Vĩnh Phúc: Đa dạng hình thức hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế

30/08/2020
Bằng hình thức hỗ trợ thiết thực như giúp vay vốn ưu đãi, mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã giúp nhiều hội viên phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống được cải thiện, nâng cao.
Hội viên tăng thu nhập, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu.

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím tại xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, chị Vũ Thị Kim, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Hồng Sen cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng cây cà chua với giống truyền thống như cà chua bi, cà chua đỏ... tuy nhiên, năng suất và giá thành không cao.

Nhận thấy cây cà chua ghép rất phù hợp với đồng đất của địa phương, phát triển tốt, năng suất cao, giá thành ổn định, vì vậy, năm 2012, sau khi được tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cà chua ghép.

Hiện nay, với 2 sào cà chua, bình quân từ 700 - 750 gốc/sào, sau từ 70 - 80 ngày trồng, chăm sóc; với giá bán từ 10.000 - 15.000 đồng/kg; trừ các khoản chi phí, mỗi sào cà chua cho gia đình thu lãi 6 - 7 triệu đồng".

Nhằm tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát triển kinh tế hộ, Hội LHPN các cấp đã xây dựng các mô hình hợp tác do phụ nữ làm chủ, bước đầu có chuyển biến tích cực, giúp hội viên chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang tổ chức sản xuất theo kế hoạch, tạo sản phẩm có chất lượng tốt, cùng liên kết tiếp cận thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.

Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 30 mô hình hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ liên kết với hơn 300 thành viên tham gia như tổ liên kết làm nghề mộc tại xã Hồng Phương, huyện Yên Lạc; mô hình trồng măng tây, trồng rau su su theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Đại Tự, huyện Yên Lạc; tổ hợp tác liên kết làm bánh bún xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường...

Trong đó, điển hình là mô hình tổ hợp tác liên kết làm bánh bún xã Ngũ Kiên với 20 hội viên tham gia. Chị Đỗ Thị Luyến, thôn Tân An, xã Ngũ Kiên cho biết: "Những năm trước đây, gia đình tôi chỉ làm thủ công, song dẫn chuyển sang làm bằng máy. Hiện, gia đình tôi làm khoảng 5 tạ bún bánh/ngày; nhiều hộ trong tổ hợp tác sản xuất 8 - 9 tạ/ngày, thậm chí 1 tấn bún cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện; mang lại thu nhập khá.

Việc thành lập tổ hợp tác liên kết nhằm tập hợp các hội viên phụ nữ tại địa phương giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất và tìm nguồn tiêu thụ bún bánh; góp phần mở rộng thị trường, quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên và làm phong phú hơn văn hóa ẩm thực Vĩnh Phúc".

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được các cấp Hội Phụ nữ xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội. Bởi vậy, các cấp Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phát huy nội lực, chủ động tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; đồng thời, tổ chức các phong trào thi đua, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các mô hình “Giúp phụ nữ thoát nghèo”, “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”…

Nhằm giúp hội viên có kiến thức, ứng dụng KHKT vào sản xuất, các cấp Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động phụ nữ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình; xây dựng cánh đồng mẫu; tham gia học nghề, mạnh dạn, sáng tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp…

Để hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, các cấp hội triển khai thực hiện như rà soát hộ nghèo, xác định nguyên nhân nghèo theo tiêu chí mới và xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể; đề ra các biện pháp cụ thể theo phương thức "3 biết, 2 hỗ trợ" để hỗ trợ vốn. Mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững được các cấp hội tiếp tục duy trì thông qua các hoạt động giúp nhau thường xuyên, giúp nhau lúc giáp hạt, giúp nhau ngày công, con giống, cho nhau vay không lấy lãi…

Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ đã tích cực khai thác vốn, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình thông qua vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT… Đến nay, các cấp hội đang quản lý hơn 1.400 tỷ đồng cho 60.000 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình; đã có 8.553 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được các cấp hội giúp, trong đó, có 3.004 hộ nghèo thoát nghèo.

Thông qua hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò của mình giúp hội viên tăng thu nhập, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu; khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

baovinhphuc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video