Vượt qua kỳ thị, vượt qua chính mình

29/03/2017
Không có gì ngăn cách khi tôi tiếp xúc với người có H như: bắt tay, trò chuyện, động viên, vỗ về nhau và ăn uống cùng mâm ... Song ngủ cùng giường và phải ở chung nhiều ngày với người có H thì chưa bao giờ. Tôi đưa mắt nhìn căn phòng, thoáng chút băn khoăn, do dự…

Tháng 02/2001, trong đoàn đại biểu Hải Phòng tham dự hội thảo-tập huấn phòng chống kì thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS do Bộ Y tế và Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, tôi đặc biệt chú ý tới cô gái khoảng trên 20 tuổi, dáng người mảnh mai, đôi mắt u buồn tên là Phạm Thị Huệ - người bị lây HIV từ chồng (quận Hồng Bàng). Chúng tôi được sắp xếp ở chung 1 phòng.Do bị say xe, Huệ mệt, kêu đau đầu. Tôi bình tĩnh đặt vali hành lý xuống rồi đi kiếm nước ấm, vỗ về cháu uống cho đỡ mệt, một lúc sau cháu thiếp đi, còn lại một mình, tôi đưa mắt nhìn căn phòng, thoáng chút băn khoăn, do dự!

Là cán bộ Hội thành phố, sau nhiều năm tháng gắn bó với phong trào, được đi qua nhiều nhiệm vụ công tác khác nhau, tôi đã có sự trải nghiệm nhất định nên không thấy có gì ngăn cách khi tiếp xúc với người có H như: bắt tay, trò chuyện, động viên vỗ về nhau và có rất nhiều lần ăn uống cùng mâm... Song ngủ cùng giường với người nhiễm và sẽ ở với nhau nhiều ngày thì chưa bao giờ. Sau bữa cơm tối, tôi nhường cháu tắm trước, rồi tìm cách để 2 cô cháu nói chuyện thoải mái. Ban đầu cháu dè dặt, kiệm lời, thỉnh thoảng lại buột miệng kêu nhớ con trai mới 11 tháng tuổi. Biết cháu hát được, tôi ngỏ ý: Cô rất thích bài “Mặt trời bé thơ” của Trần Tiến, con có biết thì dạy cô? Cháu miễn cưỡng gật đầu trước sự nhiệt tình, gần gũi đến chân thật của tôi. Thế là cháu dạy, cô hát và cả hai cùng say sưa. Những ca từ thấm đẫm tình cảm của bài ca đã làm lay động kí ức tuổi thơ của cháu, rồi sự e dè trong cháu đã biến mất từ lúc nào, tôi ôm cháu, cháu gục đầu vào bờ vai tôi khóc tức tưởi!

Qua tâm sự tôi được biết, tuổi thơ của cháu phải gánh chịu quá nhiều gian nan cay đắng, mẹ mất sớm để lại mấy bố con côi cút trên đời. Cháu phải sống tự lập giúp bố nuôi các em, đi làm công nhân da giầy trước tuổi, sớm kết hôn rồi mang thai. Tin dữ ập đến khi cháu sinh con phải mổ... Qua xét nghiệm, biết cháu nhiễm HIV, đội ngũ thầy thuốc nơi ấy đã cho mẹ con cháu ở cách ly trong gian nhà kho của bệnh viện, thiếu thốn đủ bề, không ai chăm sóc. Bế đứa con bé bỏng, gầy gò, hốc hác, khóc ngằn ngặt đêm ngày vì thiếu sữa trên tay, vợ chồng cháu xót xa như đứt từng khúc ruột. Vì sự phân biệt, kỳ thị của người xung quanh mà đứa bé vừa sinh ra cũng phải chung số phận với bố mẹ: bị ghẻ lạnh, hắt hủi của người đời.

Nghe cháu kể, lòng tôi day dứt. Nhìn khuôn mặt mảnh mai, đoan trang, cặp mắt to, tròn, thông minh nhưng đượm vẻ u buồn thăm thẳm của cháu, tôi thấy mình rất có lỗi. Trong tôi ngay lúc đó đã xuất hiện những dự định mới về công tác tham mưu đề xuất và cách tổ chức thực hiện hoạt động cộng đồng trong phòng, chống AIDS, để không còn những số phận như hai mẹ con cháu.

