Xuất khẩu thủy sản - Chỗ dựa của kinh tế nghề biển

07/01/2006
Đến nay, sản phẩm của công ty đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Italia và Liên bang Nga.

Ngoài hàng xuất khẩu chủ lực như tôm sú, cua, mực, cá rô phi, giữa năm 2005, công ty đã thu mua, chế biến tôm thương phẩm VANAMAY, tôm Boom bu (loại tôm chỉ khai thác ở biển), ngao để sản xuất hai sản phẩm là ngao bóc hẳn vỏ và ngao tách nửa vỏ), đạt giá trị kinh tế cao.

 

Trước  nhu cầu nuôi trồng, khai thác  thủy hải sản, nhất là  những sản phẩm  phục vụ cho xuất khẩu đạt giá trị kinh tế cao của các địa phương ngày càng tăng, ngoài nhà máy tại Mật Sơn, năm 2001 Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng một nhà máy mới tại Khu Công nghiệp Lễ Môn với công suất 2.500 tấn sản phẩm/năm. Đây là nhà máy hiện đại, thiết bị công nghệ đạt tiêu chuẩn EU. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, công ty đã tuyển dụng và đào tạo tay nghề cho hàng trăm công nhân có đủ trình độ vận hành các trang thiết bị máy móc hiện đại; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ thị trường, nên hoạt động  sản xuất, kinh doanh của công ty ngày càng đạt hiệu quả, doanh thu qua hàng năm đều tăng.

 

Xác định đây là một lĩnh vực khó khăn, muốn sản xuất, kinh doanh có hiệu quả thì vấn đề  nguyên liệu phục vụ cho chế biến mang tính quyết định. Nguồn nguyên liệu này phải từ 2 nguồn là thu mua từ khai thác và nuôi trồng.  Cả 2 nguồn này thời gian qua đều có trắc trở. Từ khâu khai thác biển thì những năm qua do trình độ và phương tiện đánh bắt còn nhiều hạn chế, nên nguyên liệu chưa nhiều. Trong lĩnh vực nuôi trồng; tuy  có bước phát triển nhưng chưa vững chắc, số lượng còn hạn chế. Tình hình đó, buộc công ty phải  có nhiều giải pháp, chính sách thu mua nguyên liệu  linh động, hấp dẫn mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Từ năm 2003, công ty đã ký hợp đồng thu mua nguyên  liệu với 40 chủ đồng nuôi ở các huyện, thị xã ven biển, thực hiện đầu tư ứng trước với lượng vốn khá lớn. Công ty còn đầu tư cho xây dựng khu đồng nuôi tại huyện Nông Cống với diện tích 14 ha (năm 2005 năng  suất đạt  3,5 tấn tôm/1 ha).

 

Chính vì thế đã góp phần  cho công ty chủ động được 50% nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu; 50% nguyên liệu còn lại, công ty mở rộng mua ở tỉnh ngoài từ Quảng Bình  ra đến Hải Phòng và Quảng Ninh. Trước đây, hàng xuất khẩu chủ lực là tôm sú và một số sản phẩm nước mặn, từ năm 2004 công ty mở rộng mặt hàng xuất khẩu  sang con nuôi nước ngọt. Cuối năm 2004, công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số  huyện và đã xuất khẩu được sản phẩm cá rô  phi nước ngọt đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Cùng với nhiều biện pháp tích cực nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu, công ty đặc biệt coi trọng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường  tiêu thụ sản phẩm. Tháng 7 năm 2004, Liên minh Châu Âu đã công nhận 159 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào thị trường châu Âu, trong đó  Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa là 1 trong 39 doanh nghiệp được xuất sản phẩm vào thị trường Thụy Sĩ. Đây là khởi đầu quan trọng để công ty ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sang các thị trường khác. Đến nay, sản phẩm của công ty đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Italia và Liên bang Nga.

 

Ngoài hàng xuất khẩu chủ lực như tôm sú, cua, mực,  cá rô phi, giữa năm 2005, công ty đã thu mua, chế biến tôm thương phẩm VANAMAY, tôm Boom bu (loại tôm chỉ khai thác ở biển), ngao để sản xuất hai sản phẩm là ngao bóc hẳn vỏ và ngao tách nửa vỏ), đạt giá trị  kinh tế cao.

 

Chính nhờ sự nỗ lực trên, năm 2004 công ty đã chế biến đạt 1.800 tấn thành phẩm, doanh số xuất khẩu đạt trên 6 triệu USD; năm 2005, chế biến đạt trên 2.500 tấn thành phẩm, doanh số xuất khẩu đạt gần 7 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 1,8 tỷ đồng, bảo đảm việc làm  cho 600 lao động với thu nhập đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng và hoàn thành nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước. Số liệu nói trên mới chỉ là một phần, cái lớn hơn chính xuất khẩu thủy sản đang dần dần trở thành chỗ dựa cho kinh tế nghề biển. Đa dạng hóa sản  phẩm xuất khẩu đồng nghĩa với việc đa dạng loại hình việc làm, từ đó nhân dân vùng biển yên tâm về thị trường tiêu thụ, hăng hái trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy hải sản.

 

Với khả năng và năng lực hiện có của công ty, hy vọng trong thời gian tới nhân dân các huyện, thị xã ven biển sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nuôi trồng thủy sản, vươn khơi xa khai thác hải sản có giá trị cao, vừa để bảo đảm nguyên liệu cho nhà máy chế biến xuất khẩu, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh: Xuân Hùng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video