Vượt qua những trở ngại thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

01/06/2012
Khi mẹ bị bệnh Mẹ bị bệnh thường là một trong những lý do ngưng cho con bú một thời gian. Thật ra, có rất ít trường hợp cần thiết phải ngưng sữa mẹ.

Khi mẹ bị bệnh

Một trong những lý do bà mẹ thường ngừng cho con bú là khi mẹ bị bệnh, bà mẹ sợ rằng con mình có thể bị lây bệnh. Tuy nhiên rất hiếm khi bà mẹ bị mắc bệnh cần ngừng nuôi con bằng sữa mẹ. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng thường gặp, việc nuôi con bằng sữa mẹ không làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ vì khi mẹ bị các bệnh nhiễm trùng thì cơ thể sẽ sản sinh các kháng thể. Các kháng thể này cũng có trong sữa mẹ chính là sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ. Nhưng nếu mẹ bị nhiễm HIV, lao tiến triển, suy tim nặng thì không nên cho bú vì dễ làm cho bệnh của mẹ diễn biến nặng, hơn nữa một số bệnh có thể lây truyền sang con qua nguồn sữa mẹ.

Nhiều bà mẹ không biết rằng bắt đầu cho bé ăn một loại thức ăn nhân tạo khác còn đáng lo ngại hơn là cho bé bú sữa của mẹ đang bệnh. Trường hợp mẹ bị bệnh vẫn có thể tiếp tục cho con bú ngay. Nếu mẹ sợ mình lây bệnh cho con thì thực tế trẻ đã có thể bị lây từ trước khi mẹ phát bệnh (lây qua đường hô hấp, nước bọt hoặc qua sữa...).

 Mặt khác, khi mẹ bệnh thì trong cơ thể sẽ tạo được kháng thể chống lại bệnh mà bà mẹ đang mắc, trẻ càng phải được bú mẹ nhiều hơn để nhận được lượng kháng thể này từ mẹ. Nếu khi mẹ bệnh phải điều trị thì nên báo cho bác sĩ biết rằng mình đang trong thời kỳ cho con bú, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc an toàn nhất cho cả mẹ và con mà không cần ngưng cho con bú. Trong thời gian dùng thuốc, mẹ cần quan sát các thay đổi của bé để thông báo với bác sĩ.

 Trường hợp mẹ phải nhập viện để điều trị hoặc để nuôi trẻ khác, cần cố gắng cho bé ở cạnh mẹ để có thể tiếp tục được cho bú mẹ. Nếu mẹ phải điều trị ở một số khoa, phòng có bệnh truyền nhiễm, để tránh lây bệnh cho bé, gia đình có thể nhờ người vắt sữa mang về... Cố gắng vắt sữa cho bé uống và nếu có thể cho bú mẹ lại càng sớm càng tốt để không bị giảm lượng sữa, mất sữa.

Khi bé bệnh

Khi bé bị bệnh, các bà mẹ thường không cho bú vì lý do bé bệnh không muốn bú và mẹ cũng chiều theo ý muốn đó. Khi bé bệnh dễ bị ói, hoặc cho là càng bú bé càng tiêu chảy nặng. Nếu vậy, sau khi ngưng sữa, bé sẽ không chịu bú mẹ trở lại và dẫn đến suy dinh dưỡng.

Vì vậy, khi bé bệnh mẹ nên cố gắng cho bú được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, càng nhiều càng tốt và điều này rất quan trọng. Bé cần bú để phục hồi bệnh tật. Sữa mẹ là thức ăn dễ tiêu hóa nhất đối với bé và sữa mẹ nhiều kháng thể có thể giúp bé mau khỏi bệnh.

Khi bầu vú có vấn đề

 Nếu là do tắc tia sữa (tắc ống dẫn sữa) các bà mẹ cần đắp ấm và xoa tròn từ chỗ tắc (sờ thấy khối u cục trong vú) đi dần về phía núm vú, và vẫn cho bú vú bên đó. Nếu vú căng tức nhiều thì có thể vắt bớt một ít sữa cho đỡ đau và giúp bé ngậm vú được. Có thể cho bé bú ở những tư thế khác nhau trong các bữa bú (bú nằm, tư thế dưới cánh tay...).

