Vĩnh Phúc: Kết quả bước đầu đề án 343

27/07/2012
Năm 2010, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2010-2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hội LHPN tỉnh được giao là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tỉnh. Sau một thời gian ngắn triển khai, bước đầu Đề án đã thu được một số kết quả khả quan.

Căn cứ Quyết định số 343 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về triển khai thực hiện Đề án, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Đề án (gọi tắt là Đề án 343). Ngày 7-4-2011, UBND tỉnh ban hành Kế họach về việc triển khai thực hiện Đề án và chọn 2 đơn vị chỉ đạo điểm của tỉnh là: huyện Vĩnh Tường và thành phố Vĩnh Yên. Đề án 343 được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2010-2012 tập trung nhiệm vụ chỉ đạo điểm tại các xã, phường điểm trong toàn tỉnh; giai đoạn 2 từ năm 2013 đến 2015 nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh, phấn đấu đạt các chỉ tiêu của Đề án (với tất cả có 4 Tiểu đề án, lần lượt do các đơn vị Hội LHPN tỉnh; Sở GD&ĐT; Sở TT&TT; Sở VHTT&DL chủ trì). Trên cơ sở đó, Hội LHPN tỉnhlà cơ quan thường trực BCĐ đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai Đề án. Chủ trì, phối hợp với LĐLĐ tỉnh; tỉnh Đoàn thanh niên xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Tiểu đề án 1 năm 2011. Đồng thời chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành, thị tham mưu thành lập BCĐ cấp huyện. Đến nay, đã có 5/9 huyện, thành, thị thành lập được BCĐ.

Nhằm sớm triển khai Đề án trong diện rộng, BCĐ Đề án 343 tỉnh đã tiến hành tổ chức hội nghị quán triệt triển khai thực hiện tới các cấp, ngành trong tỉnh. Thông qua các hội nghị triển khai Đề án đã giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Hội LHPNcác cấp nắm được chỉ tiêu, nội dung, giải pháp, cách thức triển khai và phối hợp thực hiện phù hợp với thực tế tại địa phương, đơn vị. Qua hơn một năm triển khai thực hiện Đề án 343, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn được trên 30 lớp, tại 9/9 huyện, thành, thị và 3 đơn vị trực thuộc với gần 1300 người là các bộ Hội chủ chốt các cấp; cán bộ chuyên trách Hội LHPN; LĐLĐ, Đoàn thanh niên tham gia. Tại các lớp tập huấn, các cán bộ Hội phụ nữ, LĐLĐ, Đoàn thanh niên đã đựơc hiểu thêm quan điểm của Đảng về yêu cầu xây dựng con người Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH- HĐH đất nước; đặc điểm thời kỳ CNH, HĐH và những tác động tới phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam; sự cần thiết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Người phụ nữ trong thời kỳ kinh tế quốc tế, nhất là những nữ thanh niên được hiểu rõ về những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam: đảm đang (đảm đang công việc gia đình, nuôi, dạy con tốt; đảm đang công việc sản xuất, kinh doanh và đảm đang công việc xã hội); Yêu thương quê hương, đất nước(có tình cảm sâu đậm, gắn bó với quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc); Nhân ái, nghĩa tình (giàu lòng vị tha, nhân hậu, bao dung, độ lượng, sống tình nghĩa có trước, có sau); Thuỷ chung (sống trước sau như một, trọn tình vẹn nghĩa); Đức hy sinh. Và 4 phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước là: Tự trọng, tự tin, đảm đang và trung hậu. Để có được 4 phẩm chất đạo đức đáng quý đó, người phụ nữ phải biết vượt qua chính mình; chủ động tích cực học tập và thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng.

Những nội dung trên không chỉ dừng lại ở trong mỗi buổi tập huấn của cán bộ, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và cán bộ hội phụ nữ mà đã được tuyên truyền, giáo dục rộng khắp trong tỉnh thông qua các hoạt động truyền thông: BCĐ Đề án 343 tỉnh đã in ấn, phát hành 2000 cuốn tài liệu tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở và phát hành tới chi, tổ phụ nữ; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền các hoạt động triển khai thực hiện Đề án tại địa phương và đưa các nội dung Đề án trên Bản tin tuyên truyền của Hội hàng quý làm tư liệu sinh hoạt hội viên tại cơ sở.

Đến nay, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2010-2015” theo đúng mục đích, tiến độ, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các tiểu đề án trong tổng thể Đề án 343. Phấn đấu đến hết năm 2015 có trên 70 % phụ nữ và trên 95% hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, nữ công chức, viên chức, nữ công nhân được tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trên 95% cán bộ, lãnh đạo quản lý của ngành tham gia chủ trì đề án; đội ngũ cán bộ Hội LHPN, cán bộ Đoàn thanh niên, cán bộ phụ trách nữ công Công đoàn cấp cơ sở trở lên được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Theo báo Vĩnh Phúc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video