Yêu thương để cảm hóa những lỗi lầm

17/05/2016
Có lẽ khi nói đến vấn đề giữ gìn an ninh trật tự, mọi người thường nghĩ ngay đến các chiến sỹ công an, cảnh sát giao thông, quản lý trật tự đô thị/quận/huyện…Nhưng ít ai biết rằng với những việc làm nhỏ bé, cụ thể rất “phụ nữ” và bằngtấm lòng nhân ái, trách nhiệm, tình cảm,những người cán bộ Hội Phụ nữđã góp phần tích cực làm giảm tình hình tội phạm, giữ gìn bình yên cuộc sống, cảm hóa những trẻ em hư, nhữngngười lầm lỡ…

Yêu thương, cảm hóa trẻ em hư…

Hải Phòng là thành phố Cảng đang vươn mình phát triển mạnh mẽ cùng với cả nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Bên cạnh những tác động tích cực trong quá trình phát triển thì cũng nảy sinh một số vấn đề bức xúc của xã hội như: số người tái nghiện, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, trẻ em hư bỏ học, tình trạng bạo lực học đường, trẻ em gái bị xâm hại, tỷ lệ lao động không có việc làm, thiếu việc làm…đã ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn thành phố.

Trước tình hình đó, Hội LHPN và Công an thành phố Hải Phòng đã bàn bạc thống nhất thành lập mô hình “Chi, tổ phụ nữ tiết kiệm, tương trợ, nuôi dạy con tốt” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết liên tịch 01/TW giữa hai ngành về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; đồng thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, đem lại lợi ích thiết thân đối với hội viên, phụ nữ và người thân của họ.

Mô hình được triển khai có 3 tiêu chí (tiết kiệm, tương trợ, nuôi dạy con tốt) được lượng hóa rõ ràng: 80% trở lên thành viên tham gia mô hình thực hành tiết kiệm ít nhất 10.000 đồng/tháng; 80% trở lên thành viên được tương trợ về vốn, kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con và phát triển kinh tế, phấn đấu không còn thành viên tham gia mô hình thuộc hộ nghèo, cận nghèo; Phấn đấu không còn trẻ em từ 0-6 tuổi suy dinh dưỡng, trẻ em trong độ tuổi đến trường bỏ học, trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội.

Hội LHPN Thành phố đã chọn điểm chỉ đạo mô hình, phối hợp với Công an khảo sát, thống kê nắm thực trạng gia đình hội viên có con em dưới 16 tuổi vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, bỏ học, suy dinh dưỡng…từ đó có các biện pháp giúp đỡ cụ thể đến từng đối tượng. Nhờ có sự giúp đỡ tận tình, chân thành của các cán bộ Hội, các chiến sỹ Công an mà nhiều trẻ em hư, trẻ em bụi đời đã có những chuyển biến tích cực. Các anh, các chị đã trở thành người cha, người mẹ của các em, giúp các em có cơ hội “vượt lên chính mình” trở thành con ngoan, trò tiến bộ. Cháu Huy có bố đi tù, mẹ bỏ đi, cháu ở cùng chú ruột bệnh tật, được Hội giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí để cháu được tiếp tục đi học; cháu Long từng bỏ nhà đi bụi đời được hỗ trợ học nghề, đến nay cháu đã tự mở được tiệm bánh ngọt riêng …Còn rất nhiều những trường hợp, những cảnh đời khó khăn khác đã được các cán bộ Hội, các chiến sỹ cảnh sát khu vực kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ để các cháu vững vàng hơn trong cuộc sống, tránh xa cạm bẫy.

Sau gần 3 năm triển khai, mô hình “Chi, tổ phụ nữ tiết kiệm, tương trợ, nuôi dạy con tốt”đã khẳng định được là hướng đi đúng của các các cấp Hội với những kết quả đáng khích lệ: 379/379 mô hình được cấp ủy địa phương đánh giá cao, được Thành ủy Hải Phòng công nhận là mô hình dân vận khéo. Hiện toàn thành phố có 65.215 hội viên tham gia mô hình, 26 trẻ em vi phạm pháp luật được giúp đỡ, cảm hóa thành công, 11 hộ có trẻ vị thành niên mắc TNXH được hỗ trợ tằng nhiều hình thức, 615/652 hộ cận nghèo được hỗ trợ, 3009/341 hộ không còn trẻ suy dinh dưỡng.

