành viên khác trong gia đình cũng bị sụt giảm theo do họ phải dành thời gian chăm sóc bệnh nhân. Theo nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ, bình quân 1 người nhiễm H/A có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao gấp 6 lần người bình thường và cần khoảng 0,9 người chăm sóc. Chi tiêu tích lũy bình quân cho chăm sóc sức khỏe hàng năm của người nhiễm H/A vào khoảng 8.704.000đ/ năm, chi phí tang lễn trung bình khoảng 3.380.000đ/ người (theo VIE/98/009). Trong gia đình, người phụ nữ vốn là người phải gánh vác trách nhiệm lo lắng cho gia đình, chăm sóc cho chồng, con, người thân bị nhiễm H do đó, gánh nặng kinh tế và trách nhiệm càng đè nặng lên vai họ hơn. Ở Việt nam, khoảng 51% số người chăm sóc là mẹ, 16% là vợ, 7% là chị- em gái trong khi chỉ có khoảng 10% là bố và 16% là các lực lượng khác.

HIV/AIDS cũng là nguyên nhân phá vỡ cấu trúc gia đình. Việc ly thân, ly hôn khi chồng hoặc vợ nhiễm H; bố, mẹ hoặc cả hai chết do AIDS, ông bà trở thành bố mẹ “bất đắc dĩ” phải nuôi dạy các cháu; anh chị lớn thành “bố-mẹ” của các em… Nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ năm 2005 trong nhóm trẻ có người thân nhiễm HIV/AIDS cho thấy 15,6% có bố, mẹ đã ly dị; 3,6% có bố- mẹ chết. Bé H, 14 tuổi ở Điện Biên cho biết, khi bố cháu chết, cháu chưa đầy 14 tuổi. Gia đình cháu có 8 anh chị em, mẹ cháu tuy ốm yếu nhưng vẫn phải làm lụng vất vả để nuôi các cháu. Cháu trở thành người chủ gia đình, phải gánh trách nhiệm kiếm tiền, lương thực, quần áo, thậm chí cả nhà cửa… Cháu không còn cách lựa chọn nào khác hơn, đành phải bỏ học…

Đương đầu với đại dịch

HIV/AIDS đang tác động tiêu cực từng ngày, từng giờ đến sức khỏe, kinh tế của các cá nhân, gia đình trong cộng đồng; ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế- xã hội và an sinh của đất nước. Thực trạng lây lan và khó kiểm soát của căn bệnh thế kỷ này đã và đang là mối quan ngại của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Ở Việt Nam, Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 3/2004, theo đó các mục tiêu trong bản Chiến lược là nhằm giảm tỷ lệ hiện nhiễm trên nhóm dân cư chung xuống dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng thêm sau năm 2010 và giảm các tác động bất lợi của HIV đối với phát triển kinh tế-xã hội. Luật Phòng, chống HIV/AIDS được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006. Đã có 9 chương trình hành động được thực hiện về công tác chuyên môn phòng, chống H/A. Ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình phòng, chống H/A tăng lên từng năm, từ 45-55 tỷ đồng cho giai đoạn 1995-1999 thì đến 2008 con số này là 114 tỷ đồng. Sự tăng cường phối hợp đa ngành, huy động xã hội, cộng đồng cũng như hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế cả về tài chính và kỹ thuật cho công cuộc phòng, chống H/A ở Việt Nam được chú trọng. Tuy nhiên, do tình trạng phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV còn nặng nề; nhận thức của đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác này còn hạn chế nên việc triển khai các văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS trên thực tế gặp nhiều khó khăn; nhiều quy định của pháp luật chưa đi vào thực tiễn đời sống.

Năm 2010 là năm đánh dấu 20 năm Việt Nam đương đầu với HIV/AIDS, một loạt các sự kiện được tổ chức như Hội nghị khoa học về phòng, chống H/A lần thứ 4, Hội nghị tổng kết 20 năm đối phó với dịch H/A ở Việt Nam; sơ kết việc triển khai Chỉ thị 54 của Ban Bí thư TW Đảng; đánh giá, tổng kết Chiến lược quốc gia phòng chống H/A đến 2010; chương trình gây quỹ hỗ trợ người nhiễm H/A- những trái tim đồng cảm lần thứ 3; ngày sáng tạo Việt Nam về phòng, chống H/A năm 2010; tổ chức Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…

Tất cả các chương trình hành động đều hướng tới mục đích nhằm nâng cao nhận thức cũng như sự tham gia của các tổ chức trong nước, các tổ chức quốc tế và công chúng trong cộng đồng vào cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS đầy cam go và thách thức.

Trung tâm thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video