Ý kiến về dự thảo Luật hôn nhân và gia đình

30/05/2014
Chiều ngày 27/5, tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã họp phiên toàn thể thảo luận về dự thảo Luật hôn nhân và gia đình. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa, đoàn đại biểu Bắc Ninh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã đóng góp ý kiến. Website TW Hội LHNP Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

1, Về nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình:

Khoản 3 điều 2 quy định: Các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau…quy định như dự thảo ngắn gọn nhưng không bao quát hết được các mối quan hệ gia đình với các cấp độ khác nhau. Trong dự thảo có đến 3 chương quy định: Chương II quan hệ giữa vợ và chồng; Chương V – quan hệ giữa cha mẹ và con; Chương VI – quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình. Nói đến quan hệ vợ chồng còn phải nói đến chung thủy; quan hệ cha mẹ - con cái thì nghĩa vụ trước hết nuôi dưỡng…các quy định cụ thể trong chương V đều đề cập đến nghĩa vụ nuôi dạy, nuôi dưỡng, nuôi, nhưng không được quy định tại khoản 3 – điều 2.

Tôi đề nghị nên quy định như luật hiện hành (khoản 4, điều 2)

2, Về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.

Khoản 2, điều 5 quy định các hành vi cấm trong đó có hành vi bạo lực gia đình. Quy định rất ngắn gọn nhưng theo quy định của luật phòng chống bạo lực gia đình thì có tới 9 hành động cụ thể của hành vi bạo lực gia đình, rất khó nhớ.

Tôi đề nghị, do vị trí của luật hôn nhân và gia đình nên cần giữ lại 1 số quy định cụ thể như luật hiện hành: Cha mẹ không được ngược đãi hành hạ, xúc phạm con, nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

3, Về chấm dứt hôn nhân.

- Diễn đạt ở khoản 2 điều 51 chưa rõ ràng “Cha mẹ, người thân thích khác…đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình…

Tôi đề nghị không nên kèm theo điều kiện “đồng thời là nhạn nhân của bạo lực gia đình…

- Điều 56, điểm a – khoản 1 quy định “vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ khác của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Trong dự thảo không thấy có quy định mục đích của hôn nhân. Theo tôi nên bổ sung để có cách hiểu thống nhất khi giải quyết ly hôn

4, Quy định đại diện giữa vợ và chồng.

- Khoản 1, điều 26 quy định “việc đại diện giữa vợ hoặc chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài khoản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại điều 24 và điều 25 của luật này. Đọc điều 24 và điều 25 thì thực hiện “theo quy định luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan, các luật liên quan có quy định khác”.

- Quy định như trên thật là khó với người dân, đặc biệt là ở nông thôn, nhất là phụ nữ vì tìm 1 văn bản luật không dễ, cả xã chỉ có 1 tủ sách pháp luật.

5, Chế độ tài sản của vợ chồng.

- Nguyên tắc chung về chế độ tài sản: Đề nghị cần bổ sung giải thích từ ngữ “lao động trong gia đình” vì theo báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội là “có nội hàm rộng hơn khái niệm” công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung.

- Khoản 2 điều 26 quy định “trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ 3 trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của luật này thì giao dịch đó vô hiệu”.

Dự thảo bổ sung “trừ trường hợp theo quy định của pháp luật, người thứ 3 ngay tình được bảo vệ quyền lợi”

Việc bổ sung như vậy thực chất là đã bảo vệ người có tên trên giấy chứng nhận mà số đông là người chồng, rất bất lợi cho phụ nữ, nguyên tắc vợ chồng bình đẳng với nhau về tài sản khó thành hiện thực.

Sáng 27/5 Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo luật nhà ở, có nhiều quy định rất rõ ràng trong giao dịch nhà ở - Ví dụ điều 117, 123, 134, 142…

Tôi đề nghị không nên bổ sung quy định “ trừ trường hợp theo quy định của pháp luật, người thứ 3 ngay tình được bảo vệ quyền lợi”.

6, Về chế độ tài sản của vợ chồng.

Dự thảo có quy định mới về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Tôi đồng tình với nhiều nội dung của báo cáo đánh giá tác động về hệ lụy của việc chỉ có 1chế độ tài sản. Tuy nhiên muốn theo chế độ thỏa thuận thì thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn. Dù rằng đây không phải là quy định bắt buộc nhưng nếu thực hiện theo chế độ tài sản thỏa thuận thì 2 tiếng “gia đình” chẳng còn gì là thiêng liêng. Nói đến quan hệ vợ chồng thường gắn với các hình ảnh “chung lưng đấu cật, đầu gối tay ấp, đầu bạc răng long, thuận vợ, thuận chồng” nhưng trước khi chính thức là vợ chồng đã phải ký thỏa thuận tài sản thì có gọi là vợ chồng không hay chỉ là góp gạo thổi cơm chung.

7, Khoản 3 điều 97 quy định “người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản…

Quy định này có phù hợp với phụ nữ nông thôn không?

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video