Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

25/12/2013
Ngày 12/11/2013, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất (184/192) trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc - cơ quan chịu trách nhiệm chính của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Hội đồng có nhiều cơ chế giúp việc, đặc biệt là Cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) mà theo đó, tất cả các nước phải định kỳ nộp báo cáo và kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền về việc đảm bảo quyền con người tại nước mình.

Việc Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền với số phiếu rất cao thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, sự tín nhiệm của đông đảo các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… Sự kiện này cũng làmột dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam là thành viên của 8 công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia 18 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Việt Nam đã trình bày Báo cáo UPR lần thứ nhất năm 2009 và mới đây bảo vệ báo cáo lần thứ hai, được các nước và Hội đồng Nhân quyền đánh giá cao. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt việc xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện để đảm bảo quyền của phụ nữ đã được quan tâm như: xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới và không phân biệt đối xử theo quy định của Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Luật Bình đẳng giới 2006; lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật; ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Hội LHPN Việt Nam, với chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ. Hội chủ động tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan tới bình đẳng giới; tham gia phản biện xã hội; góp phần bảo đảm lồng ghép giới trong các bộ luật, luật, văn bản quy phạm pháp luật; tham gia thúc đẩy quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực như tiếp cận thông tin, nâng cao trình độ, nhận thức, trong chính trị, kinh tế, lao động, việc làm; hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; và thúc đẩy, bảo đảm quyền của những nhóm đối tượng phụ nữ yếu thế. Trong năm 2013 Hội đã có báo cáo về kết quả bảo đảm và thúc đẩy quyền của phụ nữ gửi Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc phục vụ tiến trình UPRlần 2 đối với Việt Nam.

Có thể nói, việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế. Trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp vào công cuộc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới, cũng như có điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế nhằm đảm bảo sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của người dân Việt Nam, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Ban Quốc tế, Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video