Xin lỗi con – khó mà dễ

27/02/2011
Tôi đồng cảm vô cùng với anh Nguyễn Khang. Làm cha mẹ, nhất là lại làm cha con gái thì lo lắng vô cùng, hơi một tí thì sợ con “khôn ba năm dại một giờ”. Và càng lo hơn khi con đi đêm về hôm, điện thoại thì ò, í, e…, muốn tìm cũng không biết đi đâu, ngồi nhà bó gối chờ con mà lòng như lửa đốt… Tôi hoàn toàn hiểu khi anh nổi nóng đánh mắng con, như chuyện từng xảy ra ở gia đình tôi.

Con trai tôi có tính tự giác rất cao, tôi rất tự hào về nó. Còn nhớ, khi cháu lên lớp 5, tôi chỉ cần nói một câu: “Con chịu khó học thì được tuyển thẳng, khỏi phải thi chuyển cấp”, thế là cu cậu chăm chỉ học, cả quyển vở chỉ có một con 9, còn lại là điểm 10 từ đầu đến cuối. Tôi bất ngờ trước tính tự lo của con và từ đó rất an tâm. Thế mà khi chúng tôi có cháu thứ hai, con trai tôi trở nên lầm lì, ít nói. Một hôm nó đi học không về, vợ chồng tôi chờ cơm mãi không thấy nên đã chạy đến trường. Cổng trường vắng tanh. Chạy đến nhà sách nơi con trai thường vào đọc, cũng không thấy chiếc xe đạp quen thuộc. Tôi gọi điện thoại cho anh bạn là công an, anh trấn an: “Sau 9g tối rồi tính”. Tôi nằm chờ thời gian trôi qua mà lòng còn hơn lửa đốt, đứa con trai 14 tuổi làm gì ngoài đường giờ này, giấy tờ tùy thân không có, lỡ có chuyện gì thì biết làm sao? 

9g30 anh bạn công an đưa con trai về nhà, cu cậu mặt xanh như tàu lá. Hỏi ra mới biết, bị cô giáo trách mắng nên cu cậu buồn, bèn đi vào nhà sách, nhưng do cửa trước quá đông xe, nó gửi cửa sau. Còn chúng tôi thì chỉ chạy ngang qua cửa trước vừa không thấy xe là hớt hải đi tiếp. Tôi bắt đầu lo vì thấy con tính tình kỳ quái, cô giáo la một chút đã cho là nặng nề và buồn nhiều… Nhưng tôi bỏ qua, không đề cập đến, coi như không có chuyện gì.

Lần tiếp theo, vào ngày cuối tuần, cu cậu đi chơi với bạn về trễ mà không xin phép; để cha mẹ chờ cửa, chờ cơm. Giận quá, tôi bỏ lên phòng sau khi đuổi con ra khỏi nhà. Nó bỏ nhà đi thật. Cơn giận bốc lên ngùn ngụt, tôi khóa trái cửa, không cho con vào nhà. Vợ tôi là người tâm lý, khi phát hiện tôi làm vậy, cô ấy đã thúc hối tôi đi tìm con. Về phía con trai, khi về nhà thấy khóa trái cửa, đã đến nhà bạn ngủ, sáng đến, không dám làm phiền gia đình bạn nên vội vã ra khỏi nhà, để rồi ngồi ở ven đường gần nhà. Hai vợ chồng lấy xe chạy rảo rảo, từ xa thấy con ngồi cô độc, mặt buồn rười rượi, mặt mũi tay chân dơ dáy. Vợ tôi trách tôi khủng khiếp, cô ấy nói: “Anh chỉ còn cách xin lỗi con, may ra hai cha con mới gần nhau, bằng không nhà mình sẽ có một mặt trời và một mặt trăng”. Tôi suy nghĩ lung lắm trên suốt quãng đường về nhà, lối giáo dục xưa in hằn trong tôi, xin lỗi con ư? Khó quá!

Thông qua vợ, tôi được biết con không bỏ nhà đi ngay khi tôi đuổi mà chạy sang nhà bạn lấy lại quyển tập cho bạn mượn. Tôi đã hồ đồ, võ đoán, nếu lỡ đêm ấy con đi lang thang, bị dụ dỗ,  bỏ nhà đi hoang luôn thì sao? Để rút ngắn khoảng cách cha con ngày càng xa, tôi đã mở đầu buổi cơm tối bằng câu: “Xin lỗi con trai, vì lo cho con mà ba cư xử với con quá nhẫn tâm. Ba mong muốn sau này khi con gặp bất cứ chuyện gì dù khó khăn đến đâu thì người đầu tiên con nghĩ đến phải là ba mẹ. Ba mẹ sẽ giúp con”. Con trai tôi ngồi suy nghĩ, cười hồn nhiên, nó nói: “Con tưởng ba mẹ có em nên quên con rồi chứ”. Nói rồi nó nhào đến ôm tôi. Chuyện mà tôi nghĩ là khó nhưng sao lại nhẹ nhàng, ấm áp đến thế. Sau lần xin lỗi ấy, con trai tính tình ngày càng cởi mở, về đến cổng là “Ba, ba, có chuyện này hay lắm…”

Anh Khang ạ! Hãy bỏ qua định kiến đi, đừng vì là bậc “trưởng lão” mà phải đạo mạo, khó khăn để rồi làm tổn thương con, khiến cha con không thể tâm tình, trò chuyện. Tôi đã mở lời xin lỗi và thấy đã nhận được giá trị ngược lại với những gì mình nghĩ: con tôi tôn trọng và thương yêu tôi hơn.

Theo Quốc Vỹ - www.phunuonline.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video