Vũng Rô: Cánh cửa biển đã mở...

03/12/2005
Vịnh Vũng Rô gắn liền với chiến công huyền thoại của những con tàu không số, là điểm tập kết cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển tiếp vận vũ khí từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường khu V và Tây nguyên chống Mỹ.

Thế nhưng, gần 30 năm sau chiến tranh, Vũng Rô chỉ còn là một địa danh quen thuộc của ngư dân tránh bão, trên bờ vịnh là nơi hội tụ của ngư dân phiêu tán từ nhiều miền đổ về. Mãi đến gần đây, Vũng Rô mới bắt đầu được đánh thức...

 

Gặp “tiền hiền” khai khẩn Vũng Rô

 

Người dân Vũng Rô suy tôn ông Châu Đình Kháng là bậc “tiền hiền” bởi có công khai khẩn và cũng chính ông là người góp phần quan trọng để làm “giấy khai sinh” thôn Vũng Rô bây giờ. Cụ Kháng nay đã ngoài 80 nhưng như một lão nông còn minh mẫn, tráng kiện.

 

Cách đây 26 năm - năm 1979, khi Vũng Rô còn là một bờ vịnh hoang vắng, nhô theo những sườn núi là những cánh rừng xoải thân ra gần chân sóng. Heo rừng, hoẵng, nhím, chồn hương còn rượt đuổi nhau trên bờ cát tranh mồi.

 

Ông Kháng đã quyết định đưa cả gia đình - gồm 13 người, trong đó có 11 người con - “di cư tự do” từ phường 6 (thị xã Tuy Hòa lúc ấy) ra đây lập quê hương mới.

 

Cả mấy năm trời vợ chồng con cái ông Kháng chủ yếu sống tự cung tự cấp trên bờ vịnh, cha con ông ăn cá thay cơm rồi khơi dòng, nắn suối lấy nước làm ruộng.

 

Thuở ấy, dân đi biển cho thuyền vào tránh bão thường nghe tiếng kẻng gióng giả mỗi ngày mấy lượt từ cánh rừng ven bờ vọng ra và những đốm lửa rải rác khắp sườn núi. Mãi về sau mới biết đó là tiếng kẻng hiệu lệnh của ông già Kháng điều hành sản xuất.

 

 

“Sáng sớm tui đánh một hồi ba tiếng để thức lũ con dậy ăn cơm rồi phân công mấy đứa lên rẫy, mấy đứa vá lưới, còn lại tập trung đi đánh cá ngoài vịnh. Cơm trưa, chiều đánh sáu tiếng kẻng để gọi chúng về chứ dưới vịnh trên bờ mênh mông thế này làm sao kêu chúng được! - cụ Kháng kể - Tới giờ tui vẫn còn giữ cái kẻng làm kỷ niệm”.

 

Sau một phần tư thế kỷ, từ 13 người nay đại gia đình ông Kháng với đàn con cháu, dâu rể lên tới 45 người. Tất cả đều có cơ ngơi đàng hoàng trên quê hương mới.

 

“Thôn Vũng Rô được thành lập tháng 6-1986, bây giờ cả 12 bãi trong vịnh đều có dân cư, cả Hòn Nưa - ông Hồ Bon, thôn trưởng Vũng Rô, người có thâm niên 15 năm làm thôn trưởng nơi đây, chỉ về phía xa khơi bảo - tít ngoài kia cũng có dân cư rồi.

 

Thôn có một trường học dạy từ mẫu giáo đến lớp 9, tổng cộng hơn 100 học sinh. Hai năm nay đã có bốn sinh viên tốt nghiệp đại học và cả bốn em đều học ngành thủy sản. Đó là vốn nhân lực của Vũng Rô quê tui”.

 

Ông Bon kể rằng suốt mười mấy năm “vác tù và” thôn Vũng Rô này ông chứng kiến đủ cảnh lên thác xuống ghềnh của mấy trăm hộ dân. Học tập kinh nghiệm nhiều nơi, ông về vận động dân làng làm đủ thứ nhưng không giàu lên được vì thiếu vốn.

 

Mấy năm nay mới bắt đầu giàu lên nhờ nuôi trồng và buôn bán hải sản, đặc biệt nuôi tôm hùm. 115 hộ nuôi tôm hùm ở Vũng Rô thì đã có gần 100 hộ giàu.