Gần gũi, chia sẻ, trách nhiệm …giúp nữ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng

Trại giam Quyết Tiến trực thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an đóng trên địa bàn xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trại tiếp nhận phạm nhân chủ yếu ở các tỉnh phía bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn. Số phạm nhân nữ dao động trên dưới 1.000 phạm nhân, hiện nay là 833 phạm nhân với nhiều loại tội phạm và nhiều mức án khác nhau.Trong khoảng 10 năm gần đây đã có 369 phạm nhân nữ chấp hành xong án phạt tù tại trại giam Tuyên Quang.

Chị Nguyễn Thị Sâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Đã nhiều năm là cán bộ Hội, đã tuyên truyền, vận động nhiều đối tượng, vậy mà khi đặt chân đến trại giam chị vẫn không tránh khỏi cảm giác sợ hãi ban đầu. Tuy nhiên khi tiếp xúc với các phạm nhân nữ thì cảm giác đó dần biến mất, thay vào đó là sự cảm thông, chia sẻ bởi rất nhiều phạm nhân nữ có hoàn cảnh hết sức đáng thương, họ bất đắc dĩ trở thành phạm nhân. Có chị trở thành phạm nhân vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, túng quẫn, chị đã nghĩ đến cái chết bằng cách ngâm lá ngón vào bình rượu để uống, tuy nhiên khi nghĩ đến các con thơ bơ vơ, không người chăm sóc chị đã không dám uống thứ nước chết người đó, chị có ngờ đâu trong lúc chị đi làm, bạn của chồng chị đến chơi, chồng đã mang rượu đó ra mời bạn uống, hậu quả là chồng chị chết, bạn chồng chị cũng chết chị trở thành kẻ giết người; có chị hàng ngày bị chồng thường xuyên đánh đập, chửi bới,ngay cả trong lúc hai vợ chồng đang đào giếng, chồng ở dưới giếng đào đất, vợ ở trên kéo đất lên mà vẫn bị chồng luôn miệng chửi bới,uất ức lâu ngày dồn nén nên chị đã buông tay cho thùng đất rơi xuống trúng đầu chồng, chồng chị tuy không chết nhưng chị cũng bị thụ án vì có đồ giết người…. Thật xót xa cho những người phụ nữ vô tình trở thành phạm nhân, họ là những phạm nhân đáng thương hơn đáng giận.

Làm thế nào để tuyên truyền giáo dục các phạm nhân nữ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồnglà câu hỏi lớn luôn được các cấp Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang trăn trở; đồng thời Hội cũng xác địnhlực lượng cán bộ Hộilà nòng cốt trong tuyên truyền, động viên, khuyến khích toàn xã hội cùng tham gia, chung tay hướng dẫn, dành tình cảm bao dung, nhân hậu vị tha giúp đỡ phạm nhân nữ xóa bỏ mặc cảm, động viên họ có nghị lực phấn đấu thành người có ích cho xã hội bằng phương châm“Chỉ có tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ mới giúp các phạm nhân nữ xóa bỏ mặc cảm”.

Thực hiện chương trình phối hợp được ký kết từ cấp trung ương, Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang đã ký kết chương trình phối hợp với trại giam Quyết Tiếnnhằm giúp đỡ đối tượng này.Bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể như tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về Ngày Quốc tế hạnh phúc; vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; tuyên truyền về 4 phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang thông qua các trò chơi dễ nhớ, dễ hiểu đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các phạm nhân nữ. Bằng sự chia sẻ chân thành, sự cảm thông, nhân hậu của người cán bộ Hội, các phạm nhân đã dần tự tin, cởi mở, gần gũi hơn, đã phần nào giảm đi sự mặc cảm để hòa đồng, chia sẻ về những suy nghĩ, những dự định về “khát vọng hoàn lương”, về “ngày trở về” không còn xa nữa.

Bên cạnh những hoạt động về tuyên truyền, giáo dục phạm nhân nữ thông qua các tấm gương phụ nữ tự trọng vươn lên sau vấp ngã, gương phụ nữ điển hình đã cải tạo tốt trở về địa phương tham gia vào các phong trào của Hội, của chính quyền để khích lệ, động viên phạm nhân thấy được mình còn có ích, vẫn được xã hội ghi nhận, tạo điều kiện để tích cực cải tạo sớm trở về hòa nhập với cộng đồng; trong thời gian tới Hội sẽ phối hợp với Trại giam để giáo dục cải tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, cai nghiện ma túy cho phạm nhân nữ…tạo cho họ có hành trang vững tin hơn khi tái hòa nhập cộng đồng.

Ngọc Minh - Văn phòng TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video