Xây dựng giá trị gia đình Việt Nam – Góc nhìn từ các chuyên gia

28/06/2021
Vấn đề giá trị gia đình Việt Nam đang được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm phát huy các giá trị tốt đẹp và định hình các giá trị mới phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
TS Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đánh giá cao những ý kiến, thảo luận được đưa ra tại hội thảo

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống - Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và Giải pháp”, các đại biểu, chuyên gia về gia đình và giới đã đưa ra nhiều ý kiến, góc nhìn khoa học, sâu sắc về giải pháp, cách thức nâng cao giá trị gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới: Giá trị gia đình Việt Nam đang có sự thay đổi về khái niệm cũng như xác định nội hàm gồm năm giá trị trọng tâm “no ấm”, “tiến bộ”, “hạnh phúc”, “văn minh”, “bình đẳng”. Để xây dựng gia đình Việt Nam với những giá trị tiến bộ, không thể bỏ qua việc phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong đó có tình yêu thương gia đình và tinh thần hiếu nghĩa. Bên cạnh đó cũng cần truyền tải thông điệp về giá trị gia đình mới để phụ nữ, đặc biệt là người dân hiểu rõ, từ đó phát huy tốt vai trò của mỗi thành viên trong việc cùng nhau vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đưa ra ý kiến trong việc xác định nội hàm 5 giá trị trọng tâm

TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Cần có những nghiên cứu sâu hơn về sự thay đổi giá trị gia đình, trong đó nhiều giá trị mới về gia đình được hình thành trước tác động của bối cảnh khách quan để từ đó đưa ra những giải pháp cho từng thế hệ, từng thành viên nhận thức đúng đắn về những giá trị mới, tất yếu cần phải được quan tâm và hình thành.

Hai là, trong vấn đề giáo dục gia đình, theo TS Mai Hoa, nên nghiên cứu để phát huy vai trò của tất cả các thành viên cùng tham gia vào quá trình giáo dục con cái chứ không chỉ riêng phụ nữ, từ đó đưa giáo dục gia đình thành tự giáo dục, cung cấp cách thức để xác định được phương pháp giáo dục đúng đắn tránh tạo ra những xung đột, mâu thuẫn không đáng có và giúp nâng tầm vị thế của phụ nữ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình và có tiếng nói trong các Chương trình mục tiêu quốc gia , xây dựng Nông thôn mới… để tạo sự kết nối trong gia đình, thu hẹp khoảng cách bình đẳng giới.

Trong khuôn khổ buổi Hội thảo, nhiều ý kiến cũng được đưa ra liên quan đến cách làm cha mẹ, cách nuôi dạy con hiệu quả; sự thiếu hiểu biết về công cuộc phát triển lành mạnh của trẻ em; cần trang bị phương pháp kỷ luật tích cực, giáo dục con cái, nắm bắt cảm xúc của con, nói không với bạo lực cả về vật chất lẫn tinh thần… Đặc biệt, nền tảng để gia đình tồn tại phát triển là quan hệ hôn nhân, huyết thống; cần thực hiện các chỉ số về hạnh phúc, đáp ứng hiện thực sống và cần đề cao tôn vinh người mẹ và thiên chức của người mẹ trong gia đình.

Vấn đề về giáo dục gia đình được TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh

TS Đặng  Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam: Phát biểu bế mạc hội thảo, TS Đặng  Xuân Thanh đánh giá cao về những ý kiến, thảo luận được đưa ra. Theo ông, điều mà các diễn giả, chuyên gia cùng đồng tình, đó là gia đình Việt Nam đang bảo lưu tốt trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhưng đồng thời cũng đang biến đổi mạnh mẽ, ngày càng đa dạng, phân hóa. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao xây dựng gia đình với chức năng là thiết chế, nền tảng, là tế bào của xã hội.

TS Đặng Xuân Thanh khẳng định, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã định hướng xây dựng "gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" nhằm giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp gia đình Việt Nam, đồng thời đặt ra yêu cầu xây dựng và phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Chính vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu làm rõ hơn những giá trị gia đình của lõi, nền tảng của từng nhóm xã hội cụ thể. Phổ biến kết quả nghiên cứu về các giá trị gia đình và người dân Việt Nam hiện nay đang ủng hộ từ các nhà lập pháp, hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về gia đình để nắm rõ các giá trị gia đình hiện nay, đặc biệt là điểm khác biệt xã hội về giá trị gia đình.

Hội LHPN Việt Nam cần tiếp tục xem xét, nghiên cứu thực hiện các phong trào, cuộc vận động, tiêu biểu là Cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" theo hướng vừa tiếp tục các tiêu chí hiện nay vừa thí điểm bổ sung những tiêu chí mới gắn với những giá trị gia đình đang chuyển đổi.

 

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video