 Cần tìm xem nguyên nhân nào làm tắc sữa để phòng tránh. Có thể do thời gian giữa hai lần bú quá xa, cho bú không thường xuyên, bé ngậm bắt vú kém, mẹ tỳ quá mạnh các ngón tay vào bầu vú khi cho con bú, mặc áo ngực quá chật... những trường hợp như vậy mẹ vẫn tiếp tục cho bé bú vì động tác nút của bé cũng có thể làm thông tuyến sữa. Nếu mẹ bị nứt núm vú thì sau khi bé bú xong, lấy vài giọt sữa thoa lên chỗ nứt cho mau lành.

 Xác định nguyên nhân gây đau đầu vú, có thể do dứt trẻ khỏi vú quá nhanh, trẻ ngậm vú chưa đúng, bị nhiễm nấm ở vú... để khắc phục kịp thời. Những trường hợp trên cần hỏi ý kiến bác sĩ để xử lý kịp thời và đồng thời vẫn có thể cho trẻ bú bên vú lành. Có khi phải vắt sữa ra vì sữa còn đọng trong vú sẽ dễ gây áp xe hơn. Mẹ không nên rửa núm vú bằng xà phòng trước mỗi lần cho bú, chỉ cần vệ sinh vú mỗi ngày một lần trong lúc tắm rửa. Không nên bôi kem hoặc bôi thuốc vào đầu vú, sẽ không có tác dụng gì mà vú còn dễ bị nhiễm bẩn hơn. Không cần thiết phải ngừng cho trẻ bú bên vú bị đau.

 Khi mẹ đi làm trở lại

 Người mẹ cần chủ động thu xếp thời gian của mình để có thể tranh thủ cho con bú ở nhà, cho bé bú càng lâu càng tốt. Không nên nghĩ rằng vì phải làm việc lại, nên cần phải cho bé bú bình với ý định tập cho bé quen dần với thức ăn nhân tạo.

 Trước khi trở lại làm việc 2-4 ngày, mẹ nên giành thời gian để hướng dẫn cho người thân hay người giúp việc cách vắt sữa và cách cho bé ăn bằng bình sữa. Mẹ nên tranh thủ cho bé bú sữa mẹ vào ban đêm, sáng sớm và bất cứ lúc nào ở nhà, cách làm này sẽ giúp duy trì được lượng sữa mẹ.

 Vắt sữa trước khi mẹ đi làm và để lại cho người nhà cho bé uống bằng bình sữa. Nên thu xếp thời gian để vắt sữa, có thể cần thức dậy sớm hơn nửa giờ để kịp vắt sữa và cho bú. Vắt càng nhiều sữa vào trong ly sạch có miệng rộng càng tốt.

 Đậy ly sữa bằng một tấm vải sạch hay đĩa sạch và để ở nơi mát hay trong tủ lạnh. Sữa mẹ vắt ra ly đậy kín có thể để ở nhiệt độ phòng (19-260oc) từ 4 đến 8 tiếng (lý tưởng 4 tiếng). Trong ngăn mát tủ lạnh (<40oc) có thể để được 8 ngày (lý tưởng 3 ngày).

 Trong ngăn đá tủ lạnh (-18 đến-200oC) có thể để được đến 6 tháng. Sữa mẹ có thể để lâu hơn sữa bò vì có chất chống nhiễm khuẩn. Không cần phải hâm nóng sữa trước khi cho bé uống. Nếu không vắt sữa thường xuyên, lượng sữa sẽ giảm. Vắt sữa giúp cho mẹ được thoải mái và bớt chảy sữa.

 Có thể vắt sữa ở nơi làm việc, cho vào bình sạch có nắp đậy mang theo và đem về nhà cho bé bú. Nếu không thể bảo quản, mẹ có thể tận dụng để uống hoặc bỏ đi, sữa sẽ lại được tiết ra. Nhiều bà mẹ vẫn tiếp tục cho con bú sữa mẹ trong khi họ phải làm việc cả ngày và bé vẫn khỏe mạnh.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video