Võng may bằng vải cita

05/05/2014
Trong những năm 1949, 1950 trở đi, vải cita là sản phẩm nổi tiếng và thịnh hành của phong trào tự cung tự cấp do phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khởi xướng.

Ngày đó, để phù hợp với tình hình, dưới sự chỉ đạo của TW, các cấp Hội phụ nữ Quảng Nam - Đà Nẵng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác ở vùng tự do là: Hoàn thành tốt công tác hậu phương, tập trung sản xuất nông nghiệp và thủ công, trồng rau màu, tận dụng đất đai, phát động phong trào: “Nuôi gà kháng chiến”, “hũ gạo kháng chiến”, đảm bảo tự túc, tự cấp phục vụ chiến trường, giúp đỡ dân quân, du kích, ủng hộ bộ đội, nuôi dưỡng thương binh, củng cố đoàn thể phụ nữ và hội mẹ chiến sĩ, phục vụ tiền tuyến.

Đại hội phụ nữ toàn miền Trung - Trung bộ được tổ chức ngày 17/7/1949 đã phát động phong trào: “Phụ nữ chức nghiệp”. Trong phong trào này, phụ nữ Quảng Nam - Đà Nẵng là lực lượng chủ yếu trong việc trồng bông dệt vải, vừa tự túc được vải mặc vừa cung cấp quân trang cho bộ đội. Vải cita đã trở thành vải quân phục chủ yếu của quân đội. Hầu hết các gia đình đều có xa quay sợi và mỗi hộ trồng từ 10 cây bông trở lên. Đặc biệt là ở huyện Tam Kỳ, phụ nữ đã sản xuất loại vải cita có tên là vải cita Bà Tân. Vải cita Bà Tân là loại vải khổ rộng 80cm dệt bằng máy bán cơ giới khung bằng gỗ thay cho máy đạp chân. Vải được dệt bằng sợi xe (chỉ đánh) và dệt nong đôi để tạo độ bền và đẹp.

Nhân dân trong vùng kể lại, vải cita Bà Tân mang tên một người phụ nữ tên Tân ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Bà Tân đã vào huyện Tam Kỳ là nơi có nghề dệt tơ lụa truyền thống để tập hợp các gia đình dệt vải ta bán cho nhân dân. Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ chức nghiệp”, phụ nữ Tam Kỳ đã dệt nhiều vải cung cấp cho bộ đội, nhưng vì vải ta chóng rách, bà Tân đã có sáng kiến là phải đánh sợi đôi (vải ta chỉ dệt sợi 1 và dệt nong 1) để vải dày và bền. Kinh nghiệm dệt vải cita của bà Tân đã được phát triển ra toàn khu. Vải cita lúc đầu được nhuộm bằng than vỏ dừa, sau được nhuộm bằng thuốc, làm quân trang cho bộ đội Khu V và một phần Khu IV.

Nguồn theo Bảo tàng PN VN cung cấp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video