Vươn lên từ nghề mộc

09/12/2013
Chị Nguyễn Thị Hồng Tuyết, tổ dân phố Hồng Bàng, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên được nhiều người biết đến là một phụ nữ làm kinh tế giỏi. Chị đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm ruộng ở thị trấn Thanh Lãng nhưng chị Tuyết lại say sưa với nghề mộc truyền thống của quê hương. Năm 1998, chị bàn với chồng đầu tư mở cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ mộc. Ban đầu, kinh tế khó khăn, nhu cầu của người dân còn hạn chế, xưởng mộc gia đình chị chủ yếu sản xuất theo hướng thủ công, sử dụng sức người là chính. Sản phẩm mộc còn đơn giản, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đa số người dân địa phương với giá rẻ. Cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn, vẫn phải bám đồng ruộng để thêm thắt, trang trải cuộc sống.

Trong quá trình sản xuất, chị vừa học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi mẫu mới, vừa thay đổi mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường và mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình chị đầu tư nguồn vốn lên đến 3,5 tỷ đồng cho xưởng sản xuất, các sản phẩm mộc đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm như sập gụ, tủ chè, bàn ghế đã được gia đình chị kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, tinh tế. Chị Tuyết cho biết, chị thường xuyên tìm tòi mẫu mã, kiểu dáng từ bạn bè cùng nghề, có khi ở các tỉnh lân cận, những vùng có nghề mộc nổi tiếng, trên các trang mạng và kết hợp hài hòa, linh hoạt nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện xưởng sản xuất gia đình chị thường xuyên có từ 5-7 thợ giỏi và hàng chục lao động thời vụ. Mức thu nhập của thợ có kinh nghiệm từ 200.000 đến 500.000 đồng/người/ngày. Mỗi năm, doanh thu xưởng sản xuất đạt khoảng 7 tỷ đồng, cho thu lãi từ 400-500 triệu đồng. Các mặt hàng của gia đình chị có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh...

Hằng năm, gia đình chị còn phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh mời thợ giỏi đào tạo, truyền nghề cho các thợ đến học việc tại xưởng sản xuất; tư vấn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chị còn giúp đỡ nhiều phụ nữ khác trong thị trấn về vốn, hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả để có cuộc sống khá giả hơn.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video