Xây dựng mô hình “Ngôi nhà bình yên” hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị buôn bán và bạo lực

13/11/2007
Theo báo cáo của Bộ Công an, trên toàn quốc cứ 2-3 ngày lại có một người chết liên quan đến bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình đã trở thành vấn đề bức xúc mang tính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình “ngôi nhà bình yên” nhằm giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của buôn bán, bạo lực - một mắt xích trong chuỗi hoạt động hỗ trợ PNTE chống lại nạn bạo hành là vô cùng cần thiết và đã được ra bàn luận tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ PNTE bị bạo lực gia đình do Tổ chức nhà hỗ trợ PNTE bị ngược đãi Đan Mạch (LOKK) và Hội LHPNVN tổ chức tại Trung tâm PN&PT trong 2 ngày 12,13/11/2007.

 

Tại đây, các nạn nhân sẽ được cung cấp miễn phí nơi ăn ở, theo dõi, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, hỗ trợ thủ tục pháp lý, đào tạo kỹ năng sống, hướng nghiệp và đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của từng thành viên và được trợ giúp trong quá trình tái hoà nhập sau khi rời khỏi nhà hỗ trợ.

 

Từ khi thành lập (tháng 3/2007) đến nay, đã có 50 nạn nhân đến tham vấn, 15 nạn nhân bị lực, 6 nạn nhân bị buôn bán ở các tỉnh: Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Hải Phòng, Huế, Hà Nội đến ở tại “ngôi nhà bình yên” do Trung tâm PN&PT (Hội LHPNVN) đảm nhiệm. Hầu hết các nạn nhân đến đây đều trong tình trạng sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng, tâm lý hoang mang, lo sợ. Điển hình như chị Văn Thị Xuân, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, 16 năm bị chồng hành hạ, đánh đập tàn bạo, rơi vào tình trạng “đói triền miên” dẫn đến suy kiệt, phải vào viện cấp cứu. Được hỗ trợ về mặt tâm lý, khám chữa bệnh, tạo điều kiện nghỉ ngơi, tạo việc làm thêm thu nhập, 2 đứa con theo học tại các trường trên địa bàn, sau 4 tháng chị Xuân đã hoàn toàn bình phục, chuẩn bị trở về tái hoà nhập. Từ một phụ nữ thôn quê, chị đã có thể tự tin, mạnh dạn trao đổi, nói chuyện trước đông người. Mong muốn của chị có nhiều hơn mô hình “ngôi nhà bình yên” để có nhiều phụ nữ có hoàn cảnh như chị được hỗ trợ, giúp đỡ, là địa chỉ tin cậy của chị em bị bạo hành, buôn bán.

 

Đây là mô hình mới ở Việt Nam nên trong quá trình hoạt động sẽ dần từng bước hoàn thiện quy trình, quy chế hoạt động; đòi hỏi có sự hỗ trợ, tham gia của chính quyền, các ngành, cơ quan liên quan và cần có sự ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước. Tại Hội thảo, đại diện tổ chức LOKK đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà tạm lánh tại Đan Mạch để các đại biểu tập trung thảo luận nhằm xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ bị buôn bán, bạo hành hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video