Xây dựng Văn phòng “một điểm đến” - địa chỉ hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương

06/03/2020
Xây dựng và vận hành Văn phòng "một điểm đến" trở thành địa chỉ hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ là một mục tiêu quan trọng trong Dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ tại Việt Nam" do Hội LHPN Việt Nam triển khai với sự tài trợ của Tổ chức KOICA thông qua Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM).

Người Việt Nam di cư ra nước ngoài vì nhiều mục đích, trong đó ngày càng có nhiều phụ nữ di cư vì mục đích kết hôn. Năm 2018, phụ nữ chiếm 85% trên tổng số 16.223 cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đón nhiều công dân Việt Nam di cư vì mục đích kết hôn nhất, đặc biệt là phụ nữ đến vừ các vùng nông thôn. Trong 5 năm trở lại đây, số cô dâu Việt Nam trên đất Hàn có xu hướng tăng lên (năm 2015 là 4.651 người, 2016 là 7.377, năm 2017 là 5.364 và năm 2018 là 6.338). Riêng năm 2018, phụ nữ Việt Nam có số lượng đông đảo nhất trong các cô dâu ngoại quốc kết hôn với công dân Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 38% trong tổng số 16.608 số cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Hàn Quốc, trong đó tỷ lệ ly hôn trung bình là 30% (thuộc nhóm quốc tịch có tỷ lệ ly hôn cao thứ hai), kéo theo 410 trẻ em bị ảnh hưởng mỗi năm.

Hội thảo khởi động dự án diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 06/3

Thực tế cho thấy, khi trở về Việt Nam, nhiều phụ nữ di cư hồi hương gặp khó khăn khi hòa nhập cộng đồng, khoảng 50% phụ nữ di cư hồi hương định cư ở nơi khác không phải quê hương do họ thiếu cơ hội việc làm, bị kỳ thị hoặc định kiến gia đình/xã hội, nhiều người thất nghiệp, thiếu sự tư vấn về pháp lý, tâm lý để họ có thể giải quyết vấn đề của mình và con cái của họ, từ đó có thể đẩy họ trở lại nghèo đói, tổn thương nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ thích đáng.

Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ di cư hồi hương chưa hoàn thành thủ tục ly hôn chính thức tại hai nước do thiếu thông tin, chi phí cao và các thủ tục, quy trình phức tạp tại hai nước, con của họ chưa được cấp giấy khai sinh hoặc quốc tịch vẫn chưa được xác định, 70% con của phụ nữ di cư hồi hương không đăng ký lưu trú và không biết tình trạng cư trú pháp lý ra sao.

Trước thực trạng đó thì hiện nay, vẫn vắng bóng của văn phòng “một điểm đến” để phụ nữ di cư hồi hương có thể tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn trước, trong và đặc biệt là sau khi kết hôn.

Chính vì vậy, dự án Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ tại Việt Nam do Hội LHPN Việt Nam triển khai với sự tài trợ của Tổ chức KOICA thông qua Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ Việt Nam để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương tái hòa nhập bền vững về mặt kinh tế xã hội khi trở về từ Hàn Quốc, chú trọng nhóm phụ nữ đã kết hôn và gia đình của họ thông qua việc xây dựng điểm Văn phòng dịch vụ hỗ trợ “một điểm đến”.

Được triển khai trong 2 năm (2020-2021), tại 5 tỉnh thành Hậu Giang, Cần Thơ, Hải Phòng, Hải Dương, dự án sẽ tập trung triển khai vào 4 nhóm hoạt động chính: Cải thiện môi trường hỗ trợ chính sách bao gồm tư vấn chính sách, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan; Xây dựng khuyến nghị về các chương trình phát triển và chính sách trong tương lai, bao gồm lộ trình để Hội LHPN Việt Nam; Nâng cao năng lực của Hội LHPN Việt Nam; Thành lập và vận hành các Văn phòng dịch vụ một điểm đến thí điểm tại 5 tỉnh, thành dự án để tư vấn và hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Bùi Thị Hòa phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo khởi động dự án diễn ra tại Hà Nội vào sáng 06/3/2020, Phó Chủ tịch Hội LHPN Bùi Thị Hòa khẳng định, trong bối cảnh di cư trong nước và quốc tế có xu hướng gia tăng, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết ở cấp độ quốc gia và liên quốc gia thì việc triển khai dự án là vô cùng ý nghĩa và thiết thực để có thể bảo vệ được quyền lợi của phụ nữ di cư hồi hương và các thành viên của gia đình họ, đặc biệt là trẻ em.

Ông Han Deog, Giám đốc Quốc gia của KOICA Việt Nam cho biết, hôn nhân di cư không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt đẹp, đặc biệt là đối với phụ nữ khi họ gặp phải khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán ở cộng đồng mới và đôi khi không vượt qua được. Khi đó, họ muốn trở về nhà, về quê hương, bên cạnh những người thân của họ và Chính phủ phải có trách nhiệm ở bên cạnh họ, hỗ trợ họ. Hội LHPN Việt Nam có nhiều lợi thế khi có mạng lưới rộng khắp đến tận cơ sở, có thể hỗ trợ phụ nữ tốt nhất tạo thành nền tảng vững chắc cho Dự án để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương tốt nhất.

Ông Han Deog, Giám đốc Quốc gia của KOICA Việt Nam 

Tại hội thảo khởi động dự án, đại diện Hội LHPN các tỉnh, thành triển khai dự án, các bộ, ngành và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã phát biểu đồng tình, đánh giá cao ý nghĩa của Dự án đồng thời thể hiện cam kết sự trách nhiệm cao trong tham gia thực hiện dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các đại biểu tham gia hội thảo thể hiện cam kết tham gia có trách nhiệm trong quá trình thực hiện Dự án

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video