Yêu cầu khách quan về lồng ghép giới trong dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi)

21/09/2016
Dự thảo Luật Du lịch sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới. Để có thêm căn cứ làm cơ sở góp ý phản biện của Hội vào dự thảo Luật, ngày 21/9, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên gia “Lồng ghép giới trong dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi)”.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác kỹ thuật nhân quyền giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc giai đoạn 2014- 2016.

Khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, tỷ lệ phụ nữ làm việc tại các nhà hàng, khách sạn và các cơ sở dịch vụ du lịch cao hơn so với lực lượng lao động nói chung, ở mức 56% (theo số liệu của Chương trình phát triển nhân lực du lịch đến năm 2015 của Tổng cục Du lịch). Vào thời điểm nông nhàn, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở vùng nông thôn cũng tham gia vào hoạt động du lịch để có thêm thu nhập. Chính vì vậy, phụ nữ rất cần được quan tâm trong việc được đào tạo các cơ hội việc làm cũng như được hưởng các chính sách dành cho khách du lịch, lực lượng tham gia ngành du lịch có nhạy cảm giới. Điều này đặt ra vấn đề khách quan về yêu cầu lồng ghép giới trong Luật Du lịch (sửa đổi).

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến sâu về các vấn đề giới, việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới những nội dung chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới… trong dự thảo Luật; trong đó đáng chú ý như: Dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh gồm khách du lịch, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng động dân cư, cá nhân có liên quan đến du lịch. Tất cả các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh đều chung cho cả nam và nữ. Các quy định về nguyên tắc, chính sách phát triển du lịch, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, điều kiện… đều như nhau. Trong khi đó, xét về góc độ giới thì nam và nữ có những nhu cầu, mối quan tâm, điều kiện, cơ hội không giống nhau. Điều này dễ làm cho nguy cơ bất bình đẳng giới rất dễ xảy ra, gây bất lợi cho phụ nữ.

Bên cạnh đó, các quy định về chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện; quyền tham gia của cộng động dân cư trong phát triển du lịch …. trong dự thảo luật cũng chung chung, trung tính về giới. Mà thực tế lại cho thấy, tỷ lệ phụ nữ đứng tên sổ đỏ thấp hơn nam giới, khó khăn trong việc chủ động vay vốn, gópvốn vào đầu tư phát triển du lịch; phụ nữ, đặc biệt phụ nữ ở nông thôn thường ít thời gian nghỉ ngơi và điều kiện thụ hưởng du lịch hơn; lao động nữ cũng bị hạn chế về cơ hội tham gia thị trường laođộng du lịch do tay nghề thấp hơn, khả năng cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực kém hơn lao động nam…

 

Từ đó, các ý kiến đề xuất, kiến nghị đưa ra đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung thêm nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới vào quy định nguyên tắcphát triển du lịch của Luật.

Cần có quy định rõ việc quảng cáo không mang tính phân biệt đối xử về giới; bổ sung quyền của hướng dẫn viên nữ được từ chối nếu khách du lịch có những hành vi xâm hại hoặc nguy cơ bị xâm hại tình dục; bổ sung quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch có quyền từ chối tiếp nhận đối với những khách có hành vi phân biệt đối xử về giới và không được từ chối tiếp nhận đối với khách vì lý do liên quan đến bình đẳng giới.

Khoản 5, Điều 10 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch đề nghị sửa lại là nghiêm cấm “Phân biệt đối xử về giới trong việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên du lịch; phân biệt về giới đối với khách du lịch và trong các hoạt động khác về du lịch….”

Khoản 4, Điều 14 quy định về cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch cần bổ sung nhấn mạnh sự ưu tiên đối với phụ nữ có thai, trẻ em, người già, người khuyết tật…

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật cũng cần có báo cáo đánh giá về yếu tố giới cũng như dự báo tác động của các quy định trong dự án Luật đảm bảokhi Luật được ban hành không làm gia tăng bất bình đẳng giới. Bổ sung tờ trình ý kiến phản biện của Hội LPHN Việt Nam và các báo cáo phụ lục thông tin số liệu về giới, báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của một số đối tượng theo quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

Các ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo sẽ được TW Hội LHPN Việt Nam tiếp thu, nghiên cứu làm căn cứ để góp ý phản biện xã hội vào Dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video