Khi cháu bình tâm lại, tôi bắt đầu nói cho cháu nghe một cách cơ bản về căn bệnh, về các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu sự lây lan của virus HIV, cách nuôi con theo khoa học, cách tổ chức cuộc sống gia đình cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Tôi cũng mô tả một cách vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ về các hoạt động phòng chống đại dịch của tổ chức Hội LHPN các cấp. Đồng thời, tôi động viên cháu thoát ra khỏi tâm lý tự kì thị bản thân, sống nghị lực, tự tin, nỗ lực lạc quan để ổn định cuộc sống nuôi dạy con khoẻ mạnh, nên người. Hai cô cháu nằm bên nhau trò chuyện rất khuya, thấy cháu cởi mở tin cậy, tôi nói: “Cô rất mong cháu tự nguyện tham gia đội tuyên truyền viên phòng chống AIDS do Hội Phụ nữ xã tổ chức”. Cháu đã nhận lời tôi.

Ngày thứ hai của hội thảo, trong giờ chia sẻ thông tin, nhận được sự cổ vũ của mọi người, cháu đã mạnh dạn lên diễn đàn, tự công khai tình trạng nhiễm của mình trong tiếng vỗ tay khích lệ và ánh mắt vừa ngạc nhiên vừa yêu thương, khâm phục của cả hội trường (cháu đã trở thành người đầu tiên trong cả nước vượt lên tâm lý tự ti, dũng cảm bộc lộ bản thân nhiễm HIV/AIDS). Sau hội thảo, tôi và đồng nghiệp luôn bên cạnh động viên an ủi, tạo mọi điều kiện để cháu được rèn luyện trong các hoạt động cộng đồng. Còn Huệ, cháu lao vào các hoạt động truyền thông do các cấp Hội tổ chức một cách nhiệt tình, trách nhiệm, hiệu quả. Là người đi tiên phong tự công khai, tự tuyên truyền, cháu đã chiếm được cảm tình đặc biệt của người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Thậm chí tên tuổi của cháu còn vang danh ra nước ngoài. Năm 2004, cháu được tạp chí Times của Mỹ bình chọn danh hiệu Anh hùng Châu Á trong phòng chống HIV/AIDS. 2 năm sau, Huệ lại được Diễn đàn kinh tế thế giới bình chọn là một trong 250 nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu. Bởi từ một người nhiễm H, cháu đã trở thành người tuyên truyền viên giỏi, thành viên của ban chủ nhiệm câu lạc bộ Đồng cảm từ cấp phường đến cấp thành phố...

Trong công việc có muôn vàn khó khăn, cản trở nhưng chưa bao giờ Huệ tỏ ra nản lòng. Lòng nhiệt tình, sáng tạo, năng động, ý thức trách nhiệm trong hoạt động phòng chống căn bệnh thế kỉ đã giúp Huệ trở thành một tấm gương sáng, động viên, khích lệ hàng ngàn, người nhiễm HIV trong cả nước dám công khai và tham gia hoạt động trên mặt trận phòng chống AIDS có hiệu quả. Cháu cũng trở thành tình nguyện viên của Liên hiệp quốc, được tham gia nhiều hội thảo trong nước và quốc tế. Không chỉ thành công trong lĩnh vực truyền thông, cháu còn là người chỉ đạo tổ chức thực hiện các mô hình làm kinh tế cho người có H, để cộng đồng người có H tự tin tái hoà nhập, tự nỗ lực, ổn định cuộc sống không trở thành gánh nặng cho xã hội như mô hình xưởng may gia công, nuôi tu hài, nuôi o­ng mật, rửa xe... Hiện tại, cháu là trưởng phòng truyền thông của Trung tâm chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS. Cháu phụ trách 4 lớp học tình thương tại 4 nơi trong quận.

Giờ đây tuy tôi đã nghỉ hưu nhưng tôi và Huệ vẫn thường xuyên phối hợp cùng hoạt động và đôi khi vẫn nhắc lại cái ngày đầu tiên ngủ cùng giường như một mốc chiến thắng sự kì thị - phận biệt đối xử đó! Một kỉ niệm không bao giờ quên.

Phạm Minh Tâm, Hải Phòng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video