XÍU MẠI

04/02/2006
Vật liệu - thực hành

A. Làm nước sốt với nước hầm xương:

 

 

- Hầm 500gr xương heo hoặc đầu gà làm sạch với 3 lít nước + 1 muỗng cà phê muối + 200gr hành tây tách tép. Hầm nhỏ lửa trong khoảng hơn 1 giờ, vớt bọt liên tục, để nước cạn còn chừng 2, 5 lít là được, lược bỏ xác xương, hành.

- Hoà tan 1 muỗng súp bột năng với nửa chén nước dùng nguội, để riêng.

- 300gr cà chua chín, rửa sạch, cắt miếng nhỏ, xay nhuyễn (hoặc dùng máy ép vắt) lược qua rây bỏ xác, lấy nước cà chua, cho vào nồi nước hầm. Nấu sôi rồi nêm lại với chút muối, từ từ từng ít một cho sốt vừa đậm đà chứ không có vị mặn là được, rồi mới châm nước bột vào từ từ, vừa châm vừa khuấy đều cho nước dùng chỉ hơi lền lại chút thôi chứ không ở dạng sệt. Giữ ấm nước hầm trên bếp.

- Lưu ý khâu làm sệt nước dùng: Nếu làm quá sệt thì khi giữ nóng trên bếp, nước sốt sẽ càng lúc càng đặc hơn.

B. Làm xíu mại: Dùng nạc heo có mỡ để làm, các phần thịt heo sau có thể dùng làm xíu mại.

- Thịt thăn lưng là phần thịt ngon nhất: Khi thịt thăn được pha ra thành thỏi dài luôn có một lớp mỡ mỏng bao quanh, giữ phần mỡ này lại.

- Thịt mông có lớp mỡ, pha thịt sao cho phần mỡ chỉ bằng 1/5 phần nạc, không lấy da.

- Nạc dăm là phần thịt có lẫn mỡ.

- Nạc nọng là phần thịt nằm dưới hàm con heo, có lớp nạc lớp mỡ chen sắp lớp. Nạc nọng có lớp mỡ rất dòn nhưng phần thịt này không có nhiều trong một con heo.

1. 400gr thịt heo tùy chọn một trong các loại trên, cắt thành miếng nhỏ + 100gr tôm lột vỏ băm + 1 muỗng cà phê muối + 1/3 muỗng cà phê tiêu + ½ muỗng súp hành tím băm. Băm nhuyễn chung tất cả với dao thớt hoặc dùng máy xay cắt có dao hình chữ S, máy xay thịt kiểu gia đình. Nhưng lưu ý khi dùng máy xay cắt đừng làm nhuyễn mịn quá mà thịt băm còn phải tương đối dạng hột cát một chút mới ra viên xíu mại. Làm xíu mại không phải chắc dai như làm nem mà viên thịt phải mềm xốp để dễ dàng tải mỏng ra trong ổ bánh mì. Bếp người Tàu vẫn chuộng cách băm cổ điển bằng dao thớt hơn là dùng máy xay cắt vì khi băm họ có thể kiểm soát độ mịn của thịt dễ hơn.

2. 150gr củ sắn nước hay còn gọi là củ đậu (yam bean, pachyrrhizus) lột vỏ, rửa sạch, cắt dọc thành từng lát mỏng rồi mới xếp từng vài lát lên nhau, cắt lại thành dạng sợi rồi cuối cùng băm nhuyễn. Dùng một cái rây hay dùng hai lòng bàn tay ép vắt phần củ đậu đã băm nhuyễn cho ráo nước rồi trộn thật kỷ phần củ đậu này vào hỗn hợp tôm thịt.

3. Chuẩn bị xửng hấp nhiều nước sôi, khay hấp. Chuẩn bị chừng 2 - 3 muỗng súp dầu mè đen (loại dầu mè này cho mùi thơm của mè, còn loại dầu tinh luyện màu vàng, không có mùi), rửa sạch hoặc mang găng nhựa chuyên dùng, xoa dầu vào hai lòng hai bàn tay, dùng một cái vá nhỏ để chia thịt cho đều, lấy vá múc từng phần hỗn hợp tôm thịt, dùng tay vo tròn thịt thành viên cỡ trái bóng bàn, sắp viên thịt vào khay cho thưa ra. Hấp khoảng 30 phút sau khi nước sôi là chín. Chắc lấy nước hấp thịt đọng trong kahy hấp, cho vào nồi nước hầm.

4. Lấy thịt chín ra thả vào nồi nước hầm sốt cà chua trên bếp, giữ nóng ấm trên bếp chứ không cần sôi.

5. Làm đồ chua ăn kèm:

- Pha hỗn hợp dấm đường: Tùy chất lượng dấm mà bạn đang có, pha loãng một phần dấm với 5 - 6 phần nước lọc sao cho chỉ cần có vị chua rất nhẹ là được rồi cho vào từ từ chút xíu đường, khuấy tan đường cho có thêm vị ngọt cũng rất nhẹ. Điều này hoàn toàn tùy vào khẩu vị riêng của các bạn.

- Cà rốt, củ cải trắng gọt vỏ rồi cắt thành dạng sợi. Nếu dùng bàn bào sợi thì sợi cà rốt hay củ cải sẽ không dòn bằng cắt tay. Nếu dùng dao thớt hãy cắt sợi cà rốt bằng chừng 1/5 thân đũa còn củ cải trắng thì bằng chừng 1/3 thân đũa là vừa.

- Ngâm củ cải, cà rốt trong dấm đường chừng hai giờ rồi vớt ra để ráo xong cho vào tủ lạnh, khi thực hiện món ăn mới lấy ra sử dụng thì củ cải và cà trốt khá giòn.

6. Trình bày món ăn: Rọc ổ bánh mì làm hai, tải mỏng một hoặc hai viên xíu mại lên một mặt bánh và đặt lên chỉ vài sợi đồ chua, mặt bên kia tưới ều ít nước sốt rồi đặt lên vài cọng ngò, nêm chút tiêu muối, khi gấp lại ổ bánh mì mới gọn đẹp, nếu cho xíu mại và nước sốt cùng một bên, ổ bánh mì dễ bị thấm ướt và bể ra.

7. Nói thêm: Theo cách của một số bếp Tàu là họ thay củ đậu bằng củ cải trắng làm cho xíu mại có vị hăng nồng nhẹ hoặc dùng trái ớt Đà Lạt để tạo mùi ớt nhưng không cay cho xíu mại v.v... Với những người dị ứng các loại thực phẩm như tôm, thịt bò thì không dùng tôm trong cách làm xíu mại này. Nếu dùng thịt thăn lưng (hay còn gọi là thịt cốt-lết) để làm xíu mại thì bếp Tàu hay dùng một mẩu xương sườn cắm vào viên thịt và gọi là xíu mại sườn.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video