Xưởng may ấm tình người - nơi cưu mang, giúp đỡ người khuyết tật

01/06/2020
Xưởng may của chị Phạm Thị Luyện ở xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình là nơi đang giúp đỡ, cưu mang những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, tạo cho họ công ăn, việc làm ổn định và được sống trong môi trường thấm đượm tình người.
Xưởng may của chị Phạm Thị Luyện ở xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình là nơi đang giúp đỡ, cưu mang những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, tạo cho họ công ăn, việc làm ổn định và được sống trong môi trường thấm đượm tình người.

Chị Luyện sinh ra trong một gia đình nghèo, ba đi chiến trường bị nhiễm chất độc dioxin, mẹ cũng bị thương tật, gia đình có sáu chị em thì có hai người bị nhiễm chất độc da cam. Chiến tranh đã gây ra cho gia đình chị những nỗi đau, mất mát không gì bù đắp được. Chính vì thế, chị luôn ấp ủ rằng mình phải có việc làm, có thu nhập ổn định để bớt đi gánh nặng lo ăn từng bữa cho gia đình và hơn thế, còn có thể giúp đỡ gia đình và mọi người xung quanh.

Chị suy nghĩ và quyết định học nghề may để kiếm sống. Khi học được nghề may cơ bản, chị xin vào làm ở công ty May 10. Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho vay vốn để đi xuất khẩu lao động, chị nắm bắt cơ hội và với kinh nghiệm trong nghề may, trong thời gian đi xuất khẩu lao động, chị chăm chỉ, miệt mài làm việc với mong muốn sớm có tiền để trả nợ, tích lũy được một số vốn để khi hết thời hạn hợp đồng trở về nước có thể mở được một cửa hàng may cho riêng mình. Chính vì vậy, khi ở nước ngoài, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị còn học thêm về thiết kế và quản lý.

Sau thời hạn hợp đồng lao động ở nước ngoài, chị Luyện trở về nước, với số vốn tích cóp được, đầu năm 2016, chị đầu tư mở xưởng may gia công ngay tại quê hương. Ban đầu, xưởng may của chị có 4 thợ, chủ yếu là người khuyết tật và phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hiện nay xưởng may của chị đã có 20 lao động, trong đó 9 lao động khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Luyện chia sẻ: “Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn, đôi khi muốn buông xuôi, nhưng ước mơ làm thế nào để giúp những người khuyết tật có việc làm ổn định, nuôi sống bản thân, hòa nhập với cộng đồng, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội đã giúp tôi có động lực để vượt qua khó khăn”. Để có được việc làm thường xuyên, ổn định cho 20 lao động, chị đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, tìm kiếm các nguồn hàng mới, sáng tạo trong mẫu thiết kế như váy, trang phục biểu diển văn nghệ, trang phục phục vụ cho các lễ hội để phù hợp xu thế hiện nay. Nhờ vậy, doanh thu của xưởng dần tăng lên, năm 2017 đạt 2 tỷ đồng/năm. Năm 2018, chị Luyện đã ký hợp đồng với Công ty sản xuất quần áo thời trang xuất khẩu sang nước ngoài. Thu nhập của thợ may được tăng lên bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng.

Xưởng may không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi để những người khuyết tật chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống. Điều chị Luyện đang ôm ấp, trăn trở là tìm được một địa điểm lớn hơn để mở rộng xưởng may, chị cũng mong muốn nhận được sự đồng hành của các cấp, các ngành hỗ trợ về vốn, tập huấn nâng cao tay nghề, tìm kiếm thị trường, giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Như Quỳnh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video