Xây dựng cụm công nghiệp – làng nghề ở Nga Sơn: Thành công và những trăn trở

07/01/2006
Đến nay, huyện Nga Sơn đã có tới 16.987 hộ sản xuất TTCN. Nhiều gia đình làm TTCN mà giàu lên. Nhiều doanh nghiệp tư nhân được thành lập với việc đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng và cả phương tiện vận tải biển để xuất khẩu hàng ra nước ngoài.

Nga Sơn, một huyện giàu tiềm năng về cây cói, cây đay. Riêng diện tích cây cói ở Nga Sơn đã có tới hơn 2.000 ha. Năm 2004, sản lượng cói khô trên địa bàn đạt hơn 26.000 tấn. Năm 2005, dù bão số 7 gây thiệt hại lớn nhưng toàn huyện cũng thu được hơn 20.000 tấn cói khô. Người dân Nga Sơn lại có truyền thống làm hàng thủ công xuất khẩu chủ yếu từ nguyên liệu cói, đay. Nhờ phát triển các mặt hàng công nghiệp, tiểu – thủ công nghiệp (CN-TTCN) mà đời sống của người dân Nga Sơn ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn đổi mới, huyện ủy, UBND huyện Nga Sơn đã có chủ trương chỉ đạo tập trung nên CN-TTCN không chỉ phát triển ở các xã ven biển mà còn mở rộng ra cả các xã vùng màu và vùng chiêm. Đến nay, huyện Nga Sơn đã có tới 16.987 hộ sản xuất TTCN. Nhiều gia đình làm TTCN mà giàu lên. Nhiều doanh nghiệp tư nhân được thành lập với việc đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng và cả phương tiện vận tải biển để xuất khẩu hàng ra nước ngoài.

 

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Nga Sơn là huyện đầu tiên trong tỉnh xây dựng được cụm công nghiệp – làng nghề (CN-LN) ngay tại thị trấn huyện với diện tích 7 ha. Hiện tại, cụm CN-LN này đã có 5 doanh nghiệp đầu tư với số vốn hàng trăm tỷ đồng, thu hút vào đây khá nhiều lao động. Công ty cổ phần Thương mại Khánh Trang đã đầu tư máy móc, nhà xưởng lên đến 20 tỷ đồng, thu hút 200 lao động để làm đồ gỗ xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Trang đầu tư 14 máy dệt chiếu xuất khẩu sang Nhật Bản đem lại nguồn thu ngoại tệ khá cao. Có thể khẳng định Cụm CN-LN thị trấn Nga Sơn là mẫu hình của sự đầu tư, các doanh nghiệp làm ăn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Anh Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thương mại Khánh Trang trao đổi: mới có 28 công nhân vận hành máy móc, thiết bị nhưng mỗi ngày đơn vị xuất khẩu đạt giá trị 75 triệu Việt Nam đồng. Nếu cấp đủ điện cho tất cả máy móc hoạt động thường xuyên thì một năm Khánh Trang có thể xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ đạt giá trị từ 4 đến 5 triệu USD.

 

Từ bài học kinh nghiệm ở Cụm CN-LN thị trấn Nga Sơn, huyện đã quy hoạch chi tiết 2 cụm CN-LN Tư Si (Nga Bạch) và Khe Niễng (Nga An). Huyện đã huy động từ ngân sách huyện, xã và các nguồn khác đầu tư 1,3 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, đền bù cho dân để thu hồi đất và đang tiến hành xây dựng đường chung quanh cụm CN-LN để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào xây dựng nhà xưởng. Một bài học khá hay của Nga Sơn trong đào tạo nghề là thông qua nhiều kênh: Trường dạy nghề của huyện, hội phụ nữ, hội nông dân, các doanh nghiệp và người lao động được đào tạo không chỉ một nghề mà phải biết nhiều nghề. Trên địa bàn huyện Nga Sơn hầu hết các hộ dân đều được đào tạo, tự học hỏi để có từ 2 nghề trở lên.

 

Vấn đề nổi bật là Nga Sơn luôn chú trọng làm sao có đủ nguyên liệu cói cho sản xuất TTCN, nhất là làm hàng xuất khẩu. Huyện chỉ đạo thâm canh tăng năng suất cây cói trên 2.000 ha hiện có bằng cải tạo đồng cao, bằng thau chua, rửa mặn, đưa giống cói mới và chuyển diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng cói, tận dụng diện tích đất ven sông. Nga Sơn phấn đấu đến năm 2010, diện tích cói cả năm phải đạt cho được 3.800 ha để sản lượng cói khô đạt 35.000 tấn. Và, như thế cũng có nghĩa là huyện bảo đảm tăng thêm từ 3 đến 4 vạn lao động có việc làm từ sản xuất TTCN.

 

Hiệp hội Chiếu cói Nga Sơn hoạt động 2 năm nay có hiệu quả, bảo đảm giá xuất khẩu cao, thu hồi tiềm năng về cho các doanh nghiệp khá tốt. Đây là một sự tác động đến nguồn thu từ xuất khẩu để địa phương tăng được nguồn thu ngân sách. Từ tăng nguồn thu mà huyện, xã có điều kiện để UBND xây dựng các làng nghề, các khu kinh tế tập trung như một thị tứ.

 

Thành công trong xây dựng Cụm CN-LN ở Nga Sơn đã thấy rõ, nhưng vẫn còn không ít nỗi trăn trở. Ví như vấn đề điện cho sản xuất trong cụm CN-LN ở thị trấn. Yêu cầu sản xuất của 5 doanh nghiệp trong cụm CN-LN lên đến 1.200 KW/giờ mà hiện tại máy biến áp lại chỉ đáp ứng được 25% yêu cầu. Vấn đề điện cho sản xuất tại đây đang còn nhiều chuyện “nhiêu khê”. Để giải quyết điện sản xuất cần phải bám chắc chủ trương của tỉnh là đưa đủ điện đến hàng rào khu công nghiệp, cụm CN-LN. Một điều trăn trở là khi tính thuế cho doanh nghiệp cần khấu trừ đầu vào của nguyên liệu, nhiên liệu. Như doanh nghiệp Việt Trang làm chiếu xuất sang Nhật Bản, chiếu phải xanh sợi cói.

 

Muốn sợi cói xanh (không được phơi khô như dệt chiếu nội địa) cần phải sấy, mỗi lò sấy 200 kg than. Đầu vào của lá chiếu phải có cả yếu tố than sấy sau cùng là các chính sách “khuyến công” từ tỉnh đến huyện cần phải kịp thời và đồng bộ mới đem lại niềm tin cho người sản xuất trong các cụm CN-LN.

Nguyễn Tuấn - Thanh Hoá

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video