Vũng Rô bây giờ

 

10 năm trước, Phú Yên đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Vũng Rô thành cảng cá, song mãi đến gần đây, sau khi vùng kinh tế động lực Nam Phú Yên được chú trọng thì Vũng Rô được xác định lại là cảng biển tổng hợp.

 

Khi các công trình xây dựng cầu cảng của cảng biển Vũng Rô, khu nhà điều hành mọc lên, Vũng Rô bắt đầu chuyển động và trở thành giấc mơ đổi đời của hàng vạn nông dân, ngư dân Phú Yên.

Khi chúng tôi đến thì tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà chạy vòng qua núi, bọc tròn eo biển vừa thông tuyến kỹ thuật (đầu tháng 6-2005). Tuyến đường này đã biến Vũng Rô từ  một vịnh đẹp nhưng hoang vắng và heo hút trở thành một điểm sáng đầy hứa hẹn.

 

Anh Lê Thành Sang, công nhân lái máy cạp đang thi công cuối tuyến đường, cho biết: “Mình là dân Phú Yên, nhiều anh em trong đội cơ giới cũng vậy, bao năm nay là ngư dân chỉ đánh bắt lưới, trủ ven bờ, bây giờ nhờ Vũng Rô ai cũng có việc làm, người làm thợ máy, thợ xây, người làm thợ sắt, ai cũng có thu nhập cao, thay ca nhau làm việc, mừng lắm, thay đổi lắm”.

 

Người bạn dẫn đường cho chúng tôi đứng ngắm mãi con đường, bờ biển, rồi hào hứng gọi con đường Phước Tân - Bãi Ngà là “con đường nhung lụa”, rồi anh giải thích: “Chính con đường này kéo cảng Vũng Rô khuất nẻo và hiểm trở về với Khu công nghiệp Hòa Hiệp cách đó chừng 20km và cũng khoảng cách chừng ấy với sân bay Đông Tác (có tuyến khứ hồi TP.HCM - Tuy Hòa mỗi tuần ba chuyến)”.

 

Ở một góc vịnh, chúng tôi thấy kho xăng dầu đang hoạt động nhộn nhịp. Tàu chở dầu 5.000 tấn ra vào thường xuyên. Từ đây, xăng dầu tỏa đi các tỉnh trong khu vực và cung cấp cho cả vùng Tây nguyên.

 

Nhiều ngư dân nơi đây giờ đã có tầm nhìn xa về vùng đất của mình. Chính họ đã thông tin với chúng tôi: “Nè, nay mai sẽ có tuyến đường sắt nối từ Phú Yên lên rừng núi Tây nguyên đấy nhé. Đường hầm đường bộ băng qua đèo Cả nữa. Vũng Rô - đèo Cả mà phát triển du lịch thì phải biết...”.

 

Nhưng có lẽ thông tin này nhiều ngư dân chưa biết: Chính phủ đã đồng ý về chủ trương thực hiện khu kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa mà trung tâm là cụm cảng Vân Phong - Vũng Rô.

 

Ông Nguyễn Bá Lộc - phó chủ tịch tỉnh Phú Yên - cho biết: “Theo kế hoạch, trong năm nay, sau khi hoàn tất một số hạng mục như hệ thống cẩu hàng, kho hàng, cung cấp nước ngọt và hải quan, Vũng Rô sẽ được công bố là cảng biển quốc tế, mở toang cánh cửa cho thị trường hàng hóa Tây nguyên như đồ gỗ, cà phê, điều và các loại nông sản có cơ hội xuất trực tiếp ra nước ngoài”.

 

Gần chục năm trước các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy ở Vũng Rô những “cơ hội vàng” về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển du lịch - dịch vụ. Giờ đây, đến Vũng Rô, chúng tôi đã thấy “cây” thấy “trái” của các mô hình hợp tác. Trong vịnh, nơi này là mô hình nuôi trai lấy ngọc, nơi kia là mô hình nuôi cá mú, tôm hùm...

 

Chiều muộn, Vũng Rô lộng lẫy trong hoàng hôn. Cụ Kháng - “tiền hiền” khai khẩn Vũng Rô - cứ ngồi lặng trước biển, mắt ông cụ đã đục, dõi về biển xa, nghêu ngao hát bả trạo một mình, mắt hấp háy cười ra chiều tâm đắc: “Nhanh thiệt, mới đấy mà đã 26 năm từ khi tui đặt chân vô đây, cứ như trong chiêm bao vậy chú”.


Sau lưng ông cụ, giờ đây là một Vũng Rô đang ngổn ngang như một công trường lớn trước mặt biển Đông.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video